Không thể dung túng cho công trình vi phạm

|

Mới đây, các phòng chuyên môn về xây dựng đô thị (XDĐT) quận Hoàn Kiếm và UBND phường Hàng Bồ đã đề xuất cho UBND quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) cho phép tồn tại một công trình xây dựng nhà ở vi phạm quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc khu phố cổ Hà Nội.

Ngang nhiên xây dựng không phép

Tháng 7-2018, Báo Thời Nay tiếp tục nhận được phản ánh của hộ gia đình bà Hoàng Thị Phong về việc ngôi nhà số 34 Hàng Bồ (phường Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị nứt, sụt lún do quá trình xây dựng, sửa chữa ngôi nhà 32 Hàng Bồ gây ra, bà cũng đề nghị chủ nhà 32 Hàng Bồ phải tháo dỡ phần công trình trái phép để bảo đảm an toàn cho gia đình bà.

Theo bà Phong, tháng 6-2017, ông Ngô Tiến Dũng đã tiến hành mua lại nhà sổ đỏ hai chủ hộ ông Nguyễn Văn Dũng và hộ bà Nguyễn Thị Tuyết Mai. Ngôi nhà có tổng diện tích mặt sàn 241 m² + 20 m² sử dụng chung và lối đi chung, nhà cao 5 tầng, chiều cao công trình đến đỉnh mái tôn là 17,5 m. Đến tháng 9-2017, nhà bà Phong xuất hiện nhiều vết nứt dọc, ngang mới ở sát mép sàn, gần các cột trụ và xiên dần vào giữa mảng tường. Các vết nứt này khá sâu, chạy dài theo bờ tường kéo lên đến trần nhà, các mảng vữa trát bong tróc, rơi xuống sàn nhà làm lộ phần tường gạch phía trong. Qua tìm hiểu thì phát hiện sự cố trên do quá trình sửa chữa, đục tường, dùng máy xúc phá dỡ, đào móng sâu hơn của nhà hàng xóm số 32 Hàng Bồ do ông Ngô Tiến Dũng làm chủ sở hữu gây ra.

Tuy nhiên, ngày 5-12-2017, UBND quận Hoàn Kiếm đã cấp giấy phép số 269/GPCT cho hộ ông Ngô Tiến Dũng để sửa chữa, cải tạo nhà ở. Theo nội dung giấy phép, ông Dũng được cải tạo diện tích sàn các tầng 1, 2, 3; diện tích sàn tầng 4 xây lùi 4,03 m so mặt nhà, giữ nguyên trạng chiều cao tầng 1 và tầng 2 lần lượt là 3,9 m và 3,6 m, giảm chiều cao các tầng 3 từ 3,6 m xuống còn 2,9 m, giảm tầng 4 cao từ 3,1 m xuống 2,9 m; chiều cao đến đỉnh mái ngói tầng 4 là 16 m, đúng với quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc khu phố cổ Hà Nội.

Về vụ việc này, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ khẳng định, ngôi nhà số 34 Hàng Bồ của hộ bà Hoàng Thị Phong bị sụt lún, nứt nhà các tầng 2, 3 là do nhà 32 Hàng Bồ tự ý gia cố kết cấu móng bê-tông, cốt thép gây ra.

Thực tế, ông Ngô Tiến Dũng đã tiến hành sửa nhà mình từ tháng 8-2017, trước khi có giấy phép sửa chữa, cải tạo. Ông đã đào móng nhà sâu hơn ban đầu, đóng cọc, gia cố nhà gây sụt lún, nứt nhà hộ bà Phong, mà với những hạng mục như ông đã làm, ông Dũng cần phải xin giấy phép xây dựng chứ không phải là giấy phép cải tạo, sửa chữa.

Nhà 32 Hàng Bồ (bên phải) cao 5 tầng, vượt quy hoạch - kiến trúc khu phố cổ Hà Nội.

Thêm một đề xuất khó hiểu

Từ tháng 9-2017, Báo Thời Nay đã nhận được phản ánh lần một của hộ bà Nguyễn Thị Phong khi phát hiện ngôi nhà sụt lún. Khi đó, phóng viên Thời Nay đã liên hệ với UBND phường Hàng Bồ để tìm hiểu sự việc trên. UBND phường Hàng Bồ đã vào cuộc, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ thi công xây dựng nhà số 32 Hàng Bồ và thực hiện các phương án hòa giải cho hai hộ gia đình theo Thông tư 03 ngày 24-4-2018 của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, mới đây, khi phóng viên đề nghị lãnh đạo phường Hàng Bồ cung cấp biên bản xử phạt hành chính, quyết định tạm thời đình chỉ công trình xây dựng và những hồ sơ pháp lý của nhà 32 Hàng Bồ thì ông Hoàng Anh nói rằng không thể cung cấp cho phóng viên, chỉ có thể cung cấp giấy phép 269/GPCT (?).

Hiện nay, hai hộ gia đình nhà bà Phong và ông Dũng vẫn chưa thống nhất được phương án đền bù, vì vậy ngôi nhà của ông Dũng sẽ bị đình chỉ thực hiện giấy phép sửa chữa cho đến khi thực hiện xong phương án đền bù. Ông Dũng cũng mới chỉ tạm thời thực hiện ký quỹ 300 triệu đồng với UBND phường để làm cơ sở giải quyết hư hỏng.

Ngày 19-9-2018, UBND phường Hàng Bồ nhận được đơn của ông Dũng với nội dung do điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình không thực hiện sửa chữa theo giấy phép số 269/GPCT. Gia đình xin “giữ nguyên trạng nội thất, ngoại thất ngôi nhà: trát lại vữa tường, sơn bả tường, lắp lại hệ thống điện nước, ốp lát khu vệ sinh, thay thiết bị, lát lại sàn, làm trần thạch cao, sửa lại cầu thang, sơn bả lại mặt tiền nhà, ban-công”.

Chỉ một ngày sau, tức ngày

20-9-2018, UBND phường Hàng Bồ đã mời phòng quản lý đô thị, Đội quản lý TTXDĐT quận và Ban quản lý phố cổ Hà Nội họp bàn đề xuất của ông Ngô Tiến Dũng. Tại cuộc họp các phòng, ban của quận đã thống nhất đề xuất UBND Quận “cho phép hộ ông Dũng được phép cải tạo sửa chữa theo nguyên trạng nhưng phải giữ nguyên hình dạng, kích thước nhà 32 Hàng Bồ”. Đây là một đề xuất rất khó hiểu. Bởi đề xuất này của các phòng chuyên môn quận Hoàn Kiếm đã vi phạm vào Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Đồng thời, đề xuất này còn vi phạm vào quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc khu phố cổ Hà Nội, bởi phố Hàng Bồ nằm trong khu vực quy hoạch chỉ cho phép xây dựng nhà mặt phố cao 3 tầng, tối đa 12 m.

Vụ việc khiếu kiện, vi phạm trật tự XDĐT kéo dài đã lâu, đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm, UBND phường Hàng Bồ sớm tìm ra giải pháp bảo đảm an toàn cho người dân và bảo vệ cảnh quan khu vực phố cổ.