Nỗi lo học thêm vào lớp 1

|

Chỉ còn hơn hai tháng nữa là các em học sinh sẽ bắt đầu một học kỳ mới. Nhưng ngay từ tháng 6, thậm chí trước đó, các bậc phụ huynh đã tìm kiếm lớp học thêm cho con em mình, đặc biệt là cho các bé chuẩn bị vào lớp 1.

Ráo riết học thêm trước tuổi

Từ khi bế giảng, tại các cổng trường mầm non, tiểu học đã ngập tràn các tờ rơi quảng cáo, giới thiệu các trung tâm luyện viết chữ đẹp, làm toán nhanh dành cho các bé chuẩn bị vào lớp 1. Mặc dù Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) không khuyến khích việc này, nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn mang nặng tư tưởng học thêm trước sẽ giúp con mình đọc thông viết thạo và phát triển tốt hơn.

Chúng tôi liên hệ với một giáo viên có thâm niên trong việc "đỡ đầu" cho trẻ vào tiểu học. Cô giáo này cho biết, tháng 6 mới cho các con đi học là… quá muộn nên cần phải tăng tốc thì mới kịp chương trình. Theo lời cô giáo, cần phải học ba buổi một tuần, trung tâm sẽ bảo đảm sau khóa học các em đọc thông viết thạo, vào trong năm học chắc chắn sẽ nắm vững toàn bộ chương trình lớp 1.

Chị Nguyễn Thị Hồng Duyên (Ðào Tấn, Hà Nội) chia sẻ: "Sau khi học xong mẫu giáo, gia đình chuẩn bị cho cháu đi học chữ gần nhà. Nhìn hàng xóm chung quanh, có nhà sau khi… ăn Tết đã cho con đi học rồi. Bây giờ mới đi học chữ là muộn nên phải chạy đua thì mới kịp được". Khi được hỏi về lý do, chị Duyên cho biết: "Thấy con của bạn bè đã biết đánh vần vanh vách, sợ khi đi học cả lớp biết đọc hết, riêng con mình không biết gì thì lại khổ!".

Anh Tùng Anh (Kim Mã, Hà Nội) tâm sự: "Mỗi khi gặp bạn bè, mọi người thường khoe thành tích các con, có cháu thì đã đọc lưu loát, có cháu thì tính nhẩm nhanh, con mình viết còn nguệch ngoạc nhiều, lúc đấy mình thấy sốt ruột lắm! Bạn bè mách bảo nhau, thế là mình phải cho con đi học luôn".

Theo tìm hiểu, rất nhiều phụ huynh đang cho con đi học thêm trước khi vào lớp 1 đều có chung tâm lý lo lắng, sợ con mình không bằng "con nhà người ta". Ðiều đáng nói là việc đưa con đi học thêm không hề xuất phát từ nhu cầu ham học của trẻ. Lý giải về nguyên nhân này, phụ huynh nào cũng mong muốn con em mình có thể phát triển tốt nhất, tránh tình trạng con học trên lớp không hiểu bài, bỡ ngỡ. Bởi vậy, với tâm lý đám đông, việc cho trẻ học thêm trước thềm tiểu học đã và đang trở thành một phong trào.

Lợi bất cập hại

Dẫu biết rằng việc học là vô cùng quan trọng, thế nhưng việc cho trẻ đi học quá sớm liệu có đúng đắn? Vốn đang ở tuổi ăn, tuổi chơi, thay vì để các em học năng khiếu thì các bậc phụ huynh lại hướng đến việc học văn hóa. Ngay khi kết thúc chương trình học ở trường mẫu giáo, các em nhỏ lại phải "chiến đấu" với lịch học ở lớp học thêm.

Chị Duyên cho biết thêm: "Tuần nào cháu cũng đều đặn ba buổi đến lớp. Buổi học toán, buổi học viết, hôm thì học tập đọc. Cô giáo cũng cho bài về nhà để các con nhớ bài hơn. Buổi tối về nhà, mình vẫn cho cháu luyện viết thêm để quen tay".

Các nhà tâm lý học đã chứng minh, sáu tuổi là lứa tuổi thích hợp để trẻ bắt đầu làm quen với việc học một cách nghiêm túc, bởi đó là lúc các em bắt đầu hoàn thiện về nhân cách, tinh thần và thể lực. Do đó, việc cho trẻ học trước có thể còn đem lại những hệ lụy không tốt. Cô Lương Ngọc, giáo viên tại một trường tiểu học ở quận Ba Ðình (Hà Nội) cho biết: "Hiện nay tỷ lệ các em nhỏ học trước chương trình gần như chiếm đến 80%, điều này gây rất nhiều khó khăn cho giáo viên. Những học sinh đã được học trước thường không có hứng thú, chán nản và chủ quan. Còn những em chưa đi học thêm thì sẽ có tâm lý lo sợ, hoang mang".

Việc bị gò ép học sớm sẽ khiến trẻ bị căng thẳng. Mặt khác, không phải tất cả học sinh đều được đi học trước, vì thế sẽ tạo chênh lệch và áp lực lớn trong môi trường sư phạm. Chưa kể đến tình trạng trong lớp có nhiều trẻ biết trước, giáo viên sẽ dạy nhanh hơn khiến các em chưa biết gì bị điểm kém, dễ dẫn đến tình trạng chán học, mất tự tin, không hứng thú với việc học nữa. Một số trường hợp khác cho thấy, không phải em nào đi học trước cũng đều giỏi. Có thể ban đầu các em sẽ thấy chương trình học rất dễ nên chủ quan nhưng càng về sau càng bị đuối, không theo kịp các bạn, bởi trước đó, trẻ đã có thói quen không tập trung nghe giảng. Cô Ngọc chia sẻ thêm: "Có trường hợp, buổi đầu tiên nhận lớp, có em đã biết viết cả chữ in hoa, làm toán rất nhanh. Hay có những em học sinh do được đi học trước quá sớm, khi đó tay còn yếu nên việc uốn nắn cho các em cầm bút rất dễ dẫn đến bị dị tật hay cầm sai quy tắc. Ðiều này gây khó khăn cho giáo viên vô cùng!".

Dẫu biết rằng việc cho trẻ đi học chữ khi chưa đủ tuổi không phải là chuyện mới, và dù chương trình Bộ GD&ÐT biên soạn để dành cho trẻ chưa biết gì khi bước vào lớp 1, thế nhưng với phong trào này, các vị phụ huynh vẫn tất tả chạy đua.