Hiện thực hóa mô hình đô thị thông minh

|

Hà Nội đang nỗ lực xây dựng một thành phố hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, đặt mục tiêu trở thành trung tâm “Văn hiến - Văn minh - Xanh - Thông minh - Hiện đại”.

Lấy người dân làm trung tâm

Dựa trên các chỉ đạo từ Trung ương, Hà Nội đã đề ra những kế hoạch cụ thể nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh. Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 và Chương trình số 07-CTr-TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy là những kim chỉ nam trong quá trình này. Ngoài ra, Hà Nội cũng đang trong quá trình xây dựng chi tiết các nhiệm vụ cụ thể phải triển khai thông qua Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội (TT&TT) Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh quan điểm cốt lõi: Hà Nội sẽ kết hợp tư duy toàn cầu với giải pháp địa phương, từ đó triển khai những hành động thực tiễn nhằm nâng cao đời sống người dân và phát triển đô thị bền vững. Để đạt được mục tiêu “Văn hiến - Văn minh - Xanh - Thông minh - Hiện đại”, Hà Nội sẽ tập trung ba trụ cột chính gồm khung pháp lý, hạ tầng và nhân lực.

Cụ thể, hiện Hà Nội đang tích cực xây dựng các cơ chế và chính sách hỗ trợ chuyển đổi số, bảo đảm sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Đồng thời cam kết xây dựng nền hành chính hiện đại, lấy người dân làm trung tâm. Trong đó, sự minh bạch và hiệu quả quản lý sẽ là yếu tố then chốt để tạo dựng niềm tin, sự hài lòng của người dân.

Hạ tầng đồng bộ là một yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng và vận hành thành phố thông minh, bởi nó cung cấp nền tảng công nghệ, dữ liệu và kết nối cần thiết để hỗ trợ hoạt động của đô thị hiện tại. Các dự án như hệ thống dữ liệu số, ứng dụng thông minh trong giao thông, y tế, giáo dục đang được triển khai mạnh mẽ.

Cuối cùng là nguồn nhân lực chất lượng cao, đại diện Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), ông Trần Ngọc Linh nhận định, cơ chế cho phát triển đô thị thông minh hiện nay còn thiếu; chưa có hình thức liên kết doanh nghiệp nên việc phát huy nguồn lực từ xã hội còn hạn chế.

Mở ra không gian phát triển mới

Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) khẳng định, mặc dù phải vượt qua rất nhiều khó khăn nhưng Thủ đô đã chọn được cách tiếp cận khác hướng đến phát triển bền vững. Điều này có thể thấy qua những thành tựu lớn mà Hà Nội đã đạt được như: Hạ tầng 5G với 12 nghìn trạm BTS và cáp quang tới 100% hộ gia đình; iHanoi đã có 1,1 triệu tài khoản; 5,4 triệu hồ sơ sức khỏe đã được kết nối CSDL quốc gia; hệ thống bệnh viện, thẻ vé giao thông đang được triển khai…

Tuy nhiên, “trái tim” của thành phố thông minh là dữ liệu thì hiện nay vẫn rời rạc. Ông Trần Ngọc Linh cho rằng, hạn chế lớn nhất của thành phố thông minh là chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung, nguồn dữ liệu không đầy đủ, đồng bộ.

Đối với vấn đề này, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cũng nhận định dữ liệu sẽ mở ra không gian phát triển mới cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời trở thành nguồn lực cốt lõi để thúc đẩy Hà Nội phát triển thành đô thị thông minh, hiện đại.

Do đó, Hà Nội đã có những quan điểm rất rõ ràng và cụ thể về dữ liệu như: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; Xây dựng nền hành chính chủ động tương tác với người dân, doanh nghiệp thông qua dữ liệu; Bảo mật và quyền riêng tư là ưu tiên hàng đầu; Bảo đảm tính liên thông và tương thích giữa các hệ thống dữ liệu; Minh bạch và trách nhiệm giải trình; Thống nhất, đồng bộ từ quy hoạch chung, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến áp dụng các quy hoạch, quy chế, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về dữ liệu.

Từ nay đến 2030, với dữ liệu, Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển: Hạ tầng dữ liệu không gian đô thị thông minh; Triển khai Đề án xây dựng CSDL hợp nhất về quản lý quy hoạch - kiến trúc - phát triển đô thị trên địa bàn thành phố; Cơ sở dữ liệu định danh - dữ liệu chủ các ngành lĩnh vực; Hồ sơ dữ liệu thành phố Hà Nội; Phát triển CSDL và mở dữ liệu; Triển khai dữ liệu giao thông và hệ thống phân tích giao thông thông minh; Hệ thống phân tích dữ liệu để dự báo biến đổi dân số và lao động; Kho dữ liệu và nền tảng phân tích an ninh, trật tự; Phát triển CSDL về hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Hệ thống giám sát và cảnh báo thiên tai, phòng chống dịch bệnh.

Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố sống còn trong hành trình xây dựng thành phố thông minh. Hà Nội sẽ đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và thu hút nhân tài, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết.