Tiếng nói mới từ thôn bản

|

Sau hơn sáu tháng tiến hành, Dự án “Tăng cường sự tham gia và tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Bành Trạch (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn)” đã cho những kết quả khá bất ngờ, gợi mở những cách tiếp cận mới với nhiều chuyện tưởng như đã “cũ”.

Tự tin với phương pháp mới

Tám nhóm nghiên cứu gồm 34 nghiên cứu viên là các phụ nữ dân tộc Tày, Dao, Mông đã nêu lên những vấn đề mà họ thấy cấp thiết cần giải quyết: ô nhiễm nguồn nước; rác thải sinh hoạt; trẻ em bỏ học; xây nhà họp thôn; phát triển chăn nuôi; bảo tồn văn hóa dân tộc: đàn tính hát then truyền thống của người Tày, lễ hội cầu mùa của người Dao.

Phương pháp “đồng nghiên cứu” đã giúp các phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin nói lên những vấn đề, suy nghĩ, tình cảm của cộng đồng và qua đó những “nghiên cứu viên” bản địa tự quyết định nghiên cứu về những chủ đề mà họ cho là quan trọng. Họ cũng đủ tự tin để trình bày những kết quả nghiên cứu của mình tại các diễn đàn, với những nhà quản lý, cả với những người hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô.

Được tập huấn về phương pháp “đồng nghiên cứu”, được học cách dùng máy ảnh để kể những câu chuyện mình nhìn thấy và muốn nói ở chính thôn bản của mình, những phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia Dự án được tập huấn, rèn luyện kỹ năng nhận thức và trình bày những vấn đề cần giải quyết tại chính cộng đồng mình đang sống. Bằng cái nhìn chân thực từ cuộc sống hằng ngày tại thôn bản của mình, họ sẽ tự nêu những khó khăn đang gặp phải, những điều mong muốn, những “phương án” giải quyết của mình tới các cấp quản lý.

Khi công cụ giao tiếp là tiếng phổ thông nhiều người còn chưa thạo thì chiếc máy ảnh là công cụ đắc lực. Chị em được các cán bộ Dự án trao máy ảnh, hướng dẫn phương pháp photovoice - cách chụp và kể những câu chuyện đi cùng với những bức ảnh của mình. Sau khi đã tập hợp được những bức ảnh do các thành viên nhóm nghiên cứu tự chụp, những kỹ năng phân tích, tổng hợp thông tin, chia sẻ, học hỏi và kết nối sẽ được vận dụng. Sau đó là việc tổ chức những cuộc họp, trình bày, tham vấn và có thể đưa ra những phương án giải quyết ngay các vấn đề tại cộng đồng dựa trên kết quả nghiên cứu.

Mới chỉ sau sáu tháng “nhập cuộc”, nhiều chị em phụ nữ các dân tộc ở Bành Trạch đã có thể chia sẻ những kết quả “Đồng nghiên cứu” đầu tiên của mình. Từ những bước đầu bỡ ngỡ, thậm chí nhiều chị còn rụt rè cho rằng nghiên cứu là việc của các cán bộ, những nghiên cứu từ cộng đồng đã phát hiện và nêu được những vấn đề của chính họ. Những ý kiến phát hiện của những người phụ nữ bình thường tham gia nghiên cứu mang lại hình ảnh chân thực nhất về cuộc sống đang diễn ra tận ngọn nguồn của nó. Họ là những người hiểu rõ nhất những vấn đề của cộng đồng mình và có thể nêu những cách giải quyết tốt nhất những vấn đề đó. Hơn thế, họ cũng trở thành hạt nhân thu hút những thành viên khác của cộng đồng cùng tham gia vào việc phát triển thôn bản của mình.

Không phải là kinh phí

Dù trong kiến nghị xây dựng nhà họp cho thôn (ở Khuổi Slẳng), trong những mô hình phát triển chăn nuôi gà (ở Bản Lấp), nuôi lợn đen (ở Pác Châm), nuôi trâu bò bán chăn thả (ở Nà Lần, Pác Pin)... đều có khó khăn về nguồn kinh phí xây dựng, khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay… nhưng hóa ra vấn đề đầu tiên không phải là kinh phí mà là nhận thức. Khi việc cộng đồng cùng nghiên cứu còn đang triển khai những bước đầu tiên, đã có rất nhiều lo ngại về nguồn kinh phí để thực hiện những ý tưởng. Nhưng dần dần những lo lắng đó tan đi. Khi người dân đã tự nhận thức được những nhu cầu, họ cũng tự nhìn thấy cách giải quyết vấn đề và đồng thuận cùng chung tay giải quyết. Ở tất cả các chủ đề được cộng đồng nghiên cứu, họ đều nêu được những giải pháp và cùng nhau tự thực hiện. Các gia đình đi đầu trong các công việc này đều thấy rằng, áp dụng những cái mới về kỹ thuật, về con giống thật ra không tốn kém mà còn sinh lợi nhiều hơn. Nếu có phát sinh thêm chi phí để xây lại chuồng trại, chọn mua con giống tốt hoặc mở rộng quy mô tăng đàn thì cũng có thể tìm cách có được.

Ở Bản Hon, nghệ nhân Mã Trung Trực đã thành lập Câu lạc bộ Hát then - Đàn tính với 14 thành viên. Anh Trực còn làm đàn tính cho nhiều nơi khác.Từ khi có nhóm “Đồng nghiên cứu”, Câu lạc bộ Hát then - Đàn tính hoạt động mạnh hơn. Nếu có thời gian rỗi là các thành viên lại cùng nhau tập đàn, tập hát. Khi “có hội” lại cùng nhau đi biểu diễn dù còn chưa đủ trang âm, có khi cũng không có bồi dưỡng... Dù còn thiếu thốn nhiều trang bị vật chất nhưng tinh thần của văn hóa đã được khẳng định vì sự đồng thuận và tự nguyện của mọi người. Nay Bản Hon đã có sáu em nhỏ đang được truyền dạy đàn và hát, nhen lên hy vọng văn hóa được trao truyền dài lâu. Câu lạc bộ Hát then - Đàn tính cũng là một mô hình phát triển văn hóa có chi phí thấp do cộng đồng tự quyết định.

Trưng bày một số hình ảnh về kết quả của dự án.

Phối hợp lồng ghép

Điều đáng mừng là các cấp chính quyền địa phương đều nhận thấy và ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng. Dù chưa có chương trình và nguồn kinh phí chính thức hỗ trợ, nhưng đại diện chính quyền xã và cả đại diện các ban, các sở của tỉnh Bắc Cạn đánh giá cao những vấn đề được nêu sau các nghiên cứu. Những bức xúc được nói lên từ cộng đồng, bằng tiếng nói của cộng đồng là kênh thông tin quan trọng để những người có trách nhiệm “làm” chính sách ở địa phương đánh giá tình hình rõ hơn và đưa ra những quyết định phù hợp hơn. Khi nhận thức đã có chuyển đổi thì mọi người sẽ có cách năng động tự góp, tự tìm nguồn kinh phí, không trông chờ tài trợ, hỗ trợ... Các cán bộ chính quyền xã thấy rõ điều này hơn cả. Nếu có cần hỗ trợ, người dân chỉ muốn chính quyền sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tập huấn kỹ thuật, phổ biến nhân rộng mô hình...

Tại cuộc hội thảo báo cáo những kết quả nghiên cứu cùng cộng đồng được tổ chức tại thành phố Bắc Cạn ngày 24-5, nhiều đại biểu của các cấp, các ngành đã dự, lắng nghe cộng đồng và có những phản hồi tích cực. Ông Bế Văn Thuấn - Phó Trưởng ban Dân vận tỉnh Bắc Cạn đánh giá cao những kết quả đạt được của Dự án và nêu mong muốn những hoạt động này có thể được phối hợp, lồng ghép cùng các chương trình khác của Chính phủ (xóa đói, giảm nghèo, khuyến học, khuyến nông, bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch...) thông qua các tổ chức chính thức: các ngân hàng, các sở, ban, ngành, các hội đoàn thể…

Các vấn đề của cộng đồng được những phụ nữ dân tộc thiểu số ở Bành Trạch nói lên bằng tiếng nói của mình, có nội dung và cách diễn đạt mộc mạc nhưng để lại nhiều suy nghĩ. Việc quan tâm, tôn trọng những ý kiến của cộng đồng làm cho ý nghĩa của ý tưởng nâng cao năng lực và tiếng nói của những người trong cuộc, đặc biệt là với những nhóm xã hội yếu thế, trở nên mạnh mẽ và thiết thực hơn. Những điều này không chỉ mang ý nghĩa phát triển kinh tế và sinh kế cho vùng dân tộc miền núi mà còn mang nhiều ý nghĩa khác rộng hơn về chính sách dân tộc, về đa dạng văn hóa, về một tương lai phát triển đậm bản sắc và bền vững.