Nghiên cứu lộ trình tăng thuế ổn định với rượu, bia

|

Tại Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến mới đây, đối với rượu từ 20 độ trở lên, lộ trình tăng thuế từ năm 2026 đến 2030 với phương án 1 là từ 70 - 90%, phương án 2 là từ 80 - 100% (hiện tại là 65%). Với rượu dưới 20 độ, phương án 1 là từ 40 - 60%, phương án 2 là từ 50 - 70% (hiện tại là 35%). Đối với bia, phương án 1 từ 70 - 90%, phương án 2 là từ 80 - 100% (hiện tại là 65%). Với các mức thuế đề xuất này, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 2.

Trong văn bản góp ý Dự thảo, Hiệp hội Bia - rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, trong giai đoạn từ năm 2020 tới nay, ngành đồ uống rượu, bia, nước giải khát đã liên tục chịu tác động tiêu cực do kinh tế khó khăn hậu Covid-19 và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao từ 15 - 30%. Trong khi đó, ngành đồ uống có cồn lại không thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) nên không được hỗ trợ mà chịu nhiều hạn chế từ 4 luật lớn: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, thương mại điện tử, bảo vệ môi trường.

Với những khó khăn này, ngành rượu, bia đã bị sụt giảm mạnh về sản lượng. Chỉ số tồn kho toàn ngành đồ uống năm 2023 ước tính tăng 120% so với năm 2022 và quý II/2024 cũng ghi nhận chỉ số tồn kho ngành đồ uống tăng gần 128,9%. Đáng quan ngại, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp đã sụt giảm lớn, thậm chí đã có nhà máy phải đóng cửa.

Cụ thể, với Heineken, lần đầu sau nhiều thập kỷ, thị trường của hãng tại Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm hai con số trong năm 2023. Tổng công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có 26 nhà máy ở 20 tỉnh, thành phố. Từ năm 2021 tới nay, tăng trưởng của doanh nghiệp ở mức âm từ một tới hai con số so với năm 2019 cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20 - 40%, trong khi giá bán không thể tăng. Kéo theo đó là hàng loạt hệ thống dịch vụ nhà hàng, khách sạn với hàng triệu lao động đi kèm.

Tổng công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco) phản ánh, năm 2023 sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 30% so với năm 2019, ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động. Công ty CP Rượu và nước giải khát Hà Nội (Halico) liên tục thua lỗ từ nhiều năm nay, nên đến cuối năm 2023 ghi nhận lỗ quý thứ 27 liên tiếp, luỹ kế lên đến 457,7 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh nghiệp rượu nhập khẩu cũng sụt giảm doanh số, dẫn đến việc phải tái cấu trúc, cắt giảm nhân viên, thu hẹp văn phòng.

Do đó, với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu, bia theo lộ trình 2026 - 2030 với mức thuế cao nhất lên tới 100%, VBA cho rằng tuy chưa thể đánh giá hết được các tác động vì điều này đòi hỏi thời gian, số liệu thống kê chính thống đầy đủ, mô hình tính toán tác động thuế khoa học và các yếu tố về độ co giãn, phản ứng của người tiêu dùng và hành vi chuyển đổi các sản phẩm thay thế, song đây chắc chắn là cú tăng nhanh nhất trong lịch sử tăng thuế TTĐB.

Theo ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ đối ngoại Heineken Việt Nam, việc tăng thuế đối với rượu, bia ở giai đoạn này cần được xem xét một cách cẩn trọng và toàn diện, bảo đảm cân bằng giữa mục tiêu tăng thu ngân sách và hài hòa các lợi ích nhằm ổn định kinh tế nhưng vẫn bảo đảm đạt được các mục tiêu bảo vệ sức khỏe theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Tuy vậy, biểu thuế TTĐB hiện tại, có sự bất hợp lý khi rượu có nồng độ cồn dưới 20% chỉ chịu mức thuế TTĐB 35%, trong khi bia với nồng độ cồn dưới 12% lại phải nộp thuế TTĐB 65%. Sự chênh lệch này không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp bia mà còn thể hiện sự thiếu công bằng trong chính sách thuế. Việc quy định như vậy là chưa bảo đảm tính nhất quán của biểu thuế. Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Luật Quảng cáo, thì các văn bản pháp luật này đã tách bia thành các nhóm rượu, bia có độ cồn dưới 15 độ và dưới 5,5 độ.

Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị, cải cách biểu thuế TTĐB đối với bia, chia theo các mức nồng độ cồn gồm mức thuế 65% áp dụng đối với sản phẩm bia có nồng độ cồn từ 5,5% trở xuống; mức thuế 70% áp dụng đối với sản phẩm bia có nồng độ cồn hơn 5,5% đến dưới 15%; và mức thuế 75% áp dụng đối với sản phẩm bia có nồng độ cồn hơn 15%. Về mức tăng và lộ trình tăng thuế, ông Phúc kiến nghị thuế suất đối với bia sẽ giữ ổn định ở mức 65% trong vòng 3 năm đầu tiên kể từ ngày Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) có hiệu lực, sau đó 3 năm thì tăng một lần và tăng không quá 3 - 5% mỗi lần. “Chúng tôi đã tham khảo phương thức đánh thuế theo nồng độ cồn đã và đang được áp dụng phổ biến trên thế giới và các báo cáo đánh giá đã chỉ ra rằng, khi áp dụng mức thuế khác nhau theo nồng độ cồn sẽ giúp định hình hành vi tiêu dùng và khuyến khích các nhà sản xuất đổi mới, phát triển các sản phẩm có nồng độ cồn thấp, điều này sẽ giúp bảo đảm mục tiêu sức khỏe cộng đồng và tăng thu bền vững cho ngân sách nhà nước cũng như nhất quán với các quy định của luật có liên quan đến đồ uống có cồn”, ông Phúc nêu rõ.

Liên quan vấn đề này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp đồng tình với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc sử dụng chính sách thuế TTĐB để bảo vệ sức khỏe người dân, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng có hại cho sức khỏe như rượu, bia, thuốc lá. Tuy nhiên, dự thảo hiện đề xuất mức tăng thuế rất mạnh và tốc độ tăng thuế rất nhanh đối với các mặt hàng này.

Việc tăng thuế quá nhanh và mạnh này sẽ khiến các doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp với sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ do chính sách thuế. Điều này, theo VCCI, sẽ dẫn đến nhiều dự án đầu tư gặp thua lỗ, không thể thu hồi được vốn. Thêm vào đó, sự sụt giảm sản lượng quá nhanh sẽ tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động, rất khó để chuyển đổi nghề nghiệp cho số lượng lao động dôi dư từ các nhà máy rượu, bia, thuốc lá. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa ra lộ trình tăng thuế đối với rượu, bia và thuốc lá phù hợp hơn với tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ưu tiên lựa chọn phương án 1 với tốc độ tăng thuế ổn định hơn.

Bộ Tài chính có xu hướng nghiêng về phương án 2. Theo quan điểm của bộ, đây là phương án mang nhiều lợi thế. Theo đó, đến năm 2026, giá bán các sản phẩm rượu, bia sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2025. Các năm tiếp theo, giá bán chỉ tăng 2-3%. Tốc độ tăng như vậy khá phù hợp với tình hình chung của thị trường.

Theo lộ trình, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 đối với Dự thảo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 và thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025. Việc cân nhắc ảnh hưởng của các doanh nghiệp sản xuất là cần thiết. Tuy nhiên, về cơ bản vẫn phải hướng đến mục tiêu có tính chất bền vững, hạn chế thấp nhất tình trạng lạm dụng rượu, bia.