Người tiêu dùng căn cơ “vô” chợ

|

Kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu ăn uống. Theo đó, nhiều tiểu thương bán hàng thực phẩm, rau củ quả và trái cây ở chợ than ế mà không hiểu nguyên nhân vì sao.

Gần đây, chợ ế quá trời!

Khảo sát tại các chợ trên nhiều địa bàn khác nhau, tình trạng hàng hóa ế ẩm đang trở thành nỗi lo lớn của tiểu thương. Những hình ảnh các quầy hàng ngập tràn sản phẩm nhưng vắng bóng khách mua đã trở nên quen thuộc. Nhiều tiểu thương không giấu nổi sự chán nản khi kể về tình hình kinh doanh ế ẩm kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của họ.

Bà Nguyễn Thị Lan, một tiểu thương bán rau củ tại chợ Đống Đa (TP Đà Nẵng), thở dài. “Trước đây, mỗi sáng mở hàng là khách tới nườm nượp, rau củ bán không kịp cân. Bây giờ thì khác, người qua lại ít hẳn, có ngày ngồi từ sáng đến chiều mà chỉ bán được bằng nửa so với đầu năm. Rau củ nhập về, bán không hết là xuống cấp liền. Nửa buổi sáng bán còn có chút lời, nửa buổi chiều, lượng chợ mà hạ giá”.

Bà Lan đánh giá thị trường: “Giá cả các mặt hàng không tăng, thậm chí có nhiều loại rau củ còn giảm giá. Nhưng không hiểu luôn khách hàng của tôi, của nhiều tiểu thương khác đi mô hết rồi? Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm, hay chuyển qua cơm tiệm”.

Không những chợ ế, mà người đẩy xe rau củ bán dạo cũng thấy hàng bán chậm chạp đến mức khó tin. Ông Võ Văn Hưng, người bán thịt heo tại chợ Hàng Rượu (phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi), cũng phàn nàn. “Trước đây, mỗi ngày tôi bán được cả chục con heo cho chị em mua cất, bán lẻ. Bây giờ thì chỉ còn bữa đắt sáu con, bữa ế bốn con. Nghĩ rồi, sắp tới có gì đổi thay không? Khách không mua thực phẩm, họ cũng khó khăn, cũng đói, mình cũng đói theo”.

Chị Đỗ Thị Loan bán cá biển dạo tại nhiều vùng nông thôn, miền núi Quảng Nam cho hay, người tiêu dùng nông thôn hay hỏi cá khô, ruốc khô, ít người mua cá tươi, tôm tươi: “Mùa nóng không phải là mùa thích hợp ăn cá khô, tép khô. Nhưng khó khăn nên họ đành chấp nhận ăn uống cho qua ngày. Hàng ế, thấy tội nghiệp cho mình mà cũng thấy tội nghiệp cho khách hàng vì khó khăn mà đành phải ăn tạm qua ngày”.

Không chỉ những mặt hàng thiết yếu như rau củ, thịt cá mà các gian hàng bán quần áo, giày dép cũng không khá hơn. Chị Lê Thị Hòa, chủ một gian hàng quần áo chợ Tân An (Hội An, Quảng Nam), cho biết: “Người dân chỉ mua những thứ thực sự cần thiết, còn quần áo, giày dép thì hạn chế. Có những ngày tôi không bán được một món hàng nào”.

Nguyên nhân của tình trạng ế ẩm không chỉ do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu mà còn do sự cạnh tranh khốc liệt từ các kênh mua sắm. Trước tình hình này, nhiều tiểu thương phải tìm cách thay đổi để tồn tại, bán hàng qua mạng xã hội. Tuy nhiên, sau một thời gian hàng bán trên không gian này khá lộn xộn, khách hàng cũng không đặt nhiều niềm tin, cũng ế luôn.

Đắn đo chợ chiều

“Tình trạng hàng hóa ế ẩm tại các chợ không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của tiểu thương mà còn tác động đến nền kinh tế địa phương”, bà Bùi Thị Phương quản lý chợ Vực (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), cho biết.

Chợ truyền thống là một phần không thể thiếu trong văn hóa và đời sống người dân, nơi giao thương và kết nối cộng đồng. Việc hỗ trợ, phát triển và duy trì hoạt động của các chợ là cần thiết để giữ gìn nét văn hóa, truyền thống và bảo đảm cuộc sống ổn định cho hàng nghìn tiểu thương.

“Với đồng lương eo hẹp hiện nay, người công nhân đi chợ mua thực phẩm sẽ rất đắn đo trong chi tiêu. Cuộc sống hôm nay đòi hỏi nhiều chi phí, từ tiền nhà, điện nước, xăng xe, cho đến học phí cho con cái, nhưng thu nhập của người lao động vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Điều này dẫn đến việc họ phải tính toán kỹ lưỡng mỗi khi cầm tiền ra chợ”, ông Nguyễn Mậu Thọ, quản lý chợ Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế), cho hay.

Với một người làm công nhân, buổi đi chợ, phải tính toán ra sao? Chị Tô Thị Lan, công nhân may mặc ở thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), cho biết: “Tôi đã phải cân nhắc rất nhiều. Những món ăn yêu thích của con như thịt bò hay cá tươi, sữa tươi… đã trở thành món xa xỉ. Thay vào đó, tôi chọn mua những loại thực phẩm rẻ hơn như trứng, cá biển loại nhỏ về chế biến kỹ hơn”.

Chị Lan không phải là trường hợp duy nhất. Nhưng đi qua những khu công nghiệp vẫn nhận ra hình ảnh, những người công nhân đa phần vẫn mua thực phẩm vào cuối ngày khi các tiểu thương muốn bán hết hàng tồn với giá rẻ hơn.

Trò chuyện với nhiều người lao động, vì thu nhập eo hẹp, nên họ thường xuyên phải đối mặt với những câu hỏi như: “Mua thịt hay mua cá?”, “Nên mua rau cải hay rau muống?”, “Có thể mua thêm trái cây không?”… Sự đắn đo này không chỉ là biểu hiện của khó khăn kinh tế mà còn là minh chứng cho sự kiên trì và nỗ lực không ngừng của người lao động trong việc bảo đảm cuộc sống ổn định cho gia đình.

Theo bản tin lao động Việt Nam quý 1/2024 , bình quân của người lao động quý I/2024, nam giới có thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng, còn ở nữ giới khoảng 7,9 triệu đồng/tháng. Bình quân là 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 606 nghìn đồng so quý I/2023.