Sự tình cờ định mệnh
Trong nếp nhà đơn sơ, bà Trần Thị Mai thổ lộ: Càng thấy sự sống của người khác được hồi sinh bao nhiêu, lòng càng hạnh phúc và khỏe mạnh bấy nhiêu. Có những thứ rất lạ, đó là niềm vui từ tinh thần mà với bản thân mình, tôi nghiệm ra rằng cứ xem sức khỏe của người khác, sự sống của người khác cũng quan trọng như của mình là liều thuốc rất hữu hiệu không chỉ giúp xóa đi những mệt nhọc mà còn thấy yêu đời hơn, sống chan hòa hơn”.
Xóm giềng và những người dân ở khắp các vùng lân cận gán cho bà Mai biệt danh “hiệp sĩ hiến máu”. Tính đến cuối tháng 6-2018, bà Mai có hơn 90 lần hiến máu. Trong đó, có 88 lần hiến máu tình nguyện, hai lần hiến tiểu cầu và một lần hiến máu khẩn cấp. Cho đến thời điểm này, bà là người giữ kỷ lục trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa về số lần hiến máu nhân đạo cao nhất.
Ý nguyện hiến máu trở thành ý nghĩ thường trực với bà Mai bắt đầu từ sự tình cờ vào đầu năm 2000. Bà kể: Năm ấy, tôi đang chăm sóc người thân nằm tại Bệnh viện đa khoa của khu vực TP Cam Ranh thì nhìn thấy một cụ già tử vong do mất khá nhiều máu. Rồi lại thấy rất nhiều người bị thương khác nữa. Máu tích trữ ở bệnh viện thì ngày càng ít dần. Các bác sĩ, nhân viên y tế phải chạy đôn đáo như đua với thời gian từng phút để cứu người. Từ đó, trong lòng tôi rất trỗi dậy niềm trăn trở và nhiều đêm ngủ không được.
Chính từ trong những đêm trắng, bà Mai đặt ra câu hỏi cho chính mình rằng: Tại sao mình khỏe thế này mà không hiến máu, tại sao lại có thể thờ ơ trước tình cảnh máu trữ ở bệnh viện thiếu, sao có thể ngồi yên khi các nhân viên y tế lúc ấy vừa khám chữa bệnh còn vừa tuyên truyền kêu gọi người dân hiến máu nhân đạo. Những câu hỏi ấy đưa chân bà Mai đi hiến máu ở bất cứ nơi nào, thời điểm nào khi có người cần.
Ban đầu, hành động vượt mưa bão lẫn nắng gió đi hiến máu của bà Mai cũng gặp phải sự băn khoăn và phản đối của mẹ mình. Chẳng phải hẹp hòi nhưng bằng nỗi lo lắng tận tụy của đấng sinh thành, bà cụ sợ con mình sẽ xanh xao và gầy mòn đi khi hiến máu quá nhiều. Nhưng, được các nhân viên y tế đả thông tư tưởng và luôn giữ vững niềm tin hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe nên có những hôm, ngày đi hiến máu, đêm về bà Mai lại giải thích cho mẹ và người thân của mình hiểu.
Mọi lấn bấn ban đầu rồi cũng được xua tan khi sau lần hiến máu đầu tiên, bà Mai cảm thấy sức khỏe bình thường, người vẫn dẻo dai, tiếp tục đăng ký hiến lần thứ hai, ba, tư... Thấy con gái mình nói đúng, người mẹ của bà xoay chuyển tâm lý khích lệ và động viên con rằng: Đã tìm được niềm hạnh phúc song hành cùng gia đình là hiến máu rồi thì phải bám giữ lấy. Tinh thần như được thôi thúc thêm, lượng máu của bà Mai hiến ngày càng tăng, nếu như trước đây chỉ có 200 ml/lần, kể từ sau năm 2010 bà hiến 250 ml/lần, thậm chí cao điểm 450 ml/lần. Có năm bà Mai hiến đến gần chục lần.
Tiếp sức nối dài sự sống
Từ xóm nhỏ yên bình ở Quảng Phúc (xã Cam Thành Nam, TP Cam Ranh) ngày nào ông Huỳnh Văn Tâm cũng đọc vang bốn câu thơ tự ông sáng tác cho các con cháu của mình nghe: “Ta hồi sinh từ những giọt máu hồng/ Từ sự tận tụy của bàn tay y đức/ Sẻ chia đi những giọt máu hồng/ Là mang về niềm an vui kỳ diệu”.
Hơn 5 năm trước, vì điều kiện kinh tế khó khăn, lại thiếu máu nghiêm trọng nên trong chiến dịch kêu gọi hiến máu giúp bệnh nhân nghèo, ông Tâm đã được truyền miễn phí 900 ml máu và mổ nội soi dạ dày. Trong số những người hiến máu giúp hồi sinh sức khỏe của ông Tâm có bà Mai. Sau lần ấy, ông Tâm luôn coi những người miệt mài hiến máu như bà Mai là tấm gương để khuyên nhủ con cháu của mình hãy tích cực tham gia hiến máu nhân đạo. Chẳng mấy chốc những câu thơ, những lời khuyên của ông đã được gần chục người thân thấu hiểu và người nào cũng đã tham gia hiến máu nhân đạo một vài lần.
Không chỉ hiến máu nhân đạo cứu bệnh nhân nghèo, hiến máu cho các chiến dịch, bà Mai còn trực tiếp tham gia hiến máu khẩn cấp cứu em Nguyễn Thị Thùy Trang (sinh năm 1986, trú cùng địa phương, bị tim bẩm sinh, cần mổ gấp). Bà nhớ lại: Lần đó nếu không có máu ngay thì em khó qua khỏi, trong khi đó gia đình của em hoàn cảnh rất khó khăn lại không đủ máu để hiến cho em. Các bác sĩ chẩn đoán sự sống rất mong manh, nếu chuyển máu từ nơi khác về e là không kịp. Thông tin đến tai, bà Mai lập tức đến bệnh viện hiến máu ngay. Với quyết tâm phải giành sự sống bằng được cho Nguyễn Thị Thùy Trang, bà Mai quyết liệt đề nghị bác sĩ, lấy bao nhiêu máu cũng được.
Trải qua bạo bệnh, bây giờ, người được bà Mai hiến máu khẩn cấp đã lập lập gia đình, sức khỏe bình thường và sống hạnh phúc. Vui như đã cứu được chính người ruột thịt của mình, bà Mai bộc bạch rằng: Dẫu chẳng quen biết hay họ hàng gì với Trang nhưng tôi vẫn luôn dõi theo và mong sức khỏe cháu tốt. Nhiều người bệnh khác cũng vậy.
Với khát vọng có thể nối dài thêm sự sống cho người khác ngay cả khi mình đã qua đời, đến nay bà Mai còn đăng ký hiến gan, hiến thận của mình. Không dừng lại ở đó, với mong muốn y học sẽ có những bước tiến triển thêm, bà Mai còn đăng ký hiến xác sau khi mình qua đời cho y học. Bà luôn tâm niệm rằng: Cái còn lại ý nghĩa nhất vẫn là việc gì mình có thể làm để có ích cho người khác. Mình không có tiền bạc để hiến thì hiến thân xác cho ngành y tế.
Cần mẫn lan tỏa việc làm hay
Không chỉ “nghiện” hiến máu, đăng ký hiến tạng và hiến xác, bà Mai còn miệt mài đi vận động người dân khắp nơi hãy tham gia hiến máu nhân đạo như mình. Lấy minh chứng từ chính mình: Không hề ăn kiêng, thường xuyên uống nước, ăn uống điều độ, chú ý ăn nhiều loại trái cây, rau củ quả và quan trọng phải tập thể dục hằng ngày là hiến máu vô tư mà không phải lo lắng gì. Trong khẩu phần ăn, hạn chế những chất tinh bột, chất béo, chất ngọt.
Để có thể lan tỏa phong trào hiến máu rộng rãi hơn, bà Mai đảm nhận luôn vai trò là Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường Cam Nghĩa. Mỗi năm bà vận động được hàng trăm người tham gia hiến máu tình nguyện. Trước thời điểm năm 2002, số lượng hiến máu của địa phương chỉ tính trên đầu ngón tay. Nhờ sự vận động của bà Mai mà số lượng người đã tăng lên đáng kể. Hiện tại, bà đang quản lý 60 người có nhóm máu O, 20 người có nhóm máu B, 22 người có nhóm máu A và 19 người có nhóm máu AB. “Khi nào ai cần cứ thông báo cho tôi, không kể ngày đêm, không kể mưa gió, bão bùng… Chỉ cần có thông báo, tôi sẵn sàng hỗ trợ kịp thời, một cách tốt nhất”, Bà Mai bộc bạch.
Anh Trần Văn Bình ở Cam Nghĩa chia sẻ: Trước đây còn băn khoăn nhưng được bà Mai giải thích cặn kẽ lại thấy thường xuyên ở nơi này, nơi khác các ngân hàng máu vẫn còn thiếu nhiều trong khi mình sức khỏe tốt, không đi hiến máu thì thấy trong lòng áy náy không yên được. Trước khi đi hiến máu, anh Bình còn quán triệt đến nhiều người bạn, người thân của mình là tuyệt đối không được uống rượu bia và các chất kích thích khác kẻo ảnh hưởng đến việc cho máu.
Ông Lê Văn Hoa, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Khánh Hòa khẳng định: Bà Mai là một điển hình trong việc hiến máu nhân đạo, hiến tạng. Bà xông xáo, tích cực trong các hoạt động nhân đạo. Đây là một trong những tấm gương tiêu biểu của tỉnh Khánh Hòa, Hội đang nhân rộng những cá nhân này để việc nghĩa ngày càng lan tỏa trong xã hội. Đến nay, bà Trần Thị Mai đã được Bộ Y tế, Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Y tế, Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa trao tặng nhiều bằng khen cho những việc làm ý nghĩa và tràn đầy tính nhân văn của mình.