Vật vã chống nóng cho học sinh
7 giờ sáng, mặt trời mới lên nhưng phố núi Đồng Lê (Tuyên Hóa, Quảng Bình) đã hầm hập. Nắng làm cho thị trấn huyện lỵ này như phủ mầu nắng lóa, cây cối ủ rũ vì lâu ngày không có mưa.
Từ Đồng Lê, chúng tôi nai nịt gọn gàng và với những thứ có thể chống được nắng, ngược đường 15 lên Lâm Hóa - nơi đầu nguồn sông Gianh đang quay quắt về nắng nóng và thiếu nước. Thầy Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở (PTDTBT TH và THCS) Lâm Hóa chia sẻ, học sinh (HS) đến lớp trong cái nóng hầm hập từ sáng sớm đến lúc mặt trời lặn. Nghỉ dài ngày do dịch, HS đồng bào dân tộc đi nương rẫy với cha mẹ rồi... quên đi học, giáo viên phải đi vận động, tìm HS đến lớp đã khó, bây giờ nắng nóng, các em lên rừng hoặc xuống suối để tránh nóng nên duy trì được sĩ số còn vất vả hơn. Nhà trường và giáo viên phải làm nhiều cách để động viên các em đến lớp. Thầy Tâm cho biết, trường có gần 230 HS học bán trú ở trường trung tâm với các khối từ tiểu học đến THCS. Ngoài ra còn có gần 80 HS tại ba điểm trường lẻ ở các bản Kè, Cáo và Chuối. Đây là trường nội trú duy nhất của huyện Tuyên Hóa và có hơn 60% HS thuộc tộc người Mã Liềng (dân tộc Chứt) theo học.
Sợ HS nghỉ sớm nên thầy Tâm giục chúng tôi uống nước nhanh rồi vào thăm điểm trường bản Kè, cách trung tâm xã chừng ba cây số. Hai xe máy “ngựa chiến” do thầy Tâm và một giáo viên cầm lái. Vừa qua chiếc cầu treo đã thấy ngay điểm trường được xây dựng vững chãi trên một nền đất rộng nhưng không một bóng cây. Đám cỏ sót lại giữa sân trường cũng dần héo khô. Thầy cô, HS tiểu học và trẻ mầm non vẫn nhẫn nại dạy - học bình thường. Trong lớp học linh hoạt (ghép chung HS lớp 4 và 5) gồm 10 em đang học môn Tiếng Việt có ba chiếc quạt chạy hết cỡ mà cái nóng vẫn hầm hập.
Lớp rộng chừng 25 m² nhưng do nắng chiếu trực diện vào bên trong cửa nên cô giáo phải kéo toàn bộ bàn ghế lên sát bảng để bớt nóng. Cô, trò quây với nhau trong một nửa phòng, nửa còn lại nhường cho... nắng. Em Hồ Bôm (học lớp 5) vừa đọc bài vừa đưa tay quệt mồ hôi. Em dừng lại nói: “Ngồi học nóng lắm chú ạ, đi tắm suối mát hơn”. Cô giáo Đinh Thị Phương, chủ nhiệm lớp giải thích: “Điểm trường ở đây nắng cả hai phía nên lớp nào cũng phải xếp bàn dồn lại để phần nào tránh cái nóng cho các em”. Nắng cả ngày với cường độ lớn, không khí ngột ngạt nên ngay cả khi ra chơi thì cô và trò đều ngồi trong lớp. Cách đây một tuần, nắng nóng còn gấp nhiều lần, huyện mới cho tiền làm mái tôn trước hiên nên nắng nóng đỡ đi phần nào.
Cô Phương nói vậy chứ ngay cả khi điểm trường bản Kè có mái che phía trước, chúng tôi cũng khó đứng lâu được, bởi nắng như thiêu đốt trên đầu. Để giảm nóng cho học sinh, thầy, cô điểm trường phải mất nhiều thời gian để tìm và dẫn nước từ con suối cách cả cây số. Đường xa, ống nhỏ nên thường xuyên hỏng, mất nước, các thầy phải lần tìm để khắc phục. Nơi bản xa của người Mã Liềng, giáo viên không chỉ dạy mà còn phải dỗ HS để các em đến lớp đầy đủ, chịu ngồi học trong cái nóng như rang.
Cô Phương kể, cứ vài hôm các thầy, cô phải mua dầu gội rồi tổ chức cắt tóc, gội đầu cho HS. Nếu không, nắng nóng học sinh ra suối “ngâm” lấy ai học. Lại nữa, do bố mẹ người Mã Liềng ít quan tâm con cái nên nhiều em đến lớp với cái đầu bù xù, đen nhẻm, áo quần một bộ mặc cả tuần…
Thầy Nguyễn Hữu Tâm cho biết thêm, để tránh nắng cao điểm ban trưa, nhà trường chuyển dịch lịch học theo hướng sớm và muộn hơn. Buổi sáng, thay vì học ở thời gian 7 giờ 15 phút thì chuyển lên sớm hơn 30 phút. Buổi chiều đến 15 giờ mới vào học và tan học sau 17 giờ. Trường cũng xin huyện hỗ trợ mua thêm 42 cái quạt để gắn thêm cho từng lớp. Các thầy, cô tự trích một phần lương để mua phim cách nhiệt loại rẻ về dán lên cửa kính phòng học hạn chế bức xạ nhiệt.
Công việc không có trong giáo án
Lâm Hóa là một trong ba xã khó khăn của huyện miền núi Tuyên Hóa có đông bà con dân tộc thiểu số sinh sống. Nhiều năm qua, dù có những kết quả bước đầu song hành trình đưa cái chữ lên đây còn nhiều khó khăn. Với tộc người Mã Liềng, tuy đời sống đã nhiều đổi thay, bà con biết chăn nuôi, trồng rừng để tạo lập cuộc sống, song những tập tục lạc hậu hằn sâu vào tiềm thức của họ vẫn chưa thay đổi nhiều, trong đó có việc học hành của con cái. Tuổi lên 10, trẻ em đã nghỉ học để tập đi rừng với bố mẹ, lớn thêm vài tuổi nữa trở thành người đi rừng thực thụ. Công việc học bỏ dở.
Nhiều người xem việc đưa HS đến trường là của nhà trường, giáo viên phải làm. “Thầy cô đi vận động phụ huynh để con đến trường mà họ cứ lần lữa mãi. Nhiều người không muốn cho con em đi học, họ nói con họ đau ốm để không đến trường mà đi rừng hái măng, lấy lá nón. Có trường hợp thấy giáo viên đến là bỏ chạy, thầy phải đi vận động nhiều lần mới trở lại trường, thầy Tâm chia sẻ.
Thầy giáo Hoàng Ngọc Lâm kể, ở bản Cáo, nếu muốn sáng mai HS đến lớp đầy đủ thì từ chiều hôm nay, giáo viên phải đến từng nhà vận động các em. Em nào vắng nhà, biết là lên rẫy thì thầy phải đến tận nơi để tìm. Thậm chí, có khi thầy phải đi rẫy đến vài lần mới “bắt” được học trò đưa về lớp. Chưa hết, vận động từ chiều hôm trước có em đồng ý tới lớp nhưng sáng hôm sau gần đến giờ học chưa thấy đâu, thầy phải lấy xe máy chạy vòng quanh bản để thồ về trường không chỉ một mà có khi là hai, ba em.
Thầy Nguyễn Hữu Tâm cho biết, trường có 34 giáo viên thì phần lớn đều được phân công vào các tổ vận động HS ra lớp. Tổ tự nhiên phụ trách vận động HS khối THCS tại bản Kè; tổ xã hội thì được giao tại bản Chuối và bản Cáo. Giáo viên dạy tiểu học cũng vậy. Phụ trách bản Kè là thầy Hùng, cô Oanh, cô Phương; bản Chuối là thầy Thành, thầy Du, cô Yến; bản Cáo xa hơn thì thầy Tu, thầy Minh. Việc vận động thực hiện thường xuyên, từ sáng thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Khi đến từng nhà vận động HS, thầy, cô phải mang thêm quà như sách vở, bút, quần áo, bánh kẹo để dỗ dành HS của mình đến lớp. Tất cả đó giáo viên đều tự trích lương để mua chứ nhà trường không có nguồn nào để hỗ trợ cả.
HS đồng ý đến trường nhưng sáng mai không có xe đạp, đường xa, nắng nóng nên nghỉ luôn. Cùng với việc đi chở HS, nhà trường, thầy, cô đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân từ thiện hỗ trợ xe đạp cho các em. Mỗi năm có hàng chục chiếc xe đạp mới được trao cho HS Mã Liềng để tạo thuận lợi cho các em đến trường. Nhưng ngặt nỗi, quen với lối sống tự do nên xe đạp của một HS mà cứ như là tài sản chung của cả bản. Các em đi về dựng dưới nhà sàn, bất cứ ai có nhu cầu thì lấy đi mà không cần biết đó là xe của ai. Ông nọ đến bà kia đi chán, xe hỏng, vứt chỏng chơ dưới nhà sàn, con em không có phương tiện đến trường nên lại nghỉ học. Cũng có khi xe đang mới nhưng ông bố… lấy trộm xe của con đi đổi rượu. Thế là các thầy giáo ở Lâm Hóa có thêm nhiệm vụ đi tìm, sửa xe miễn phí để trao lại cho học sinh.
Thầy giáo Hoàng Ngọc Lâm nảy ra “sáng kiến” là mỗi lần đi tìm xe cho HS đưa về sửa là buộc thêm chiếc xe ba gác phía sau xe máy để chở cho được nhiều xe đạp hỏng. Đưa xe về điểm trường, các thầy xắn tay sửa xe cho HS, cái hỏng nhẹ thì tự khắc phục, vô dầu mỡ rồi giao lại cho chủ xe. Chiếc hỏng nặng, nhà trường trích ít kinh phí mua phụ tùng để các thầy thay thế. Công việc sửa xe hầu như diễn ra hằng tuần.
Miền trung mới đầu hè nhưng đã nóng như rang. “Chảo lửa” Tuyên Hóa càng hầm hập bởi gió Lào thổi đến rạc người. Ở đó, hành trình “gieo chữ” tuy nhiều gian nan song các thầy, cô giáo chưa ai nản lòng vì công việc.
“Để chống nóng cho HS, UBND huyện đã hỗ trợ một số trường, điểm trường làm thêm mái che. Ở một số xã thì làm giúp rèm che chắn nắng. Lãnh đạo các trường phối hợp Hội Cha mẹ HS kêu gọi phụ huynh hỗ trợ chống nóng cho con em mình bằng cách cho mượn hoặc ủng hộ quạt điện lắp thêm trong lớp, cung cấp thêm nước uống. Phòng cũng chỉ đạo thay đổi lịch học để hạn chế nắng nóng cao điểm buổi trưa; đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác y tế học đường để phòng, chống cảm nắng, say nắng cho HS”. (Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuyên Hóa Hoàng Văn Phúc).