Xung phong lên điểm nóng
Khoảng 5 năm trước, Trường tiểu học và trung học cơ sở (TH&THCS) Nậm Búng đã khiến Phòng GD&ĐT Văn Chấn nhiều phen nóng như chảo lửa. Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Trưởng phòng nhớ rõ: “Rất nhiều cuộc họp, rất nhiều cuộc vận động của cả huyện và xã đã diễn ra. Nhưng học sinh vẫn bỏ lớp, bỏ trường. Trong vỏn vẹn ba năm chúng tôi đã “khuyết” mất 30 em. Đang lúc bế tắc thì thầy giáo Nguyễn Đức Thành (bấy giờ đang là Hiệu trưởng Trường THCS Thượng Bằng La) xung phong chuyển lên điểm nóng Nậm Búng, dù khoảng cách từ nhà thầy ở xã Cát Thịnh đến trường Nậm Búng là ngoài sáu mươi cây số”.
Tuổi 47, tóc đã điểm bạc song vóc dáng vẫn rất thư sinh, thầy Thành tâm sự: “Gia đình tôi có bảy anh chị em, năm người theo nghề giáo. Trước khi đi học sư phạm tôi đã có bốn năm rèn luyện trong quân ngũ. Thú thực là tôi luôn muốn quăng mình vào khó khăn, thử thách. Bà xã tôi cũng là cô giáo vùng cao nên có nhiều đồng cảm, chia sẻ cùng chồng. Ngày 1-8-2014, tôi nhận quyết định của UBND huyện Văn Chấn chuyển công tác lên đây”.
Nằm dưới chân một trong “tứ đại đỉnh đèo” hiểm trở của miền núi phía bắc - đèo Khau Phạ, Nậm Búng rộng, nhiều núi đồi, địa hình lại bị chia cắt nhiều nên việc đến trường của học sinh gặp không ít khó khăn, nhất là mùa mưa lũ. Hai bản Sài Lương và Nậm Chậu có 100 % là đồng bào Dao, cách xa trường 14-15 cây số. Sau ngày nhận công tác ở Nậm Búng, việc đầu tiên thầy Thành thực hiện là: Làm công tác dân vận. Thầy tổ chức họp chi bộ, hội đồng sư phạm để tìm ra những khó khăn, vướng mắc và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của giáo viên. Xong việc ở trường, thầy sang nhờ xã tổ chức họp toàn dân để nắm được nguyên nhân và tuyên truyền về cái hay, cái đẹp, cái lợi của việc cho con em đến trường.
Thầy còn tham mưu với Đảng ủy, chính quyền thường xuyên lên thôn, bản thông báo với bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng bản và trực tiếp vận động các gia đình có học sinh bỏ học. Ngay trong năm học 2014-2015 đó, thầy Thành cùng cán bộ xã, thôn bản đã vận động được bốn trong số 30 học sinh bỏ học trở lại lớp.
Nuôi học trò vất vả hơn nuôi con
Nhớ lại những ngày “làm công tác dân vận”, thầy Thành cười: “Khó khăn trăm bề nhà báo ạ!”. Ban ngày bà con đi làm nên tối mịt mờ thầy mới đeo đèn, men theo mười mấy cây số đường núi lên bản, “có nhiều gia đình tôi đến lần một, lần hai họ còn tiếp, đến lần thứ ba thì họ coi như không thấy mặt tôi. Khổ nhất là các em học sinh, cứ lên đến lớp 6-7 là gia đình không cho đến trường. Họ giữ con ở nhà làm lao động chính”, thầy kể. Năm ngoái Nậm Búng sáp nhập một trường tiểu học và hai điểm trường vào trường TH&THCS để học sinh được hưởng những thuận lợi về cơ sở vật chất. Nhưng cũng vì thế mà nhiều học sinh lấy lý do nhà quá xa trường để bỏ học. Sáng nào thấy thiếu học sinh là thầy Thành và giáo viên trong trường phải chạy xe lên tận bản chở các em xuống lớp. Chưa kể bà con Sài Lương và Nậm Chậu có rất nhiều ngày kiêng kỵ trong năm: Nào là ngày con hổ không được ra đường - học sinh nghỉ, ngày Kim không được đụng đến đồ kim loại - học sinh nghỉ vì nếu đi học thì phải cầm bút có ngòi bằng sắt…
Khi thực hiện mô hình trường bán trú, các thầy, cô giáo trong trường còn kiêm thêm nhiệm vụ của bố mẹ các em. Ngoài việc giảng dạy kiến thức, các thầy, cô giáo còn dạy bọn trẻ rửa mặt, đánh răng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ… Tối đến lại thay nhau “canh gác” để bảo đảm đám trẻ không yêu đương quá sớm. Giọng ồi ồi, Triệu A Pù - phụ huynh cháu Triệu Trung Tiến bảo: “Thầy hiệu trưởng có phòng trên gác sạch sẽ lắm, mà thầy cứ ngủ dưới gầm cầu thang. Chúng tao đến thăm con hỏi “thằng thầy Thành, sao mày lại ngủ ở đây?”, thầy Thành nói: “Tôi ngủ ở đây để trông con cho các bác đấy!”.
Thầy Thành tâm sự rất thật: “Nuôi học sinh còn khó và áp lực hơn nuôi con rất nhiều. Ở nhà muốn mắng con cái ra sao cũng được, nhưng ở trường hễ nặng lời là học sinh dỗi, ra đường lớn bắt xe ôm về bản ngay. Trò nam nữ nào biểu hiện có tình cảm với nhau là các thầy, cô giáo ngồi lại tìm phương án vừa cương, vừa nhu, vừa răn đe vừa thủ thỉ tâm sự; chứ cấm cản gay gắt là chúng sẵn sàng ăn lá ngón”. Năm trước thằng Triệu A Vang con nhà Triệu Trung An đang học lớp 6 thì bỏ nhà đi, thầy Thành tá hỏa đi tìm. Thầy khoanh những vùng cửa khẩu thường thuê đội quân lao động nhí rồi đưa bố mẹ của A Vang và cán bộ xã đi tìm. Ra Quảng Ninh, lên Lạng Sơn nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ, các địa phương rà danh sách tạm trú nhưng không thấy cái tên Triệu A Vang. Thầy lại cùng mọi người sang Lào Cai nhờ các đồng chí công an giúp, cuối cùng bố con Triệu Trung An ôm nhau khóc trên địa bàn huyện Bát Xát.
Lợi cả đôi đường
Trường TH&THCS bán trú Nậm Búng bây giờ có sân bóng đá mượt cỏ xanh, đủ tiêu chuẩn để đăng cai các giải cấp huyện. Sau dãy nhà văn phòng là nhà đa năng với sân bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông. Ở đó thầy Thành còn cho dựng sân khấu rất chắc chắn để học sinh biểu diễn văn nghệ. Thầy Thành láu lỉnh: “Chính sách của nhà nước hiện nay đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho các em đến trường. Với giáo viên chúng tôi, chỉ nâng cao chất lượng dạy thì không đủ sức lôi kéo học trò. Bọn trẻ đứa nào cũng thích chơi hơn học, nên chúng thích chơi môn thể thao nào là tôi đáp ứng. Thỉnh thoảng có trò nhễ nhại mồ hôi chạy vào phòng tôi chìa quả bóng: “Thầy ơi bóng thủng rồi”. Tôi viết vào mảnh giấy “chị để cho em quả bóng”, ký tên bên dưới và bảo “con chạy ra quán đưa cho cô chủ rồi mang bóng về cho các bạn chơi”.
Những điều tưởng như nhỏ nhặt đó lại vô cùng hữu ích trong việc “lấy lòng” đám trẻ. Kết quả là từ ngày thầy Thành về Nậm Búng đến nay, nhà trường chưa phải “ghi nhận” trường hợp nào bỏ học. Cũng đã sang năm thứ tư, chính quyền xã không phải đau đầu đi giải quyết các vụ tảo hôn. “Nuôi trò bán trú vất vả gấp 5-7 lần, nhưng cái được lại là tương lai của bọn trẻ. Thành quả của việc uốn nắn, dạy dỗ sát sao từ tấm bé không chỉ cho chúng tôi, mà còn cho gia đình các em, và xa hơn là cho toàn xã hội”, thầy Thành nói.
Sau khi đưa Trường TH&THCS bán trú Nậm Búng từ “điểm nóng” trở thành một trong những đơn vị có chất lượng giáo dục tốt nhất huyện, thầy Thành có ý định chuyển công tác. Đám học trò không rõ nghe được thông tin đó từ đâu, chúng kéo đến nhao nhao: “Thầy mà đi là chúng con nghỉ học”. Phụ huynh cũng vào tận trường: “Thằng thầy Thành, mày đi thì tao không cho con đến trường nữa”.
Tôi hỏi sao thầy muốn chuyển? Câu trả lời của thầy khiến tôi sững lại: “Tôi muốn chuyển đến nơi nào khó khăn hơn!”. Thầy Thành tiễn tôi ra cổng, bà Triệu Thị Láy ở bản Nậm Chậu chạy xuống chặn đường: “Thầy giáo cho tao xin số điện thoại”. Thầy Thành hỏi: “Bác xin số của tôi làm gì?”. Bà Láy nói: “Nhờ các thầy mà bản tao hết người mù chữ rồi. Tao xin số điện thoại để nhắn tin… “chém gió” với thầy”.
Sau giờ làm việc, Chủ tịch UBND xã Nậm Búng - ông Phạm Bá Dư xách vợt sang trường. Ông không ngớt lời cảm phục: “Các công trình thể thao không chỉ phục vụ học sinh mà còn đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong xã. Ngoài giờ học của các cháu, bà con có thể đến chơi bất cứ lúc nào. Vào ngày nghỉ, nhà đa năng và sân khấu của trường còn được bà con nhờ làm nơi tổ chức đám cưới. Thầy Thành biết “lấy dân làm gốc” nên bà con Nậm Búng coi thầy như con em trong bản. Thầy còn vận động và kêu gọi được nhiều nguồn kinh phí, hỗ trợ; bà con hiến 5.000 m² đất để làm sân vận động, 3.000 m² đất để làm nhà công vụ và nhà ở bán trú cho học sinh… Tổng kinh phí cho việc mở rộng quỹ đất và xây dựng cơ sở vật chất cho trường TH&THCS bán trú Nậm Búng lên đến cả tỷ đồng”.