Mập mờ nguồn than tuyển
Phấn Mễ là mỏ than lớn, nằm trên địa bàn xã Phục Linh, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) thuộc quyền quản lý, khai thác của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Đây là mỏ than mỡ, khai thác lộ thiên dưới độ sâu hàng trăm mét, Tisco giao cho đơn vị chuyên trách mang tên Mỏ than Phấn Mễ quản lý, khai thác mỏ than lớn này nhằm cung cấp nguyên liệu luyện cốc phục vụ sản xuất thép.
Tuy nhiên, hàng chục năm qua, nhiều doanh nghiệp (DN) tư nhân chuyên tuyển than “vây quanh” mỏ Phấn Mễ như Công ty Công Hoàng Sơn, Công ty TNHH Đại Khánh Minh, Công ty TNHH Hải Bình... Mỗi DN một xưởng tuyển than có quy mô khá lớn. Còn theo Chủ tịch UBND xã Phục Linh Nguyễn Đình Khương, những năm gần đây trên địa bàn xã không có tình trạng khai thác than trái phép, các DN chế biến than tư nhân lấy than ở đâu để chế biến thì xã không biết.
Đến các bãi than tư nhân chung quanh hoặc gần mỏ Phấn Mễ, chúng tôi thấy lượng than lớn, có cả than nguyên khai, xít than đã qua tuyển, chế biến hoặc chưa chế biến. Công ty TNHH Hải Bình có xưởng tuyển than ngay cạnh đầu cầu Đát Ma, tại đây có cả dây chuyền tuyển than nguyên khai, chế biến “sái” là than nguyên khai đã qua chế biến còn lẫn bùn đất. Để có bãi chứa, công ty này thuê cả nghìn m2 đất của gia đình ông Đinh Văn Minh ở đầu cầu Đát Ma. Công ty Công Hoàng Sơn có cơ sở tuyển than ngay phía trên cầu tràn qua sông Chu. Vào kho than ở phía sau xưởng tuyển, chúng tôi thấy khối lượng than nguyên khai khá lớn. Còn Công ty TNHH Đại Khánh Minh có xưởng tuyển than nằm ngay cạnh đường dân sinh với kho than lớn. Khi chúng tôi liên hệ tìm hiểu nguồn gốc than để tuyển, lãnh đạo công ty này tỏ ra khó chịu và không hợp tác.
Qua tìm hiểu, một số chủ DN tư nhân tuyển than ở quanh khu vực mỏ Phấn Mễ cho biết, nguồn than chế biến là “sái” than của mỏ Phấn Mễ, thu mua trong khu vực, thậm chí mua từ... cảng Đa Phúc cách đó 60 - 70 km về chế biến.
Nhưng trên thực tế, từ năm 2019 đến nay, mỏ than Phấn Mễ chưa được phép bán “sái” than ra bên ngoài. Trên địa bàn không còn tình trạng khai thác than thổ phỉ. Còn việc vận chuyển than từ cảng Đa Phúc cách xa như thế về để tuyển là không thể. Tại khu vực mỏ Phấn Mễ, xe tải lên xuống moong và ra vào khu vực mỏ vận chuyển than, đất đá thải nhộn nhịp nên khó xác định xe nào của tư nhân, xe nào của mỏ. Nhiều người dân địa phương biết rõ các xưởng tư nhân lấy than ở đâu để tuyển, nhưng không dám nói ra…
Một câu hỏi dấy lên trong quá trình chúng tôi thực tế tại đây. Có trang thiết bị và lực lượng hùng hậu, nhiều kinh nghiệm, nhưng không hiểu sao lãnh đạo Mỏ than Phấn Mễ vẫn thuê DN tư nhân tuyển than? Điển hình là Công ty CP Xây dựng và Thương mại Đại Long Giang được thuê tuyển than ngay bên cạnh kho than và xưởng tuyển than của Mỏ than Phấn Mễ mà gần như không hề có sự phân định nào.
“Tận thu” đá thải
Ngoài các xưởng tuyển than tư nhân, còn có thể phát hiện các cơ sở chế biến đá xây dựng với quy mô lớn như công trường - cũng của tư nhân - mà nguồn gốc đá được xác nhận là lấy từ mỏ than Phấn Mễ!
Theo quy định, đá thải trong quá trình khai thác than phải được Mỏ than Phấn Mễ vận chuyển lên đổ tại bãi thải. Phó Giám đốc mỏ Nguyễn Duy Khải nhiều lần khẳng định: “Chúng tôi không bán đá ra bên ngoài, toàn bộ đá trong quá trình bóc dỡ được vận chuyển đến bãi thải theo quy định”. Tuy nhiên, thực tế từ nhiều năm qua, lượng đá rất lớn đã được vận chuyển đến nhiều cơ sở chế biến đá. DN tư nhân Toàn Diện có xưởng chế biến đá và kho đá nguyên liệu rộng lớn nằm ngay bên cạnh mỏ than Phấn Mễ, ba bề tiếp giáp trực tiếp sông Chu trên địa bàn xã Phục Linh. Tại đây, các dây chuyền nghiền, phân loại đá được đầu tư đồng bộ, trị giá hàng chục tỷ đồng. Lãnh đạo DN này thừa nhận: “Nguồn đá nguyên liệu được lấy từ mỏ than Phấn Mễ”.
Tương tự, gần mỏ than Phấn Mễ có Công ty TNHH Bảo Sơn, sau đó đổi tên thành Công ty TNHH Khai khoáng Tiến Anh. DN chuyên sản xuất đá xây dựng, đá nguyên liệu phục vụ sản xuất gạch không nung với công trường chế biến đá lớn, gồm các dây chuyền nghiền, tuyển đá các loại. Kho đá nguyên liệu của công ty Tiến Anh chất cao như núi, lượng đá đã chế biến rất lớn mà nguồn đá nguyên liệu được lấy từ mỏ than Phấn Mễ.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, được cấp một mỏ đá để có nguồn nguyên liệu chế biến đá xây dựng, phải căn cứ vào quy hoạch, DN phải qua một quy trình mất rất nhiều thời gian, có khi đến gần hai năm để làm các thủ tục thăm dò đánh giá trữ lượng, đánh giá tác động môi trường, thiết kế khai thác, thuê đất... Và phải được các cơ quan quản lý thẩm tra, phê duyệt. Sau đó là thực hiện các nghĩa vụ tài chính, gồm các loại thuế, phí, ký quỹ với số tiền rất lớn thì mới được khai thác. Còn các cơ sở chế biến đá tư nhân mà nguồn đá nguyên liệu được mỏ than Phấn Mễ tuồn cho trong nhiều năm qua, quy mô chế biến đá không thua kém các DN được cấp phép mỏ đá thì lợi ích mang lại cho các cá nhân là không nhỏ.
Ô nhiễm trầm trọng
Với phương thức sản xuất, kinh doanh không giống ai, hầu hết các cơ sở tuyển than, chế biến đá chung quanh hoặc gần mỏ than Phấn Mễ đều gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Chủ tịch UBND xã Phục Linh Nguyễn Đình Khương chia sẻ: “Trên địa bàn xã Phục Linh có ba DN tư nhân chuyên tuyển than và một số DN tư nhân khác đang chế biến đá xây dựng. Thời gian qua, nhiều cơ sở gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn, than theo nước mưa chảy thẳng xuống sông, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân”. Theo đó, điển hình là Công ty TNHH Hải Bình, than chưa tuyển và đã qua tuyển đổ ngay cạnh đường dân sinh, không có mái che, mỗi khi trời mưa là nước than đen ngòm từ bãi than chảy ra ngoài, trôi xuống sông Chu. Ngay bên trên cầu tràn qua sông Chu khu vực mỏ than Phấn Mễ, xưởng tuyển than của Công ty Công Hoàng Sơn gần như không có các công trình bảo vệ môi trường, quá trình sàng tuyển gây ra bụi than, ngày mưa nước than đen đặc chảy xuống sông. Tại xóm Cẩm 2, xã Phục Linh có ba cơ sở chuyên chế biến than đều đang có vấn đề nghiêm trọng về môi trường.
Ngoài ra, DN tư nhân Toàn Diện có cơ sở chế biến đá xây dựng với quy mô lớn, ba bề đều sát mép sông Chu, trong quá trình chế biến làm đá tràn xuống sông. Đặc biệt, nhiều dây chuyền nghiền và chế biến thường xuyên gây ra ồn, không có hệ thống phun sương dập bụi nên khi hoạt động là bụi bay mù mịt. Lãnh đạo xã Phục Linh cho biết: “Các DN tư nhân tuyển than, chế biến đá trên địa bàn hầu như không có đóng góp gì cho phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Ngược lại, năm nào nhân dân địa phương cũng phản ánh, kiến nghị về tình trạng tuyển than, chế biến đá xây dựng gây ô nhiễm môi trường, nhưng thẩm quyền kiểm tra, xử lý của xã có hạn nên không có tính răn đe, khó ngăn chặn”.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường do các xưởng tuyển than, chế biến đá quanh khu vực mỏ than Phấn Mễ gây ra, UBND huyện Đại Từ có thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với bốn DN, xử phạt từ 15 - 70 triệu đồng mỗi DN. Đồng thời, để chấn chỉnh việc quản lý than, đá tại mỏ Phấn Mễ, gần đây Ban lãnh đạo Tisco đã thay Giám đốc Mỏ than Phấn Mễ, nhiều lãnh đạo cấp phòng, đội ngũ bảo vệ tại mỏ than này và chỉ đạo nhiều nội dung về quản trị ở đây. Từ thực tế đã diễn ra, đề nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp quản lý chặt chẽ, bảo vệ môi trường khu vực mỏ than Phấn Mễ góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước cũng như bảo đảm môi trường sống cho người dân địa phương.