Người dân ngóng điện về vùng cao

|

Là địa bàn đặc biệt khó khăn lại nằm biệt lập trong khu vực địa hình độ dốc lớn, điều kiện giao thông cách trở nên nhiều năm qua điện lưới quốc gia vẫn chưa thể kéo về đến thôn O2 (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định). Thiếu điện, đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây càng thêm khốn khó.

Chật vật chờ điện về

Thôn O2 có 54 hộ dân, với hơn 200 nhân khẩu đa phần là đồng bào dân tộc Ba Na, thu nhập chủ yếu dựa vào trồng lúa, ngô, sắn và chăn nuôi gia súc nên đời sống còn nhiều thiếu thốn. Nhiều năm qua, cuộc sống của người dân càng thêm khó khăn khi giao thông chia cắt, lại chưa có điện lưới quốc gia.

Cả thôn hiện có một máy phát điện công suất 30 kVA và hai máy phát điện công suất 5 kVA nhưng đều đã hư hỏng, không sửa chữa được. Thiếu điện khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều bất tiện. Anh Đinh Khi, người dân thôn O2 chia sẻ: Phần lớn các hộ phải sử dụng đèn dầu, pin từ năng lượng mặt trời để thắp sáng, sử dụng bếp củi để nấu ăn… Gặp hôm mưa gió, cả nhà chật vật đợi cơm chín. Trời tối, trẻ nhỏ không có ánh sáng để học bài. Bao đời nay, bà con đều mong ngóng điện về…

Không chỉ ảnh hưởng đời sống, điện cũng rất cần cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi ở thôn O2. Công việc bảo quản thực phẩm sau thu hoạch gặp nhiều khó khăn do không có điện khiến giá trị sản phẩm và thu nhập của không ít gia đình bị ảnh hưởng.

Năm 2023, Sở Công thương Bình Định đã phối hợp với Công ty Điện lực Bình Định và UBND huyện Vĩnh Thạnh khảo sát, kiểm tra thực tế để đề xuất phương án cấp điện cho thôn O2. Với địa hình dốc đứng, rừng tự nhiên và vực sâu, việc vận chuyển vật tư thiết bị điện đến thôn sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Kinh phí đầu tư lớn, thi công không khả thi khiến phương án kéo điện lưới quốc gia về thôn O2 phải dừng nhiều năm nay.

Sử dụng nguồn điện tại chỗ

Dù gặp nhiều khó khăn, đồng bào nơi đây vẫn tìm cách thích nghi và cải thiện cuộc sống. Anh Xuân, người dân thôn O2 bày tỏ, chúng tôi đang nỗ lực tận dụng năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng thay thế khi có thể. Chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội cũng đang hỗ trợ đưa điện về thôn. Hy vọng trong tương lai gần, cuộc sống của bà con sẽ tốt hơn.

Mới đây, Sở Công thương Bình Định, UBND huyện Vĩnh Thạnh và Công ty Điện lực Bình Định đã thống nhất đề xuất UBND tỉnh phương án tiếp tục sử dụng nguồn điện tại chỗ cấp cho thôn O2. Ông Nguyễn Đình Ngân, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng UBND huyện Vĩnh Thạnh thông tin, thôn O2 thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn lại nằm biệt lập trong khu vực địa hình độ dốc lớn,điều kiện giao thông cách trở. Vì vậy, việc sử dụng nguồn điện tại chỗ bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời có bộ lưu trữ điện và kết hợp máy phát điện diesel là khả thi nhất hiện nay. Hiện nhà thầu đang huy động lực lượng đưa thiết bị lên làng O2 lắp ráp, cấp điện cho người dân. Đây sẽ là bước đầu để cải thiện đời sống của người dân nơi đây.

Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Định cho biết, dự kiến, đến cuối tháng 12 sẽ hoàn thiện hệ thống điện năng lượng mặt trời kèm theo bộ lưu trữ điện và máy phát diesel loại 3 pha công suất 30 kVA để cung cấp cho thôn O2. “Chúng tôi sẽ cố gắng đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, bà con sẽ có điện sử dụng. Việc cấp điện cho thôn O2 không chỉ cải thiện đời sống vật chất mà còn nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Nguồn điện ổn định sẽ giúp cải thiện điều kiện sinh hoạt, học tập và sản xuất của bà con, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thôn O2 và vùng lân cận”, ông Tổng nhấn mạnh.

UBND huyện Vĩnh Thạnh được giao làm chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án hệ thống điện này và có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng hằng năm cho đến khi có lưới điện quốc gia cung cấp cho thôn O2. Nguồn kinh phí đầu tư và cân đối kinh phí duy tu, bảo dưỡng hằng năm sẽ được UBND tỉnh bố trí cho ngân sách huyện Vĩnh Thạnh để bảo đảm việc cấp điện cho thôn O2, xã Vĩnh Kim. Tổng kinh phí đầu tư để cấp điện cho thôn O2 ước tính khoảng 2.096.556.000 đồng, bao gồm cả chi phí dự trù.