Phóng viên (PV): Bà đánh giá thế nào về diễn biến và điều trị HIV/AIDS ở Việt Nam hiện nay?
Bà Marie-Odile Emond: Hiện có khoảng 240.000 người nhiễm HIV còn sống ở Việt Nam, trong đó số người nhiễm HIV là phụ nữ ngày càng tăng. Hình thái lây truyền HIV đã có những diễn biến mới và phức tạp, đòi hỏi phải có những cách tiếp cận mới trong can thiệp.
Dịch HIV trong những người nam quan hệ tình dục đồng giới sống tại khu vực đô thị đang tăng mạnh. Số nhiễm HIV mới đang tăng cao trong những phụ nữ là vợ và bạn tình của nam giới nhiễm HIV và nam giới có hành vi nguy cơ cao. Trong khi đó, tiêm chích ma túy vẫn là đường lây truyền chính của HIV. Kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV, dù nhìn chung đã được cải thiện, vẫn tiếp tục là rào cản lớn ngăn việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, cũng như việc kết nối đến điều trị. Tuy nhiên, Việt Nam có tiềm năng và cơ hội rất lớn để đẩy nhanh tiến độ phòng, chống AIDS và khống chế được dịch HIV trong vòng 5 năm tới.
Việt Nam đã có những bước tiến trong việc mở rộng cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV. Đến cuối năm 2016 một nửa tổng số người nhiễm HIV ở Việt Nam đã được điều trị kháng HIV và ước tính số người tử vong do AIDS đã ở mức thấp nhất kể từ năm 2014. Số nhiễm HIV mới cũng giảm dần trong những năm gần đây.
Khám cho bệnh nhân có HIV tại Hải Dương.
PV: Để đạt được mục tiêu 90-90-90, Việt Nam cần làm gì?
Bà Marie-Odile Emond: Báo cáo mới của UNAIDS cho thấy trên toàn thế giới, số nhiễm HIV mới đang giảm dần. Nhưng nếu với tốc độ này thì không đủ để đạt được mục tiêu toàn cầu đến năm 2020 về giảm số nhiễm mới. Việt Nam cũng đang ở trong tình thế tương tự. Số ca nhiễm HIV mới ở Việt Nam đã giảm từ 28.000 ca mỗi năm vào đầu thập niên 2000 xuống còn khoảng 11.000 ca vào năm 2016. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cần mở rộng nhanh chóng hơn nữa các can thiệp dự phòng, cũng như tăng thêm đầu tư trong nước cho công tác dự phòng.
Bên cạnh đó, cần áp dụng đồng thời nhiều cách tiếp cận để giảm tác động của HIV lên các nhóm có nguy cơ cao. Cần thúc đẩy hơn nữa việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV tại cộng đồng và lồng ghép vào hệ thống y tế chung, cũng như mở rộng các cách tiếp cận thân thiện với người sử dụng dịch vụ và các sáng kiến đổi mới đã thí điểm thành công, nhằm khuyến khích nhiều người trong nhóm có nguy cơ cao tiếp cận và sử dụng dịch vụ.
Cần đầu tư đủ và thông minh cho phòng, chống AIDS, ngay từ bây giờ, và tối ưu hóa tất cả các nguồn lực về tài chính và con người, ở tất cả các cấp. Điều này sẽ giúp Việt Nam tránh không để dịch HIV tiến triển phức tạp hơn nữa, và có thể kết thúc được dịch AIDS vào năm 2030.
PV: Xin bà cho biết những ưu tiên chiến lược của UNAIDS trong hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam thời gian tới?
Bà Marie-Odile Emond: Việt Nam và toàn thế giới đã cam kết và đang phấn đấu để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 và qua đó không để người dân nào bị bỏ lại phía sau. Tuyên bố Chính trị của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2016 về Kết thúc dịch AIDS đã tái khẳng định mục tiêu về kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, cũng như mối liên hệ giữa phòng, chống AIDS và các nỗ lực phát triển khác; đồng thời giao nhiệm vụ thông qua các mục tiêu cụ thể và hướng dẫn các quốc gia thành viên Liên hợp quốc dồn tổng lực nhằm kết thúc dịch AIDS; cũng như giao cho UNAIDS nhiệm vụ hỗ trợ các quốc gia trong nỗ lực to lớn này.
Việt Nam, với gánh nặng về dịch còn lớn nhưng có tiềm lực và cơ hội tốt để đẩy nhanh tiến độ phòng, chống AIDS, đã được chọn là một trong các quốc gia ưu tiên để UNAIDS hỗ trợ. Việt Nam cũng đã cập nhật một số mục tiêu quốc gia về phòng, chống AIDS theo khuyến cáo toàn cầu, bao gồm các mục tiêu 90-90-90 về xét nghiệm và điều trị HIV. UNAIDS sẽ tiếp tục các hỗ trợ về chính sách và kỹ thuật cho Việt Nam trong khuôn khổ phối hợp thực hiện chương trình nghị sự về sự phát triển bền vững.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!