Miền biên viễn & nỗi buồn tháp cổ

|

Vượt dốc Phà Bún trở ra, nước lũ đỏ ngầu như máu vẫn đang ồng ộc đổ về dâng xiết từ thượng nguồn Nậm Nơn. Tôi mang theo lời tâm sự không vui của ông Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý chợt nhớ về đoạn ca từ trong nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “... Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ...”. Lòng nặng trĩu!

Trở lại miền biên viễn

Hơn hai mươi năm trước, lên Kỳ Sơn, huyện chót vót miền tây xứ Nghệ, đến cổng trụ sở UBND thị trấn Mường Xén đã “ngửi thấy mùi thơm khói thuốc phiện”, nơi được mệnh danh “Cành Tạ Cạ mi bỏ gia giang” (mỏ thuốc phiện). Lên đây còn cái thời đường ngược Huồi Tụ, Mường Lống... tìm chỗ đặt chân bước đi đã khó. Vẫn chưa quên ngày đầu gặp ông Cao Tiến Tấn, quê huyện Đô Lương, độc thân giữa vùng cao heo hút giữ chức Bí thư huyện ủy chỉ có ba điều ước cho huyện này: “Giao thông, giao thông và giao thông”.

Sinh thời thủ chỉ người Mông Vừ Chông Pao, hồi đó giữ chức chủ tịch UBND huyện đã thực hiện mục tiêu cắt đá, xẻ núi mở đường cho thông xe ô-tô vượt “cổng trời” tới “mường quên lạc” (Mường Lống). Chín bản mười mường hợp lực, nhiều năm sau, những con đường “ngang trời” được mở thông xe đến các trung tâm các xã heo hút, Mường Lống, Na Ngoi, Bắc Lý, Mỹ Lý, Keng Đu, Bảo Nam, Bảo Thắng... Đến bây giờ đã tạm gọi là “đường đã ra đường” phần nào thực hiện được điều ước của Bí thư huyện ủy Cao Tiến Tấn những thập niên 80.

Cũng ngày đó lên Kỳ Sơn, nhiều người hỏi “đã đi Mỹ chưa?”. Thấy tôi ngơ ngác thì được mọi người giải thích “đi Mỹ” nghĩa là vào xã Mỹ Lý. Nếu lên đây chưa vào được Mỹ Lý nghĩa là chưa lên Kỳ Sơn. Vào xã Mỹ Lý hồi đó bằng hai cách, chống thuyền hoặc đi bộ ngược sông Nậm Nơn từ Cửa Rào, huyện Tương Dương lên mất bốn ngày; đi bộ từ trung tâm huyện vào leo dốc Phà Bún vào xã Bắc Lý rồi tụt xuống Mỹ Lý khoảng hơn 50 km nhưng phải mất khoảng ba ngày. Còn có con đường khác là lên Mường Lống rồi chuội xuống cũng mất mấy ngày đường lội bộ. Xã Mỹ Lý nằm ở thượng nguồn sông Nậm Nơn. Cha Nga là bản chót cùng dọc con sông của Mỹ Lý giáp nước bạn Lào.

Ngày người ta chưa ngăn sông Nậm Nơn làm thủy điện và cho đến bây giờ đã trở thành lòng hồ, bây giờ có con đường vành đai biên giới vừa mới mở thông sang tận huyện Quế Phong thì nhiều người dân Mỹ Lý vẫn dùng thuyền làm phương tiện để đi lại vận chuyển, trao đổi hàng hóa. Người Mỹ Lý và những bản làng người Thái ven sông Nậm Nơn rất giỏi lái thuyền vượt thác dữ và con trai người Thái dọc Nậm Nơn rất giỏi chài lưới... Nhờ con đường vành đai biên giới được mở, rút ngắn khoảng cách cho khách xa muốn về Mỹ Lý và các thầy cô mang con chữ về thuận lợi hơn. Hơn hai mươi năm trở lại, đúng vào mùa mưa bão, con đường vào Mỹ Lý lại gần như trắc trở và nguy hiểm vì nhiều đoạn bị sạt lở. Tụt dốc Phà Bún xuống thấy bản Xiềng Tắm, có nhiều nhà đã khang trang, hằng ngày có hai chuyến xe chở khách vào và ra trung tâm huyện chỉ mất khoảng hơn một tiếng. Nhờ “đường đã ra đường”, bộ mặt những bản làng gần trung tâm xã Mỹ Lý đang thay da đổi thịt. Hiện nay, các mặt hàng nông sản do bà con sản xuất, được các tiểu thương vào tận nơi thu mua. Đây là cơ hội cho Mỹ Lý phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng các loại cây nông sản có giá trị kinh tế cao để cung cấp cho các thị trường. Mỹ Lý vốn được thiên nhiên ưu đãi, có tiềm năng về cá sông, đặc biệt là loại cá đặc sản da trơn như Lệch, cá Lăng, Ghé...

Vài năm trở lại đây, nước lòng hồ thủy điện Bản Vẽ dâng lên, nguồn thủy sản trên sông Nậm Nơn lại dồi dào hơn. Nhưng bản trung tâm xã này hình như hẹp lại vì nước sông dâng cao, nước đã ăn vào sập một góc nhà làm việc của UBND xã. Phía dưới cách đó khoảng hơn 1 km, nước dâng làm sạt lở từ mép sông vào hơn 15 mét khiến hàng chục hộ bản Xốp Tụ chực đổ xuống sông. Cùng với đó hàng chục nhà khác dọc Nậm Nơn phải di dời khẩn cấp, nhiều bản làng bị chia cắt vào mùa lũ.

Vào đây vẫn gặp người quen cảnh cũ mừng nhưng không vui được, xã biên giới Mỹ Lý là địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, trong đó có một số bản làng cách xa trung tâm xã, giao thông hiểm trở. Đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, tự cung tự cấp, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao... Chính vì thế, Mỹ Lý đang gặp rất nhiều trở ngại trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân. Với vị trí giao thương thuận lợi, Mỹ Lý đang chịu không ít sự tác động tiêu cực của cơ chế thị trường. Thanh niên Mỹ Lý phần đông không có việc làm tại địa phương đành phải đi làm ăn xa.

“Mưa bay tháp cổ”

Trở lại Mỹ Lý lần này, Chủ tịch UBND xã Lô Văn Liệu không quên nhắc chuyện buồn trong việc bảo tồn tháp cổ.

Tại bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý có một ngôi tháp, người Thái nơi đây gọi là “tồn thạt”. Tháp tọa lạc trên một vùng đất khá rộng rãi và bằng phẳng, cao chừng 25-30 m, được xây bằng gạch nung. Thân tháp vẫn còn lưu giữ dấu tích của những bức phù điêu và những nét hoa văn, họa tiết hết sức tinh xảo. Chân tháp lớn và nhỏ dần lên theo từng tầng, phía trên cùng nhọn hoắt. Trên mỗi tầng tháp đều có những hoa văn lạ, có hình Phật chắp tay. Những bức phù điêu và những đường nét hoa văn, họa tiết ấy đã bị bong gãy và đứt đoạn. Chân tháp xuất hiện nhiều lỗ thủng lớn, một góc đã sập; tháp đã có dấu hiệu bị nghiêng và những vết rạn nứt. Cạnh tháp có cây bồ đề, dưới gốc, người ta xây một bàn thờ nhỏ có tượng Phật và một bát hương để thờ tự. Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý Lô Văn Liệu, trước đây có đến ba tháp cổ ở các bản Xiềng Tắm, Tả Lày và Xiềng Nứa. Nhưng ba ngôi tháp cổ đó đã sụp đổ do không được quan tâm giữ gìn…

Theo lời kể của một số già bản, ngày xưa, chung quanh chân tháp là cả một quần thể các bức tượng Phật và tượng La Hán được làm từ chất liệu bằng đồng và bạc với nhiều kích cỡ và tư thế khác nhau. Khuôn viên của ngôi tháp được phủ đầy tán của những cây bồ đề cổ thụ. Phía sau có một ngôi miếu thờ. Trên đỉnh tháp có một viên ngọc phát sáng vào ban đêm, làm cho ngọn tháp trở nên huyền ảo vô cùng... Ngôi tháp này được một vị sư tăng người Lào trông nom, chăm sóc và hương khói quanh năm. Vào ngày rằm và mồng một hằng tháng, người dân Yên Hòa và các bản khác trong vùng thường đem lễ vật, hương nhang, đèn nến đến cầu cúng, xin sự bình an, phúc lộc “Vì sự linh ứng lạ lùng khi già làng, trưởng bản thờ khấn, nên tháp trở thành vị thần bảo hộ của những người dân Thái ở đây”.

Thế rồi, vào những năm 1970 của thế kỷ trước, một số kẻ xấu đến đánh cắp những bức tượng, đe dọa đến sự bình yên nơi cửa Phật. Vì sợ tượng Phật bị mất, chính quyền xã Mỹ Lý đã cho đem ba pho tượng Phật cổ cất vào một nơi bí mật và cử người trông coi cẩn thận… Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý Lô Văn Liệu nói: “Trăn trở với bảo tháp cổ này, tôi đã bỏ công đi tìm nguồn gốc và được một số thông tin cho biết, tháp xây từ những năm 1008”. Ông Liệu lo lắng: “Tháp cổ bây giờ đã xuống cấp nghiêm trọng lắm rồi, bọn trộm đục khoét làm hỏng cả chân tháp, chỉ cần một trận lũ quét nhẹ hay một cơn mưa lớn thì tháp sẽ đổ sập. Cổ tháp nghìn năm tuổi chắc chắn sẽ bị xóa sổ khỏi đất Kỳ Sơn này. UBND xã đã làm đơn trình lên cấp trên và các cấp có thẩm quyền để khảo sát, xếp hạng di tích hoặc có kế hoạch trùng tu bảo tồn nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì. Hơn 90 hộ với 400 nhân khẩu bản Yên Hòa đang lo lắng, rồi số phận tháp cổ cuối cùng này liệu có sụp đổ giống ba ngôi tháp trước đây hay không?”. Tháp Phật cổ vẫn chứa đựng bí mật cả nghìn năm!

Đặc biệt, Mỹ Lý đang phải đối đầu với tệ nạn ma túy. Đây là một trong những địa phương có tỷ lệ người nghiện ma túy cao nhất của huyện biên giới Kỳ Sơn. Trong đó, tỷ lệ người nghiện đang có diễn biến trẻ hóa theo thời gian và đã xác nhận có ca nhiễm HIV trên địa bàn. Một điều đáng lo ngại nữa là nhiều nét bản sắc văn hóa truyền thống đang bị mai một. Nếu chỉ nhìn thoáng qua những bản làng ở trung tâm xã cho thấy Mỹ Lý đang có đổi thay. Thế nhưng, để công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc thì Mỹ Lý đang còn nhiều nỗi lo. Gặp lại người quen cảnh cũ mừng nhưng chưa vui được, ông Lô Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã giãi bày.