Kỳ 1: Bất cập hàng loạt dự án xử lý nước thải
70% làng nghề gây ô nhiễm nguồn nước
Kết quả phân loại 300 làng nghề do Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội thực hiện theo Thông tư 31/2016 đã chỉ ra tình trạng ô nhiễm đáng báo động về môi trường, đặc biệt là môi trường nước tại các làng nghề ở Thủ đô. Có đến 236/300 làng nghề, chiếm tỷ lệ hơn 70% các làng nghề bị ô nhiễm môi trường nước, trong đó có đến 126 làng nghề đã ô nhiễm ở mức độ nghiêm trọng. Ngoài ra, còn có 22 làng nghề ô nhiễm môi trường không khí, 12 làng nghề ô nhiễm môi trường đất.
Với đặc thù sản xuất trong làng, nhà xưởng nằm xen kẽ giữa khu dân cư, phần lớn nước thải của các làng nghề đều không được xử lý mà xả trực tiếp ra ao, hồ, kênh, mương. Tại làng Chi Lê, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, theo thống kê cứ trung bình bốn - năm hộ thì có một hộ nấu rượu, nuôi lợn tại nhà. Việc sản xuất, chăn nuôi khép kín mà không có hệ thống xử lý chất thải khiến hàng nghìn người dân trong làng luôn phải sống giữa môi trường ô nhiễm triền miên. Ông Nghiêm Xuân Vũ, Công chức Văn phòng - Thống kê xã Trung Hòa cho biết: Vào thời gian cao điểm chăn nuôi, làng nghề có mùi rất khó chịu do phân của lợn thải ra. Tại các kỳ họp hội đồng nhân dân, các đại biểu cũng đưa ra ý kiến xã cần có khu chăn nuôi tập trung. Tuy nhiên, khu này phải nằm xa khu dân cư, về kinh phí để xây dựng chuồng trại, giải phóng mặt bằng rất khó khăn mà kinh phí của xã thì không có.
Còn tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, nơi nổi tiếng với nghề sản xuất tinh bột sắn và làm miến dong thì tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước cũng hết sức nghiêm trọng. Chia sẻ nỗi khổ khi sống cạnh các hộ sản xuất, một người dân làng nghề Dương Liễu cho biết: Mỗi năm có đến năm tháng cao điểm sản xuất, từ tháng 9 cho đến tháng 2 âm lịch, máy móc chạy ầm ĩ suốt ngày đêm. Nước thải lênh láng khắp đường rồi đổ thẳng ra cống bốc mùi hôi thối. Chúng tôi khổ lắm mà chẳng biết kêu ai!
Vài năm gần đây, mặc dù nhiều hộ đã bỏ nghề nhưng toàn xã vẫn còn tới 50 hộ sản xuất quy mô lớn (trong đó vùng bãi có 35 hộ) với sản lượng bình quân 1.000 tấn nguyên liệu/ngày. Tất cả số hộ sản xuất tinh bột vùng bãi chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, toàn bộ nước và bã thải đều đang xả thẳng ra sông Đáy. Như vậy, nước thải từ làng nghề này đang gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cả một vùng chứ không riêng gì Dương Liễu.
Ngổn ngang các dự án xử lý nước thải
Để giải quyết những bất cập về môi trường làng nghề, Hà Nội đã kêu gọi đầu tư tám dự án xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn đầu tư dự kiến là 569 tỷ đồng nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục.
Trở lại với huyện Hoài Đức, nơi đã được thành phố chấp thuận đầu tư xây dựng ba nhà máy xử lý nước thải thì hiện mới chỉ có Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà (xã Dương Liễu) công suất 20 nghìn m³/ngày đi vào hoạt động. Tuy nhiên, nhà máy này mới xử lý được một phần nước thải cho các hộ sản xuất trong đê của ba xã Dương Liễu, Cát Quế và Minh Khai, còn nước thải khu vực ngoài đê sông Đáy (khoảng 3.000 hộ dân) chưa được xử lý nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra.
Trong khi đó, Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, công suất 8.000 m³/ngày đêm, tổng mức đầu tư 231 tỷ đồng dù đã được khởi công xây dựng từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động. Mới đây, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Ban quản lý cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trên xuất phát từ trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà thầu khi chưa quyết liệt trong triển khai, khâu thiết kế còn nhiều thiếu sót dẫn đến vừa làm vừa chỉnh sửa. Cụ thể, trong quá trình thi công xây lắp, nhiều hạng mục đã phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp hiện trạng, bổ sung thiết kế chi tiết, bảo đảm điều kiện thi công và bàn giao công trình như bổ sung hệ thống chống sét, đề án xả thải… Ngoài ra, dự án (DA) được phê duyệt năm 2013 trước khi Nghị định 40/NĐ-CP ngày 13-5-2019 của Chính phủ có hiệu lực, theo đó, để đủ điều kiện bàn giao công trình cần thiết, phải bổ sung hạng mục trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục vào DA...
Riêng về Nhà máy xử lý nước thải Vân Canh, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: “Do suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu nên hiện các nhà đầu tư không mấy mặn mà. Trước nhu cầu bức xúc về xử lý nước thải tại khu vực, chúng tôi cũng mong muốn phối hợp UBND huyện Hoài Đức rà soát, đánh giá lại toàn bộ DA, kiến nghị thành phố cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách”.
Và trong thời gian chờ đợi thì hàng nghìn m² đất sạch đợi nhà đầu tư đang bị biến thành nơi đổ rác thải của cư dân trong vùng và bị các công trường xây dựng lân cận chiếm dụng để tập kết vật liệu xây dựng.
Lãng phí đầu tư
Bên cạnh các DA chưa hoàn thiện, chưa tìm được nhà đầu tư thì vẫn còn tình trạng lãng phí ngân sách khi có DA đã hoàn thành mà chưa một lần được đưa vào sử dụng. Câu chuyện tưởng chừng khó tin đó lại tồn tại ở CCN làng nghề Tân Triều (huyện Thanh Trì) hơn 10 năm nay. Hoàn thành năm 2008, với tổng số vốn đầu tư hơn 2,4 tỷ đồng nhưng đến nay công trình đã xuống cấp, gỉ sét, cỏ hoang mọc um tùm... mà chưa một lần được sử dụng.
Được biết, sau khi hoàn thành công trình được bàn giao cho xã Tân Triều và sau đó xã bàn giao đơn vị quản lý trạm xử lý là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển xây dựng vận hành. Tại thời điểm bàn giao, các doanh nghiệp về cụm khu công nghiệp này rất ít, không đủ công suất để vận hành. Bỏ không nhiều năm nên trạm xử lý nước thải hoàn toàn không còn khả năng đáp ứng về công suất cũng như tính chất cung cấp nước thải của cụm sản xuất tập trung làng nghề. Ông Nguyễn Văn Cường, Phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Thanh Trì cho biết: Trạm xử lý nước thải sau đó đã được giao cho đơn vị khác là Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thuận khảo sát, tư vấn và có đề xuất xây dựng, cải tạo lại từ năm 2018. Cho đến nay, trạm được rất nhiều đoàn đến kiểm tra, có cả đoàn của HĐND thành phố nhưng đến thời điểm này vẫn bỏ không.
Nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, cần phải coi nước xả thải tại các làng nghề như nước thải công nghiệp và sử dụng công nghệ cao để xử lý theo tiêu chuẩn của nước thải công nghiệp. Tuy nhiên, bức tranh ngổn ngang của những DA xử lý nước thải đã phần nào lý giải tình trạng ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước tại các làng nghề hiện nay. Đáng lo ngại là nước thải ở các làng nghề nếu không được xử lý trước khi xả thải thì không chỉ gây ô nhiễm cho dân cư sống trong làng mà còn ảnh hưởng đến cả một vùng dân cư chung quanh.
(Còn nữa)
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức cho biết: Nghề sản xuất miến dong nổi tiếng ở các xã Dương Liễu, Cát Quế nhưng nước thải vẫn tràn lên kênh T2 và T26, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân các vùng chung quanh. Vào thời kỳ cao điểm sản xuất của làng nghề, cống chợ đầu kênh nổi nước váng, bốc mùi nồng nặc. Đặc biệt, hai kênh này bắt nguồn từ huyện Hoài Đức nhưng chảy xuống tận Nam Định, Thái Bình, vì vậy chúng tôi đã nhiều lần đề nghị thành phố cho nạo vét và lát lại hai dòng kênh trên, tránh để nước thải độc hại ngấm sâu vào lòng đất.