Tăng năng suất lao động (NSLĐ) xã hội là một trong những chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra trong các nghị quyết của Đảng (Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra chỉ tiêu tăng NSLĐ xã hội bình quân khoảng 5%/năm cho giai đoạn 2016-2020; Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra mục tiêu tăng NSLĐ xã hội bình quân trên 6,5%).
Ứng dụng AI để cải thiện năng suất
Hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát nhanh tài liệu, hàng hóa trong nước và quốc tế, ông Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và chuyển phát nhanh Nội Bài cho biết, trong những năm qua, doanh nghiệp đã ứng dụng AI trong quá trình trả lời khách hàng và tối ưu hoạt động logistics. Nhờ đó, NSLĐ của người lao động đã nâng lên, góp phần nâng cao kết quả hoạt động của doanh nghiệp và trải nghiệm của khách hàng.
Theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ cũng đạt được một số kết quả tích cực. Tính theo giá hiện hành, GDP bình quân lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng khoảng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng AI để cải thiện hiệu quả và NSLĐ, chẳng hạn như trong lĩnh vực thương mại điện tử, đồ họa chuyên nghiệp,… Nhờ đó, thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn nhận kết quả này, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, để tăng NSLĐ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch liên quan đến nâng cao NSLĐ. Đặc biệt, ngày 8/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1305 phê duyệt "Chương trình quốc gia về tăng NSLĐ đến năm 2030" với mục tiêu đặt ra là: Đến năm 2030, NSLĐ trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, từ năm 2011 đến nay, NSLĐ tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 188,7 triệu đồng/lao động năm 2023 (theo Tổng cục Thống kê) - đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước.
Theo Ngân hàng Thế giới, tính theo sức mua tương đương (PPP), trong giai đoạn 2021-2022, NSLĐ Việt Nam tăng bình quân 4%/năm, cao hơn nhiều bình quân chung của thế giới là 2% và đứng thứ 2 Đông Nam Á (NSLĐ bình quân của Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thailand, Philippines lần lượt là 5,8%, 3,7%, 3,3%, 2,2%, 1,9% và 1,2%; trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tăng lần lượt 3,5%, 1,7% và 1,5%).
Tăng NSLĐ đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong quý I/2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng, tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm, nếu loại bỏ yếu tố giá, tốc độ tăng năng suất sẽ là 6% cũng là kết quả tích cực. Nếu tiếp tục tạo được động lực trong lĩnh vực công nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, trách nhiệm hơn thì kết quả NSLĐ trong khu vực công được cải thiện và tương xứng mức lương của khu vực này, đồng thời sẽ tạo được sự lan tỏa cho nền kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp sử dụng các giải pháp kỹ thuật để cải thiện hiệu quả và nâng cao năng suất lao động. Ảnh: NGUYỆT ANH |
Vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực
Tuy vậy, ông Dương cũng cho rằng, không ít doanh nghiệp chưa biết cách bắt đầu để tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới (theo chỉ số Mức độ sẵn sàng cho AI do Cisco tiến hành khảo sát, chỉ 38% doanh nghiệp dành ưu tiên cao nhất cho AI khi phân bổ ngân sách, chỉ 27% doanh nghiệp sẵn sàng triển khai công nghệ AI); khu vực phi chính thức còn lớn; và tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam dao động ở mức 4% kể từ năm 2022 đến nay, trong khi không ít lao động chưa được tăng cường và chuyển đổi kỹ năng phục vụ cho quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Còn theo ông Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, dù đã có sự cải thiện nhưng NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ tăng NSLĐ thấp hơn mục tiêu đề ra là 5,5%/năm. Xét theo giá trị tuyệt đối, NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Khoảng cách về NSLĐ và trình độ phát triển giữa các vùng, miền, khu vực còn khá lớn. Các yếu tố nền tảng cho tăng NSLĐ nhanh và bền vững còn gặp nhiều trở ngại, vướng mắc, chưa thật sự có bước đột phá…; như hạ tầng, chuyển dịch lao động từ nông thôn sang thành thị, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức.
Về nguyên nhân, ông Tuấn cho rằng, tổng đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) trung bình giai đoạn 2020 - 2022 đạt tỷ lệ chỉ khoảng 0,6% GDP, so với mặt bằng chung của thế giới là 2,2% GDP, thậm chí ở các nước phát triển đầu tư 4% GDP. Trong khi đó, kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho KH&CN trong những năm qua chưa đạt tỷ lệ tối thiểu 2% tổng chi NSNN. “Những bất cập trên là do cơ chế, chính sách còn vướng mắc, thiếu đồng bộ, một số văn bản chậm sửa đổi hoặc chậm ban hành dẫn đến khó khăn trong việc triển khai phát triển KH&CN”.
Tại Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024 tổ chức mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, NSLĐ là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là một trong những thước đo quan trọng nhất để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển, phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới nổi.
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị thực hiện bứt phát về phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao và dạy nghề; bứt phá về KH&CN, đổi mới sáng tạo, nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi; bứt phá về môi trường lao động, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Về phía doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp - chủ thể chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội; ứng dụng mạnh mẽ KH&CN, tăng NSLĐ, tăng giá trị chứ không phải tăng thời gian làm việc của người lao động; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; chú trọng đào tạo, đào tạo lại; tạo dựng môi trường làm việc an toàn, sạch đẹp; có chế độ lương, thưởng đối với người lao động có nhiều sáng kiến, năng suất cao, chất lượng tốt. “Nâng cao NSLĐ là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài của cả hệ thống chính trị - là con đường ngắn nhất đưa nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong xây dựng, phát triển đất nước nhanh, bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.