Cuộc điều tra nhằm vào Netflix

|

Các nhà chức trách ở Pháp và Hà Lan vừa khám xét văn phòng đại diện của nền tảng video trực tuyến Netflix tại Paris và Amsterdam, trong một cuộc điều tra gian lận thuế kép đối với “gã khổng lồ” giải trí này. Hoạt động của Netflix cũng chỉ ra những thách thức về thuế đối với ngành kinh tế kỹ thuật số mới nổi hiện nay.

Hoạt động “tối ưu hóa thuế”

Theo AFP, lực lượng thực thi pháp luật của hai nước châu Âu nói trên đã hợp tác điều tra vụ gian lận thuế đối với Netflix kể từ năm 2022. Văn phòng Công tố tài chính quốc gia Pháp (PNP), chuyên điều tra các tội phạm kinh tế nghiêm trọng cho biết, họ đang chỉ đạo cuộc điều tra có liên quan việc che đậy hành vi gian lận thuế nghiêm trọng và hoạt động ngoài sổ sách của Netflix. Trước đó, công ty này cũng nằm trong diện giám sát chặt chẽ về hồ sơ khai thuế giai đoạn từ năm 2019-2021.

Netflix là một trong những công ty giải trí và dịch vụ video theo yêu cầu có ảnh hưởng nhất trên toàn thế giới hiện nay. Khởi đầu là dịch vụ cho thuê băng đĩa DVD qua thư điện tử vào năm 1997, doanh nghiệp có trụ sở tại California (Mỹ) này đã nhanh chóng trở thành công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phát video trực tuyến. Theo Statista, năm 2021, doanh thu của Netflix đạt mức kỷ lục 26,7 tỷ USD và Mỹ là thị trường lớn nhất toàn cầu xét về số lượng người đăng ký. Tuy nhiên, “đại gia” phát trực tuyến này đang mở rộng thị trường nhanh chóng ở châu Âu, do đây là khu vực Netflix có lợi nhuận cao nhất sau Bắc Mỹ.

Dịch vụ truyền phát theo yêu cầu của Netflix đã dần thống trị thị trường ở châu Âu trước cả khi ra mắt văn phòng đại diện tại đây vào năm 2012. Số lượng người đăng ký Netflix ở châu Âu cũng tăng mạnh đến nay. Tính đến quý II/2021, đây là dịch vụ phát trực tuyến được sử dụng nhiều nhất ở Anh, ghi nhận số lượng người đăng ký cao nhất ở mức 12,8 triệu. Đức và Pháp lần lượt là thị trường lớn thứ hai và thứ ba của Netflix tại châu Âu. Do thị hiếu người tiêu dùng chuyển mạnh từ truyền hình tuyến tính sang nội dung video trực tuyến, nền tảng này cũng đã đánh bại các tập đoàn truyền thông lớn như BBC trong cuộc đua giành vị trí “Tập đoàn truyền hình lớn nhất châu Âu”.

Tập đoàn truyền phát video trực tuyến vì vậy đã tăng cường sản xuất và mở các văn phòng trên khắp “lục địa già” nhằm khai thác nhu cầu của người xem. Trong bối cảnh đó, văn phòng đại diện của Netflix ở Thủ đô Amsterdam (Hà Lan) cũng trở thành trụ sở chính của công ty tại các nước còn lại ở châu Âu, cùng toàn khu vực Trung Đông và châu Phi. Trụ sở được thành lập vào năm 2015, với khoảng 500 nhân viên tham gia điều tiết và giải quyết các hoạt động và toàn bộ thuê bao đăng ký của công ty.

Theo thông tin của nhật báo Pháp La Lettre, Netflix đã lọt vào “tầm ngắm” của cơ quan điều tra Pháp vì nghi ngờ công ty này đang tìm cách “tối ưu hóa thuế” bằng cách khai báo doanh số ở Pháp sang văn phòng tại Hà Lan. Cơ quan kiểm toán vì thế đã yêu cầu kiểm toán thuế trong giai đoạn từ năm 2019-2021. Đến ngày 6/11 vừa qua, lực lượng an ninh tiến hành khám xét cơ sở của Netflix ở Paris, sau khi đơn vị tư pháp Hà Lan kết thúc điều tra tài chính tại trụ sở chính ở Amsterdam.

Netflix bị giám sát chặt chẽ về hồ sơ khai thuế. Ảnh: GETTY IMAGES

Thách thức về thuế của ngành kinh tế số

Cuộc điều tra sơ bộ về Netflix ở Pháp và Hà Lan đang diễn ra nhằm làm rõ cách thức gian lận thuế và hoạt động ngoài sổ sách có tổ chức. So sánh báo cáo tài chính cho thấy, công ty con của Netflix tại Pháp báo cáo biên lợi nhuận hoạt động rất thấp so công ty mẹ tại Mỹ, khi chỉ nộp 6,5 triệu euro tiền thuế vào năm 2022.

Tuy nhiên, báo chí Pháp cho biết thêm rằng, việc tính một phần lớn doanh thu cho các tổ chức bên ngoài nước Pháp được xem là “chiến lược tối ưu hóa thuế hợp pháp” trong một số điều kiện nhất định. Bất chấp cuộc điều tra, Netflix vẫn là đơn vị thống trị thị trường Pháp với 10 triệu người đăng ký. Bình luận chính thức về các cuộc khám xét vừa qua, đại diện của Netflix tuyên bố: “Chúng tôi đang hợp tác toàn diện với chính quyền Pháp, nơi Netflix là một nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế địa phương. Chúng tôi tuân thủ luật thuế và các quy định tại mọi quốc gia chúng tôi hoạt động”. Trong những thông cáo báo chí trước đây, công ty này cũng khẳng định tuân thủ tất cả những quy định về thuế hiện hành và không quên nêu bật đóng góp đáng kể để tạo việc làm ở cả Pháp và Hà Lan.

Hồi đầu năm, theo điều tra của tờ báo Hà Lan NRC Handelsblad, các bài báo đã chỉ ra bằng chứng cho thấy “gã khổng lồ” truyền phát trực tuyến đang thiết lập một “cấu trúc phức tạp” nhằm tối ưu thuế. Theo một báo cáo do tổ chức phi chính phủ TaxWatch của Anh tiến hành vào năm 2018, hệ thống thuế hiện hành tại Hà Lan cho phép các công ty nước ngoài tránh bị đánh thuế hai lần. Khi một chi nhánh của Netflix chuyển tiền cho các chi nhánh hoặc công ty con ở nước khác, phần lợi nhuận đã khai báo đó tự động giảm đi và do đó giảm thuế phải nộp. Các công ty con của Netflix ở Hà Lan sử dụng hệ thống này để chuyển doanh thu qua chi nhánh khác, hoặc chuyển về trụ sở tập đoàn tại Mỹ. Báo cáo thường niên mới nhất của Netflix được công bố tại Amsterdam chỉ ra rằng, năm 2023, công ty có doanh thu là 15,8 tỷ euro, trong đó 13,6 tỷ euro đã gửi đến các trụ sở khác của tập đoàn, khiến doanh thu bị tính thuế giảm đi rất nhiều.

Hiện nay, Netflix là dịch vụ phát trực tuyến phổ biến nhất châu Âu, song doanh nghiệp kinh tế số mới nổi này đang đứng trước sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý. Các công ty công nghệ xuyên biên giới như Netflix thường gặp phải những rắc rối pháp lý với hệ thống cơ quan thuế châu Âu, khi cung cấp dịch vụ kỹ thuật số cho người dùng trên nhiều khu vực pháp lý.

Netflix trước đây từng vướng vào tranh chấp thuế ở châu Âu, khi bị giới chức Italy cảnh báo về hành vi gian lận thuế và sổ sách tài chính vào năm 2021. Sau đó, năm 2022, công ty này đã ký một thỏa thuận dàn xếp với các nhà chức trách ở Rome, đồng ý trả 55,8 triệu euro để xúc tiến và quảng bá cho điện ảnh và văn hóa Italy. Văn phòng đại diện của Netflix tại châu Âu cũng từng cam kết chi trả cho những nội dung hợp tác với các đơn vị sản xuất ở nước sở tại, qua đó đóng góp cho ngành công nghiệp văn hóa ở “lục địa già”.

Mặc dù vậy, sự phát triển nhanh chóng của những ngành kinh doanh kỹ thuật số hoạt động ở phạm vi toàn cầu như Netflix đang đặt ra thách thức đối với quy định thuế nói chung, không riêng gì ở châu Âu. Bloomberg dẫn một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) lưu ý rằng, vì các ngành kinh doanh kỹ thuật số ngày càng chiếm thị phần lớn trong nền kinh tế, nên việc giải quyết những thách thức về thuế của kinh tế số cũng còn nhiều rào cản hoặc thiếu hành lang pháp lý. Báo cáo cũng thừa nhận, việc quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số gặp nhiều khó khăn hơn so nền kinh tế truyền thống do tính phức tạp, đa dạng và tính toàn cầu của các hoạt động kinh tế.