Ngôi nhà mới của kền kền

|

Nhóm phục hồi và bảo tồn động vật hoang dã phi lợi nhuận VulPro ở Nam Phi đang nỗ lực bảo vệ loài chim kền kền, khi số lượng loài chim này có dấu hiệu giảm sút.

Theo CNN, vào tháng trước, các bác sĩ thú y của VulPro đã di dời một đàn kền kền lưng trắng gồm 160 con trên quãng đường 1.049 km đến ngôi nhà mới của chúng tại Khu bảo tồn tư nhân Shamwari ở tỉnh Đông Cape (Nam Phi). Hoạt động đã thu hút sự tham gia của hơn 50 nhân viên hậu cần và tổ chức phi chính phủ chuyên về vận chuyển động vật WeWild Africa.

Các nhà bảo tồn hy vọng việc di dời sẽ giúp bổ sung số lượng kền kền trong tự nhiên và thiết lập các quần thể mới, đồng thời giảm nguy cơ những con kền kền khi thả về tự nhiên dễ bị mắc bệnh dịch như cúm gia cầm, dẫn đến suy giảm số lượng. TS Kerri Wolter, người sáng lập và Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của VulPro cho biết: “Tôi đã có cơ hội tự tay nuôi một con kền kền từ khi nó mới được 10 ngày tuổi, chỉ nằm vừa trong lòng bàn tay. Chính vào thời điểm đó, tôi thật sự hiểu được loài động vật này mong manh và cần được bảo vệ khỏi những nguy cơ đang làm chúng biến mất dần ngoài tự nhiên”.

Trung tâm phục hồi và bảo tồn VulPro do Wolter sáng lập đã chăm sóc kền kền trong hơn 17 năm. Tính đến gần đây, trung tâm đã cứu sống và nhân giống được khoảng 300 con. Trong số đó, nhiều con bị thương ở cánh do va chạm với đường dây điện. Kerri Wolter cho biết những vết thương này có thể nghiêm trọng đến mức phải cắt cụt, nghĩa là một số con không bao giờ có thể được thả trở lại tự nhiên, mặc dù chúng vẫn có thể tham gia chương trình nhân giống nuôi nhốt của trung tâm.

Một nghiên cứu được công bố vào đầu năm nay về các loài chim ăn thịt ở thảo nguyên châu Phi, bao gồm cả kền kền, cho thấy “những loài chim ăn thịt lớn đã trải qua sự suy giảm mạnh hơn đáng kể so các loài nhỏ hơn” và mức giảm mạnh nhất là ở Tây Phi. Sự suy giảm này do nhiều nguyên nhân, trong đó có thời tiết, dịch bệnh và tác động của con người.