Gìn giữ nghề dệt may bản địa Guatemala

|

Nhiều phụ nữ Guatemala bản địa đang không chỉ đấu tranh để thúc đẩy quyền sở hữu trí tuệ mà còn góp phần lưu giữ ý nghĩa của họa tiết trang phục, một hiện thân văn hóa sống động của quốc gia Trung Mỹ này.

Những họa tiết và mầu sắc sặc sỡ trên huipil (một loại trang phục truyền thống) của người dân bản địa Guatemala, cùng nhiều hiện vật khác đều mang một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc đối với cộng đồng cư dân nơi đây. Nhiều công ty, doanh nghiệp cùng các tổ chức phi chính phủ đã tìm cách tận dụng giá trị của loại trang phục truyền thống này nhằm phát triển du lịch. Dù vậy, người dân bản địa cáo buộc các công ty này đã khai thác và sử dụng trái phép những thiết kế của họ.

Trước tình hình đó, trong bảy năm qua, phụ nữ Guatemala bản địa đã đấu tranh nhằm thúc đẩy Luật Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tập thể. Tháng 9/2022, Hiệp hội Phụ nữ phát triển Sacatepéquez (AFEDES) đã phối hợp với những người thợ dệt thành lập một phong trào nhằm đưa ra đề xuất về một đạo luật giúp bảo vệ nghề dệt may của người bản địa. Ixchel Guorón Rodríguez, một thợ dệt và là thành viên của phong trào đến từ thị trấn Tecpán, thành phố Chimaltenango cho biết: “Chúng tôi đang bảo vệ nghề dệt vì đó cũng là một phần để bảo vệ đất đai, lãnh thổ của chúng tôi. Đó là một phần di sản mà bà của chúng tôi đã để lại và chúng tôi nhận thấy những vấn đề khác nhau liên quan việc sử dụng không đúng cách mà những người khác đã thực hiện”.

Theo The Guardian, điểm quan trọng nhất của phong trào nói trên là công nhận cộng đồng người bản xứ là tác giả chung cho những thiết kế của họ. Đồng thời, họ cũng tìm cách thúc đẩy tiêu dùng và giá trị truyền thống của trang phục dệt thủ công trong cộng đồng. Phong trào đã và đang đòi lại công bằng trong việc chiếm đoạt các sản phẩm dệt may của người dân, đồng thời cũng đẩy mạnh việc đưa phụ nữ bản địa vào hoạt động tiếp thị du lịch trong nước và quốc tế của Guatemala.

Bất chấp các hoạt động quảng bá du lịch, nhiều người dân trên khắp Guatemala vẫn bị kỳ thị do sử dụng trang phục truyền thống, từ váy, quần, áo sơ-mi đến các loại huipil dệt thủ công. Milvian Aspuac - một lãnh đạo của AFEDES cho biết, tổ chức đã nhận thấy các phụ nữ trẻ đã không còn ưa diện các loại trang phục truyền thống bởi nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính diễn ra ngày càng phổ biến. Điều này có thể làm mai một bản sắc dân tộc của Guatemala.

Do đó, nhiều phụ nữ tham gia phong trào đã thành lập những hội đồng thợ dệt tại địa phương nhằm giám sát và cho phép người dân ngoài cộng đồng sử dụng các thiết kế thủ công của họ. Tính đến nay, hội đồng thợ dệt đã được thành lập tại ít nhất 15 địa phương, tổ chức các lớp học dệt may với mục đích truyền thụ kiến thức đã được lưu truyền qua nhiều đời. Tại thị trấn Tecpán, có ít nhất 50 thanh niên, bao gồm cả nam giới, đã tham gia các khóa học nghệ thuật dệt kể từ khi lớp học được thành lập vào năm 2017.

Để tránh bị lịch sử quên lãng, nhiều phụ nữ của tổ chức AFEDES thu thập thông tin về những câu chuyện về nghề dệt hay ý nghĩa họa tiết được thêu trên những bộ quần áo. Hiện tại, tổ chức đang hoạt động trên ít nhất bảy địa phương.

Cộng đồng người Maya Kaqchikel ở thị trấn Santo Domingo Xenacoj thuộc tỉnh Chimaltenango là một trong những địa phương đầu tiên hưởng ứng phong trào. Gloria García García, một thành viên của hội đồng thợ dệt Maya Kaqchikel, cho biết họ đã hợp tác với AFEDES nhằm tìm lại nhiều thiết kế địa phương đã bị thất lạc.

Thông qua những cuộc gặp gỡ với các thợ dệt có thâm niên, bà García đã thu thập được nhiều bức ảnh, bản vẽ thiết kế và ghi chép về những ý nghĩa của các họa tiết trên huipil. Chẳng hạn như họa tiết thỏ, gà bốn chân, sóc bay, các loài thực vật, cùng nhiều hình ảnh đã biến mất từ lâu, như gà con chết yểu trong quả trứng - một biểu tượng của sự sống và cái chết. Ông Milvan Aspuac đã ví nét văn hóa trang phục này như “những quyển sách không thể bị đốt cháy”.