Thách thức của Tổng thống Pháp

|

Mới sau hai tuần thành lập, Chính phủ mới của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đối mặt bất ổn khi có tới hai bộ trưởng liên tiếp vướng phải những cáo buộc vi phạm quyền hạn. Điều này đã tạo ra thử thách đối với cam kết của ông Macron về xây dựng một bộ máy lãnh đạo trong sạch khi tranh cử.

Những ngày qua, chính trường Pháp xôn xao trước thông tin hai thành viên trong Chính phủ mới liên tiếp dính bê bối. Cụ thể, Bộ trưởng chuyên trách về gắn kết các vùng lãnh thổ Pháp, ông Richard Ferrand, đã bị tờ Canard Enchaîné của nước này cáo buộc thực hiện các giao dịch tài chính "mờ ám" liên quan một hợp đồng thuê bất động sản, được cho là có lợi cho vợ ông vào năm 2011 - thời điểm ông là Giám đốc Công ty Bảo hiểm Y tế Mutuelles de Bretagne. Trong khi đó, Bộ trưởng đặc trách các vấn đề châu Âu, bà Marielle de Sarnez, cũng bị nghi ngờ làm trợ lý giả ở Nghị viện châu Âu (EP). Những cáo buộc này đã khiến ông Richard Ferrand và bà Marielle de Sarnez vướng vào một cuộc điều tra.

Le Figaro cho biết, ông Richard Ferrand từng là nghị sĩ đảng Xã hội. Tuy nhiên, ông đã gia nhập đảng Cộng hòa Tiến bước của Tổng thống Emmanuel Macron ngay từ những ngày đầu thành lập từ năm 2016, với tên gọi là Phong trào Tiến bước (En Marche!). Ông Ferrand đảm nhiệm vị trí Tổng Thư ký của đảng này. Trong khi đó, bà Marielle de Sarnez, từng là Phó Chủ tịch Phong trào Dân chủ (Modem) của ông François Bayrou. Modem từng tuyên bố liên minh với En Marche! trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống vừa qua. Do đó, hai bộ trưởng này được cho là thân cận với ông Macron.

Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến do tờ L’Opinion của Pháp công bố, trước thông tin về những bê bối nói trên, phần lớn người dân Pháp đều tỏ thái độ bất bình, đánh giá hành vi của ông Richard Ferrand và bà Marielle de Sarnez nếu đúng theo những cáo buộc sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đối với đất nước, đồng thời cho rằng hai bộ trưởng nên từ chức. Dù vậy, phát biểu với tờ Le Monde, ông Ferrand phủ nhận mọi cáo buộc, khẳng định tất cả những gì ông làm đều "hợp pháp, công khai và minh bạch". Ông cũng tuyên bố sẽ không từ chức. Về phần mình, bà Marielle de Sarnez khẳng định không làm gì sai trái và đã đệ đơn kiện người đã "vu cáo" bà.

Trong khi đó, Thủ tướng Edouard Philippe và Tổng thống Macron ngày 31-5 vừa qua đã lên tiếng bảo vệ các chính khách này. Ông Macron cũng kêu gọi các bộ trưởng trong chính phủ đoàn kết và có trách nhiệm hơn. Người phát ngôn của Chính phủ Pháp Christophe Castaner cam kết sẽ không một nhân vật nào trong chính phủ ngăn cản cuộc điều tra về các cáo buộc đối với hai bộ trưởng nói trên.

Theo Le Figaro, những cáo buộc nhắm vào ông Ferrand và bà de Sarnez những ngày qua là thông tin bất lợi đối với Tổng thống Pháp. Những sự cố này xuất hiện vào thời điểm khá nhạy cảm khi cuộc bầu cử Hạ viện dự kiến chính thức diễn ra ngày 11-6 tới. Trước đó, Tổng thống Macron bày tỏ hy vọng đảng Cộng hòa Tiến bước của ông sẽ kiểm soát phần lớn Hạ viện để ông có thể củng cố quyền lực trong nhiệm kỳ tổng thống nhiều chông gai trước mắt. Do đó, những cáo buộc này có khả năng sẽ ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Hạ viện sắp tới.

Không chỉ vậy, Chính phủ của Tổng thống Pháp chuẩn bị công bố dự luật nhằm làm trong sạch đời sống chính trị nước này ngày 14-6 tới. Ông Macron từng cam kết xây dựng một bộ máy lãnh đạo liêm khiết trong suốt quá trình tranh cử và kể cả sau khi đắc cử. Dù vậy, hai trong số 18 bộ trưởng do ông bổ nhiệm đã vướng phải bê bối chỉ sau hai tuần đảm nhiệm chức vụ. Ðây được cho là thách thức đầu tiên trong việc lãnh đạo "đất nước hình lục lăng" nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Macron, buộc ông phải kịp thời đưa ra những giải pháp khôi phục lòng tin của người dân.