Những người bảo vệ di sản nghệ thuật

|

Họ là những giáo sư, giảng viên đại học, nhà văn, nhà thơ... Nhiều người chưa một lần cầm tới cây súng nhưng họ đã bước lên tuyến đầu trận địa trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cứu lấy cho thế giới những di sản nghệ thuật đồ sộ từng bị Đức Quốc xã cướp đi. Những chuyến phiêu lưu thu hồi cổ vật của họ thậm chí còn được dựng thành một bộ phim nổi tiếng của Hollywood.

Chương trình bảo tồn di tích của quân Đồng minh

Đại úy Robert Posey và binh nhì Lincoln Kirstein là hai người đầu tiên trong đội ngũ của mình bước trên con đường nhỏ tiến vào mỏ muối cổ đại Altausee, trên dãy Alps (Áo) vào năm 1945, khi Chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc. Sau một quãng dài trong đường hầm ẩm ướt, họ tới được căn phòng cuối cùng, nơi được soi sáng bởi các ngọn đèn trên tường. La liệt trong phòng là những thùng các-tông chứa đầy tranh, tượng, nổi bật hơn cả là 8 bức vẽ lẻ trong kiệt tác Mystic Lamb của thế kỷ 15.

Cả Posey và Kirstein đều choáng ngợp. Kho tàng ở Altausee sau này được xác định có 1.850 bức tranh, hàng nghìn tác phẩm điêu khắc, trang trí, thảm... Tất cả cần tới 80 xe tải để chuyên chở. Đây là một trong những bộ sưu tập nghệ thuật lớn nhất mà nhóm của họ thu hồi được từ Đức Quốc xã. Posey và Kirstein là hai thành viên của một tổ chức có cái tên rất dài là Chương trình bảo tồn di tích, nghệ thuật và lưu trữ (MFAA) của quân Đồng minh, được thành lập dưới sự bảo hộ của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt hồi năm 1943.

MFAA có gần 400 người, nam giới trung niên chiếm phần lớn. Hầu hết trong số họ không phải quân nhân mà là những giáo sư, giảng viên đại học, nhà sử học, kiến trúc sư, chuyên gia viện bảo tàng... Nhiều người chưa từng được đào tạo quân sự, chưa cầm tới súng, họ đã tình nguyện tham gia một sứ mệnh vào nửa sau cuộc chiến, bước vào vùng chiến sự để tìm cách thu hồi, bảo vệ và trao trả các tác phẩm nghệ thuật đã bị Đức Quốc xã cướp bóc tại châu Âu.

Những người đàn ông và phụ nữ phi thường ấy là hình mẫu cho bộ phim “Monuments Men” của Mỹ được công chiếu hồi năm 2014. Tuy nhiên, họ không phải những người duy nhất. Có những nhóm “Monuments Men” khác hoạt động ở mặt trận phía đông thuộc Nga và những nhóm tương tự ở châu Á, tiến vào những vùng phát-xít Nhật từng chiếm đóng.

Hành trình đặc biệt của họ từng bị lãng quên suốt một thời gian dài cho tới khi Lynn H. Nicholas, một học giả làm việc tại Brussels (Bỉ), tình cờ đọc được thông tin này. Cuốn “Cuộc cướp phá châu Âu: Số phận những kho báu của Đệ tam Đế chế trong Chiến tranh thế giới thứ hai” xuất bản năm 1994 đã hồi sinh câu chuyện về những người hùng thầm lặng. “Nếu không có họ, rất nhiều kho báu nghệ thuật quan trọng bậc nhất châu Âu sẽ mất đi. Những nỗ lực phi thường của họ đã bảo vệ di sản cho chúng ta”, Nicolas nhớ lại.

Ý tưởng về sứ mệnh “Monuments Men” thật ra đã xuất hiện trước cả khi Mỹ tham gia chiến tranh. Các học giả Mỹ, đứng đầu là một nhóm ở Trường đại học Harvard (Mỹ), đã có liên hệ ban đầu với chính quyền nhằm xác định và sau đó là bảo vệ những di tích nghệ thuật ở châu Âu trước nguy cơ bị Đức Quốc xã tàn phá. Ý tưởng của họ được Tổng thống Roosevelt ủng hộ. Ông đã nói chuyện với Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, sau đó cho phép thành lập MFAA dưới tư cách một tổ chức độc lập, được chỉ đạo trực tiếp bởi Bộ Chiến tranh. Ưu ái đặc biệt ấy cho phép họ tiến ra chiến trường, tiếp cận những điểm nóng quân sự bậc nhất.

Đáp lại, những học giả ấy đã không khiến mọi người thất vọng. Trong thời gian hoạt động từ năm 1943 tới 1945, hàng trăm thành viên của tổ chức đã tỏa đi khắp các chiến trường, không ít người đã hy sinh. Đổi lại, họ cứu được hơn 1.000 kho tàng với khoảng 5 triệu tác phẩm nghệ thuật. Sáu năm sau chiến tranh, vẫn còn hơn 60 người của “Monuments Men” tiếp tục các sứ mệnh bảo tồn trên khắp “lục địa già”.

Linh hồn của nhóm là George Leslie Stout (1897-1978), chuyên gia về bảo tồn nghệ thuật tại Trường đại học Harvard. Ông vốn là một quân nhân dự bị, một học giả chuyên về bảo tồn ở Harvard. Ông đã tham gia chỉ huy trực tiếp hoạt động bảo tồn cổ vật trong Chiến tranh thế giới thứ hai ở Tây Âu. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, Stout cùng đồng nghiệp đề xuất mở bộ phận MFAA tiếp theo ở Đông Á. Ông cũng tham gia sáng lập, đồng thời là Chủ tịch đầu tiên của Viện Bảo tồn các tác phẩm lịch sử và nghệ thuật quốc tế (IIC) hồi năm 1950. So quy mô ban đầu của MFAA, IIC được định hướng trở thành tổ chức bảo tồn toàn cầu trong thời bình. Tổ chức này vẫn còn hoạt động cho tới tận ngày nay.

Bức tranh Bord de Mer của danh họa Claude Monet được thu hồi. Ảnh: AP

Cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục

Tuy nhiên, hành trình thu hồi và bảo tồn cổ vật chưa dừng lại. Cuộc cướp phá nghệ thuật của Đức Quốc xã ở châu Âu ước tính đã đánh cắp và làm thất lạc 20 triệu tác phẩm nghệ thuật. Những nỗ lực của các “Monuments Men” là chưa đủ để thu hồi lại toàn bộ. Nhiều tác phẩm bị mất trong quá trình chủ nhân di dời, chạy trốn, số khác theo chân các cựu sĩ quan Đức trốn khỏi châu Âu, số khác nữa rơi vào tay các nhà sưu tập nước ngoài... Rất nhiều trong số này là các kiệt tác lừng danh của Bernardo Bellotto, Sandro Botticelli, Vincent van Gogh hay Claude Monet.

Gần 8 thập kỷ sau chiến tranh, các tác phẩm lừng danh ấy vẫn đang trên hành trình trở về nhà. Đó là nhờ hành động của giới bảo tồn và cảnh sát quốc tế, cùng nỗ lực tự thân của các gia đình, bảo tàng, quốc gia sở hữu tác phẩm. Sau IIC, Ủy ban về nghệ thuật bị cướp bóc ở châu Âu ra đời muộn hơn vào năm 1999. Nhiều nỗ lực tương tự cũng đang được thực hiện.

Tháng 10 vừa qua, bức “Bord de Mer” của Monet đã được Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trao trả lại cho một gia đình người Do thái. Họa phẩm này bị người Đức cướp đoạt năm 1940, lưu lạc 84 năm trước khi quay về chính chủ. Trước đó, tháng 11/2013, một kho tàng nghệ thuật với hơn 1.200 tác phẩm đã được tìm thấy trong căn hộ của một nhà buôn ở Munich (Đức). Sự kiện này lập tức thu hút giới học giả thế giới, những người tin rằng, nhiều tác phẩm trong số đó đã thất lạc từ thời chiến tranh.

Theo thời gian, sự quan tâm của cộng đồng quốc tế dành cho những di sản thất lạc từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai không hề giảm đi. Giới học giả đã yêu cầu các viện bảo tàng, các phòng trưng bày nghệ thuật phải tiến hành thẩm định lại nguồn gốc tác phẩm. Những cổ vật bị xác định có nguồn gốc từ cuộc cưỡng đoạt của người Đức đều được yêu cầu trao trả lại. Ngày nay, những người thừa kế, được sự hỗ trợ của đội ngũ luật gia và sự bảo vệ của luật sở hữu trí tuệ toàn cầu, đang có tiếng nói mạnh mẽ hơn. Số lượng tác phẩm được yêu cầu hoàn trả và hoàn trả thành công ngày càng nhiều.

Năm 2021, các sinh viên Học viện Pratt (Mỹ) đã nỗ lực xây dựng một bản đồ di sản bị đánh cắp nhằm xác định vị trí, tìm kiếm cổ vật đồng thời kết nối các nhóm tìm kiếm khác trên thế giới. Dự án sau đấy nhận được sự tán dương và hỗ trợ của cộng đồng học giả, trở thành nguồn thông tin tham khảo quan trọng và giúp củng cố niềm tin cho cuộc tìm kiếm.

Hành trình vẫn còn dài song họ sẽ không dừng lại, đúng như tinh thần mà thủ lĩnh George Leslie Stout viết trong một lá thư gửi về Mỹ năm 1945: “Bạn không thể kỳ vọng được thấy nhiều hơn những nỗ lực quên mình, sự kiên trì và nhẫn nại từ các chàng trai của tôi”.