Theo AP, văn kiện này đã được hơn 50 quốc gia soạn thảo trong hơn 2 năm, trong đó có Canada, Israel, Nhật Bản và Australia. Trước đó, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ cam kết các công nghệ AI không chỉ phát triển về mặt kỹ thuật mà còn phải phù hợp các tiêu chuẩn đạo đức và tôn trọng quyền con người. Chính phủ Mỹ cũng hoan nghênh sự đóng góp quan trọng của EUC trong việc đạt được mục tiêu này. Trong khi đó, Bộ trưởng Công nghệ Anh Peter Kyle nhấn mạnh đây là "hiệp ước đầu tiên thật sự có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn cầu", giúp kết nối một nhóm các quốc gia rất đa dạng và khác biệt về mặt chính trị cũng như văn hóa.
Hồi tháng 5 năm nay, EUC đã thông qua hiệp ước toàn cầu đầu tiên mang tính ràng buộc về mặt pháp lý liên quan các quy định quản lý việc sử dụng AI. EUC cho hay, Công ước khung về AI đặt ra khung pháp lý đối với tất cả các giai đoạn trong quá trình phát triển và sử dụng các hệ thống AI, đồng thời giải quyết những rủi ro tiềm ẩn của AI và thúc đẩy sự đổi mới công nghệ một cách có trách nhiệm.
Những rủi ro mà AI mang lại đã khiến giới chức toàn cầu cho rằng cần có những đạo luật quản lý chặt chẽ trí tuệ nhân tạo. Sau các cuộc đàm phán kéo dài và căng thẳng, EU đã thông qua các quy tắc toàn diện đầu tiên trên thế giới để quản lý AI, đặc biệt là các hệ thống phổ biến như ChatGPT của OpenAI. Nhiều quốc gia khác cũng đang rà soát các phương pháp quản lý AI.
AI đã trở thành tâm điểm thảo luận ở ngày càng nhiều diễn đàn, nhất là sau khi ứng dụng ChatGPT được tung ra, cho thấy những năng lực “phi thường” của một thế hệ các hệ thống AI siêu thông minh. Nhanh chóng trở nên nổi tiếng, song công cụ này cũng buộc con người phải suy nghĩ sớm hay muộn các hệ thống AI sẽ có ngày “phản chủ”. Vì vậy, việc Mỹ, Anh và EU ký Công ước khung về AI cho thấy các nước nhận thức được “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Nếu mất kiểm soát thì AI sẽ có nguy cơ tiềm tàng, thậm chí là thảm kịch, trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, như an ninh mạng, công nghệ sinh học, tin giả...