Ngân hàng ký gửi hạt giống

|

Kho Svalbard nằm biệt lập trên một hòn đảo giữa Na Uy và Bắc Cực, là ngân hàng dự trữ hạt giống được thu thập từ khắp nơi trên thế giới. Gần đây, kho Svalbard đã chào đón một lô gần 14.000 giống hạt giống bổ sung.

Theo Reuters, kho Svalbard đang bảo quản hơn 1,27 triệu mẫu hạt giống cây trồng, thường là các loại cây thiết yếu để duy trì nguồn cung lương thực. Toàn bộ hạt cây được lưu trữ trong các căn hầm dưới lòng đất ở nhiệt độ âm 18oC. Đợt tiếp nhận vừa qua đã ghi nhận thêm 8 quốc gia lần đầu gửi hạt giống vào kho để bảo quản, đó là những hạt bản địa đến từ Bosnia-Herzegovina, Cameroon, Indonesia, Kazakhstan, Kenya, Madagascar, Nigeria và Zambia.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Thực phẩm Na Uy Geir Pollestad đánh giá, việc bảo quản tại kho Svalbard là “một biện pháp lâu dài đối với an ninh lương thực toàn cầu”. Ông cho biết, sau đợt tiếp nhận này, các ngân hàng hạt giống ở 77 quốc gia đã gửi hạt giống dự phòng ở Svalbard. “Sự bổ sung mới nhất này là minh chứng cho vai trò quan trọng của kho trong việc bảo vệ di sản nông nghiệp thế giới”, Bộ trưởng Pollestad nhấn mạnh. Những hạt giống cây mới được gửi tới bao gồm nhiều loại cây trồng đa dạng như đậu, lúa mạch, đậu đũa, ngô, gạo, kê và các loài thực vật quan trọng khác.

Phát biểu ý kiến về lần bổ sung này, Tiến sĩ Anna Palmé - chuyên gia của Trung tâm Nguồn gien Bắc Âu NordGen, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn sự đa dạng sinh học cho thế hệ tương lai. Bà lưu ý: “Sự đa dạng và khả năng phục hồi của cây lương thực của chúng ta rất quan trọng để duy trì năng suất nông nghiệp trước biến đổi khí hậu và áp lực sâu bệnh ngày càng gia tăng”.

Kho Svalbard được thành lập năm 2008 với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học cho các loại cây lương thực quan trọng đề phòng các mối đe dọa như chiến tranh, khủng bố và thiên tai. Mỗi năm, kho chỉ được mở ra vài lần khi cần thiết nhằm hạn chế tiếp xúc với không khí bên ngoài gây hại cho việc bảo quản.

Việc bảo tồn số lượng hạt giống đa dạng tại kho Svalbard cũng phản ánh nỗ lực hợp tác của nhiều tổ chức, viện nghiên cứu và ngân hàng hạt giống trên khắp thế giới. Những đóng góp này nhấn mạnh cam kết quốc tế trong việc bảo tồn nguồn gien vì lợi ích của nhân loại.