Niềm tin vào sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế giúp thị trường có mạch tăng điểm tốt từ cuối năm 2023, VN Index gần chạm mức 1.280 điểm, tăng 16% so với vùng giá 1.100 điểm. Phiên giao dịch chiều 20/3 đón kỷ lục 1,7 tỷ cổ phiếu về tài khoản, lực cung gia tăng nhưng thị trường vẫn duy trì sắc xanh với điểm nhấn là sự trở lại của nhóm ngân hàng.
Dòng tiền đổ vào mạnh mẽ
Với động lực từ việc kỳ vọng biên lãi ròng NIM (Net Interest Margin) cải thiện và nợ xấu nhiều khả năng đã tạo đáy, nhóm ngân hàng đã đưa VN Index phục hồi tốt trong giai đoạn vừa qua. Ngoài ra, một vài cổ phiếu vốn hóa lớn khác cũng có những yếu tố hưởng lợi so với giai đoạn trước và thu hút dòng tiền. Cụ thể như nhóm bán lẻ (MSN, MWG, PNJ) hưởng lợi từ kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng phục hồi; nhóm cao-su (GVR) do giá cao-su tăng hay HPG với kỳ vọng đến từ dự án Dung Quất 2. Nhiều chuyên gia nhận định, đà tăng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn còn đến từ kỳ vọng dòng vốn mới của câu chuyện nâng hạng thị trường.
Nhận định 2024 là một năm tiềm năng của thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Minh Hiếu, người sáng lập diễn đàn cộng đồng đầu tư GBI chia sẻ: Chúng tôi kỳ vọng trong năm nay, VN Index sẽ vượt mốc 1.350 và tích cực hơn sẽ chinh phục lại vùng đỉnh lịch sử 1.500 điểm năm 2022. Tuy vậy, giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý khi VN Index đang có những biến động rung lắc ngắn hạn.
Điểm nhấn ngắn hạn gần đây có phiên bán khớp lệnh giá trị lên tới 43.000 tỷ đồng sau giai đoạn điều chỉnh từ tháng 8/2023. Theo thống kê dữ liệu kỹ thuật thì khối lượng khớp lệnh lớn chỉ xuất hiện ở vùng đáy hoặc vùng đỉnh. VN Index đã tăng 150 điểm kể từ đầu năm nên ngắn hạn khả năng rung lắc và điều chỉnh rất cao. Nhà đầu tư nên có phương án quản trị rủi ro.
Thị trường cũng đang chịu nhiều yếu tố tiêu cực như áp lực tỷ giá, lạm phát và động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tuy nhiên thanh khoản trên thị trường vẫn rất dồi dào, trung bình cả tỷ USD/phiên.
Lý giải về điều này, ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư AFC Vietnam Fund cho rằng: Môi trường lãi suất thấp như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế khi GDP bắt đầu tăng trở lại ở mức cao, xuất khẩu tăng, sản xuất công nghiệp tăng, FDI ổn định... là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ và giúp dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục được duy trì.
Đãi cát tìm vàng
Nhận định chu kỳ chứng khoán lần này biến động khó hơn rất nhiều so với giai đoạn thị trường có xu hướng tăng từ tháng 10/2022, ông Nguyễn Minh Hiếu chia sẻ: Cuối năm 2022, khi tiền đổ vào các nhóm ngành thì tất cả các cổ phiếu đều hưởng lợi, nhà đầu tư mua cổ phiếu nào cũng có lãi. Nhưng năm nay lại khác, dòng tiền có sự lan tỏa đều các ngành và cũng phân hóa rất rõ giữa các cổ phiếu trong cùng một nhóm ngành. Chỉ cần chọn sai cổ phiếu thì tỷ suất sinh lời của nhà đầu tư sẽ giảm đi đáng kể.
“Giai đoạn hiện tại, gần như rất khó tìm được cơ hội giải ngân mới đối với các cổ phiếu tốp đầu đã vào sóng tăng mạnh. Nhà đầu tư nên quan sát kỹ vận động của thị trường chung, đồng thời theo dõi những ngành chưa có sóng hoặc những cổ phiếu vốn hóa vừa đang ở dạng tích lũy nền đi ngang. Đặc biệt chú trọng các cổ phiếu có câu chuyện riêng về sự phục hồi hay kỳ vọng tăng trưởng tốt trong năm nay”, ông Nguyễn Minh Hiếu nhấn mạnh.
Với câu chuyện dòng tiền rẻ, chính sách hỗ trợ cùng sự tăng trưởng về lợi nhuận trong năm 2024, ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP FIDT dự đoán EPS năm 2024 có thể tăng trở lại ít nhất 20% so với năm trước. Như vậy, VN Index có thể đạt vùng 1.300 điểm trong năm 2024.
Trong bối cảnh đó, ông Tuấn cho rằng, nhóm ngành bất động sản sẽ được hưởng lợi. Khi vướng mắc pháp lý được tháo gỡ, doanh nghiệp bất động sản được cấp giấy phép đầu tư, từ đó tăng nguồn cung ra thị trường cũng như doanh thu bán hàng, kéo theo dòng tiền trở về. Bất động sản khu công nghiệp vừa có một năm đạt kỷ lục vốn FDI đăng ký và giải ngân, cũng là nhóm ngành rất đáng chú ý của chu kỳ này.
Thứ hai là nhóm ngân hàng. Khi những thông tư được gia hạn, ngân hàng không phải trích lập và tự cơ cấu nợ thì lợi nhuận sẽ tăng. Trên nền tảng lãi suất rẻ như hiện tại, tín dụng cũng sẽ tăng trưởng theo. Tiếp theo là nhóm ngành đầu tư công có thể duy trì mức tăng trưởng tốt trong 5 năm tiếp theo. Khi hạ tầng phát triển sẽ có hệ số nhân lan tỏa rất tốt, trực tiếp tới ngành vật liệu xây dựng cũng như xây dựng.
Cuối cùng là ngành chứng khoán. Khi hệ thống thông tin KRX đi vào hoạt động sẽ tạo ra thêm sản phẩm hấp dẫn nhà đầu tư, trong đó có rút đi ngày thanh toán. Giao dịch trên thị trường nhờ đó sôi động hơn. Ba mảng lợi nhuận chính của các công ty chứng khoán sẽ hưởng lợi gồm phí giao dịch, phí cho vay margin và phí bảo lãnh phát hành.
Dưới góc nhìn của một nhà quản lý quỹ, ông Vincent Nguyen cho rằng: VN Index hoàn toàn có thể đạt đỉnh mới trong vòng 5 năm tới. Nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng rất mạnh mẽ trong 10 - 20 năm tiếp theo bất chấp các yếu tố ảnh hưởng từ bên trong lẫn bên ngoài. Trong đầu tư, chúng tôi thường chọn những ngành cốt lõi, trụ cột của nền kinh tế và có sự tăng trưởng mạnh mẽ dài hạn. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể tìm kiếm những ngành được hưởng lợi nhờ xu thế hồi phục mạnh mẽ như đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng. Về lựa chọn doanh nghiệp, chúng tôi thường chọn những doanh nghiệp có nền tảng, bền vững, có bảng cân đối tài chính lành mạnh. Các doanh nghiệp này có khả năng chống chọi với khủng hoảng và quay trở lại mạnh mẽ khi thị trường hồi phục.