Hội nghị hòa bình liên bang của Myanmar, còn được gọi là Hội nghị Panglong thế kỷ 21 lần thứ hai, diễn ra chín tháng sau khi hội nghị hòa bình lần đầu được tổ chức vào tháng 8-2016. Hơn 1.400 đại biểu đã tham dự hội nghị, trong đó có Tổng thống U Htin Kyaw và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao của Quốc hội, Chính phủ, quân đội, đại diện các đảng phái chính trị cùng 15 tổ chức sắc tộc vũ trang bao gồm tám nhóm đã ký kết Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA) và bảy nhóm chưa tham gia.
Kể từ khi đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành thắng lợi trong kỳ bầu cử Quốc hội tại Myanmar tháng 11-2015, vai trò của bà trong tiến trình hòa bình ở Myanmar lại càng rõ nét. Bà Suu Kyi vừa là người khởi xướng Hội nghị Panglong thế kỷ 21, vừa là Chủ tịch Ủy ban hỗn hợp đối thoại hòa bình liên bang (UPDJC). UPDJC là cơ quan ba bên gồm đại diện chính phủ, các nhóm vũ trang sắc tộc và đảng phái chính trị, chịu trách nhiệm kiến tạo các cuộc đối thoại hòa bình.
Trước thềm hội nghị vừa qua, UPDJC đã nhóm họp nhiều lần trên cơ sở thống nhất những nguyên tắc chung để đưa vào văn bản thảo luận tại hội nghị. Theo Myanmar Times, Chính phủ Myanmar và các nhóm sắc tộc đã thống nhất được 37/41 nguyên tắc do UPDJC đề xuất, nằm trong bốn lĩnh vực gồm chính trị, kinh tế, xã hội và tài nguyên - môi trường.
Một trong những nguyên tắc chính trị nhận được sự đồng thuận cao tại Hội nghị hòa bình liên bang lần thứ hai là việc Chính phủ Myanmar đồng ý trao quyền lập pháp cho chính quyền các khu vực hoặc các bang. Các bên cũng thống nhất thành lập một cơ quan Hiến pháp độc lập để giải quyết các tranh chấp liên quan luật pháp liên bang và địa phương. Về lĩnh vực kinh tế, những nguyên tắc chung bao gồm phân chia hợp lý các khoản thu thuế và nguồn tài chính giữa nhà nước liên bang và chính quyền bang hoặc địa phương; bảo đảm cơ hội phát triển kinh tế bình đẳng giữa nhà nước liên bang và chính quyền bang hoặc địa phương…
Phát biểu ý kiến tại lễ bế mạc hội nghị, bà Suu Kyi đánh giá việc ký kết các thỏa thuận là một bước tiến quan trọng hướng tới hòa bình, hòa giải dân tộc và coi đây là nỗ lực lịch sử hướng tới xây dựng nền dân chủ liên bang ở Myanmar. Bà Suu Kyi cũng thừa nhận tiến trình hòa bình tìm kiếm nền tảng chung không phải là việc dễ dàng, song hy vọng rằng những kinh nghiệm thu được từ hội nghị lần này sẽ gây dựng sự tin tưởng giữa các bên trong các cuộc đàm phán hòa bình tiếp theo. Ngay tại hội nghị, bảy nhóm vũ trang chưa ký NCA cũng đã rời khỏi cuộc họp trước khi bế mạc, cho thấy quá trình đàm phán ngừng bắn với các nhóm vũ trang và thảo luận quyền tự chủ tại một số khu vực là hai trong số những thách thức lớn của Chính phủ Myanmar.
Những động thái hòa giải diễn ra gần đây chứng tỏ dấu hiệu tích cực đối với tiến trình xây dựng hòa bình tại Myanmar. So Hội nghị Panglong thế kỷ 21 lần thứ nhất hồi năm ngoái, dù có quy mô tham dự lớn nhưng chưa đạt được thỏa thuận chung, hội nghị lần thứ hai đã thống nhất phần lớn nguyên tắc chung cơ bản. Quan trọng hơn hết là các bên đều nhất trí tiếp tục đối thoại cởi mở trong thời gian tới.
Myanmar đã đạt thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều thập niên, ký lệnh ngừng bắn và tổ chức hòa đàm hội tụ đầy đủ các tổ chức sắc tộc, chính trị đối lập. Tuy vậy, chặng đường đến một thỏa thuận hòa bình toàn diện tại Myanmar sẽ cần tới sự kiên trì của các bên. Thành công của hội nghị vừa qua sẽ là chất xúc tác quan trọng để tiếp tục lộ trình đó.