Thailand phục hồi các rạn san hô suy thoái

|

Bốn nhà sinh thái biển Thailand mới đây lặn xuống biển tại một hòn đảo ở phía nam nước này để thu thập các sản phẩm sinh sản của san hô, qua đó hy vọng phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái nói trên trước nguy cơ suy thoái.

Theo Reuters, quá trình sinh sản tự nhiên của san hô có tầm quan trọng đặc biệt để khôi phục hệ sinh thái biển của Thailand, trong bối cảnh san hô tự nhiên đang chết dần vì nhiệt độ nước biển tăng, hậu quả của biến đổi khí hậu và hoạt động du lịch của con người. Các nhà khoa học Thailand thời gian qua đã tiến hành thu thập một số mẫu san hô để nuôi dưỡng trong các phòng thí nghiệm. Công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn vì san hô chỉ sinh sản một lần mỗi năm và cần đến 5 năm để nuôi dưỡng chúng trưởng thành và phát triển trước khi được thả về lại biển.

Nhà khoa học Nantika Kitsom, người tham gia vào dự án phục hồi rạn san hô ở Thailand bày tỏ: “Hy vọng các rạn san hô suy thoái có thể phục hồi và trở lại vẻ đẹp nguyên thủy của chúng”. Bà cũng nhấn mạnh, tình trạng rạn san hô bị suy thoái không chỉ đe dọa lớn đến hệ sinh thái của đại dương mà còn đe dọa đến nền kinh tế của Thailand, vì các hoạt động liên quan san hô đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch. Không chỉ vậy, chúng cung cấp môi trường sống lành mạnh cho các quần thể cá, một yếu tố không thể thiếu đối với ngành ngư nghiệp.

Bắt đầu từ năm 2016, Cục Tài nguyên biển và ven biển Thailand đã triển khai dự án nuôi dưỡng và phục hồi san hô tại hòn đảo Man Nai phía nam nước này. Khu vực này chứa hơn 98 loài san hô, được coi là một trong những vùng có rạn san hô ven biển đa dạng nhất đất nước. Dự án được khởi xướng sau khi gần 90% diện tích rạn san hô ở Thailand bị hủy hoại vì nhiệt độ nước biển tăng.

Nhờ dự án của các nhà khoa học, hiện, hơn 4.000 rạn san hô tại vùng lân cận đảo Mun Nai đã được phục hồi. Giới chức Thailand hy vọng dự án này có thể nhân rộng hơn nữa nhằm bảo tồn và khôi phục các rạn san hô trên khắp các bờ biển cả nước.