Tan trời. Không tan đắm đuối”… Có thể “nhặt” ra nhiều diễn đạt giàu liên tưởng đó của nhà thơ Nguyễn Hữu Quyền trong tập mới của ông ấn hành năm nay: “Khởi thủy”, NXB Nghệ An.
Đọc Nguyễn Hữu Quyền, có điều thú vị thấy những ngầm ý diễn đạt rộng hơn vỏn vẹn dăm chữ, chục câu trong hầu hết những bài thơ ngắn, nhỏ mà ông viết như những chợt nghĩ trong ngày. Nhưng bởi dường như ngày nào cũng là nôn nao, cũng là thao thức và trở trăn không nguôi quên, nên như câu hỏi đầy tượng hình “Sông ơi/Sao đêm nào cũng sóng”, nhiều bài thơ cứ dào lên một trạng thái không yên, không chịu yên. Thế là chợt đến, chợt đi những thoáng nghĩ ở tuổi xưa nay hiếm mà sao vẫn nặng lòng!
Nhà thơ có hai luồng suy tư mà khi vang lên, nó như làm cho người hơi… khó thở. Thứ nhất. Đó là suy nghiệm bàng bạc thời gian, không gian khi nhận ra những dấu hiệu hoang sơ, nguồn cội. Không quá cụ thể loài người, vạn vật, những nhung nhớ xa xôi khởi thủy trong thơ cứ vương vất, bảng lảng, tựa như ngắm núi triệu năm, nhìn mây từ thuở nào qua đây mà rùng mình về nỗi vô cùng, vô tận. Đó là khi bỗng nghe tiếng chích chòe tưởng như quá quen thuộc mà thấy: “Có tia nắng sáng hắt qua đám mây/Về với chang chang thanh âm khởi thủy”; ngước lên cao mà lòng mênh mang: “Hôm đó Sao Mai bị lạc trên bầu trời/Con đường Người đi thuở trước chỉ một lối thôi/Giờ đã thành vạn nẻo”, “Đàn chim di trú vọt lên/Để lại những chiếc lông lướt về khởi thủy/Lút chân trời/Bồi lấp những cuộc nhân di”…
Và hai. Khởi thủy của Nguyễn Hữu Quyền trìu mến nhớ thương và có gì xa xót về gốc cội quê hương, bản quán, mấy địa danh, vùng đất mà ông từng đắm đuối, vướng bận. Thổn thức nữa là dằng dặc nỗi nhớ âm ỉ, hoài niệm khởi thủy đời mình. Nhà thơ nghèn nghẹn nhớ chị, thương mẹ, nghĩ về bà, thèm trở lại những khoảnh khắc tuổi thơ hồn nhiên, vụng về, trong trẻo. Một trạng thái rất bền lâu của bao nhiêu chục năm người thơ còn mang giữ, ấy là tâm hồn thơ dại, trong lành như viên ngọc quý mà theo thời gian, càng long lanh. Đến nỗi mà có lẽ đâu đó bây giờ, vẫn còn ẩn náu trong ông một… hồn nhiên thơ dại. Nhưng cũng buồn thương lắm khi bây giờ, muốn lại được như thế mà biết rằng không thể. Đó là khi ông cất tiếng gọi: “Lâu rồi bà ơi!//Chẳng biết người ở cõi nào mà mưa nguồn, sấm dội?”, là khi ông thì thào: “Tháng mười năm nay bão nhiều mẹ ạ/Không biết những cánh hoa cỏ may ngày đó có sót lại trong túi áo Người/Nó nhọn như kim làm trái tim con ứa màu năm tháng”…
Tưởng giản dị mà nhiều mênh mang ẩn đằng sau, gợi nhắc, mở về xa xưa trong một tâm hồn thi nhân cả nghĩ. Và sẽ còn mãi trăn trở về những chuyện đã qua, những sự đã rồi. Thế nên u uẩn mãi, cảm xúc đẹp và nỗi bâng khuâng không nguôi về khởi nguyên vòi vọi thẳm xa, về quá khứ lung linh lại làm bật ra những câu thơ nao lòng: “Dậy đi/Dậy mà về nhặt tiếng gà gáy”, “Đăng quang áo xiêm/Em như trăng lưỡi liềm/Đêm nào cũng sáng nửa vỉa”, và “Vén rét lên/Đổ một rá buồn đầy lấp”...