Nỗi ám ảnh của người dân
Trưa muộn, đứng cách hai bãi rác chừng 300 m, ông Trần Văn Hòa, 70 tuổi, ngụ ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ than thở: Mùi hôi của rác bốc lên nồng nặc gần như suốt ngày đêm, nhất là khi trời nắng nóng kèm theo gió; sau khi trời mưa thì mùi còn kinh khủng hơn, bao trùm cả một vùng lớn khiến người dân chung quanh rất khó chịu. Đứng cạnh bên, anh Lê Thành Hiếu sống gần đó cho biết, một diện tích lớn đất và nước quanh đây cũng bị ô nhiễm nặng nề do bị lượng nước rỉ của rác “bức tử” kéo dài hơn 20 năm qua. Chỉ vào mấy tuyến rạch đen ngòm, anh Hiếu cho biết, bà con ở đây nhiều thời điểm muốn dẫn nước vào ruộng để trồng lúa cũng không dám vì không biết được chất lượng nguồn nước có bảo đảm hay không. Nhiều năm qua, việc sản xuất nông nghiệp của bà con đã không còn đạt hiệu quả như trước, nhiều diện tích đất bị bỏ không.
Theo quan sát, mỗi ngày, hai bãi chứa rác của Công ty cổ phần Vietstar, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa có cả trăm lượt xe chở rác từ các nơi về đây với tổng khối lượng hơn 3.200 tấn/ngày. Tại đây, các loại chất thải được phân loại và xử lý bằng cách chôn lấp, ủ phân, đốt truyền thống. Công nghệ này phù hợp để xử lý lượng chất thải hữu cơ trong rác, tuy nhiên, điểm yếu là phát sinh mùi hôi trong quá trình phân hủy sinh học của lượng chất thải. Không chỉ mùi hôi, lượng lớn nước thải chưa được xử lý, men theo các lối chảy tràn ra ngoài cũng gây ám ảnh với người dân. Theo ông Trần Văn Hòa, trước khi có bãi rác này, không khí ở đây trong lành đúng nghĩa của một vùng quê ngoại thành nhưng khi bãi rác bắt đầu ô nhiễm ngày một nặng nề thì mọi thứ đã thay đổi, nhiều hộ dân đã phải di dời nơi ở, nhiều hộ không có đủ điều kiện để thay đổi chỗ ở đành ở lại “bám trụ” cho đến nay.
Qua nhiều khảo sát thực tế của UBND huyện Củ Chi, mùi hôi thối bốc lên gây ra tình trạng ô nhiễm không khí, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân bảy xã và thị trấn (Thái Mỹ, Phước Hiệp, Phước Thạnh, Tân An Hội, Phước Vĩnh An, Trung Lập Thượng và thị trấn Củ Chi). Theo thống kê, có hơn 400 hộ dân gần đó nhiều năm qua canh tác nông nghiệp không hiệu quả do nguồn nước, đất bị ô nhiễm, hàng trăm hộ dân khác bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mùi hôi của rác thải. Trong đợt tiếp xúc cử tri vào tháng 10/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã nghe người dân ở đây phản ánh vấn đề ô nhiễm môi trường nặng do hoạt động xử lý rác nhưng đến nay, mọi nỗ lực giảm mùi hôi tại khu vực này vẫn chưa có bất cứ tiến triển nào.
Bao giờ mới hết ô nhiễm?
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc có diện tích 687 ha, hình thành từ năm 2003. Mặc dù năng lực xử lý rác của hai nhà máy này chỉ khoảng 3 nghìn tấn/ngày nhưng nhiều năm qua, hai đơn vị này thường xuyên rơi vào tình trạng tiếp nhận vượt quá công suất thiết kế. Cộng với tình trạng không khắc phục được mùi hôi phát thải nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, hai đơn vị này đã nhiều lần bị Tổng cục Môi trường xử phạt vi phạm hành chính. Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cho biết, tất cả kiến nghị của người dân về thực trạng ô nhiễm tại khu vực này, địa phương đã nhiều lần kiến nghị HĐND, UBND thành phố có chỉ đạo để các sở, ngành liên quan và Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải sớm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các dự án để giảm vấn đề ô nhiễm cho người dân địa phương.
Liên quan đến dự án này, nhằm giảm những tác động của rác và mùi hôi từ rác, năm 2003, thành phố đã phê duyệt dự án trồng vành đai cây xanh nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể hình thành như kế hoạch đề ra vì nhiều lý do khác nhau. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự án hiện đang ở giai đoạn trình các sở, ngành liên quan cho ý kiến, nếu đúng tiến độ thì đến 2026 dự án này mới hoàn thành. Các dự án là bước ngoặt để hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ chất thải xử lý theo cách thức truyền thống mà thành phố đang nỗ lực thực hiện, đồng thời cam kết thực hiện đúng tiến độ để người dân không phải chịu cảnh ô nhiễm như hiện tại. Tuy vậy, nạn ô nhiễm vẫn hiện hữu và ngày một nghiêm trọng hơn. Với thực tế như hiện nay, có thể nói các mục tiêu này khó đạt tiến độ do các dự án xử lý rác hiện đại của thành phố vẫn đang triển khai quá chậm.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến đến năm 2025, thành phố cần xử lý khoảng 12 nghìn tấn rác/ngày và năm 2030 là khoảng 15 nghìn tấn rác/ngày. Theo Quyết định số 450/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/4/2022 về Phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, yêu cầu tỷ lệ chôn lấp rác ở đô thị giảm còn 30% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới như đốt rác phát điện và tái chế phải đạt ít nhất là 80% vào năm 2025. Đến năm 2030, tỷ lệ này phải đạt 100%.