Câu thơ soi mặt người

|

Trong tập thơ mới nhất của mình - “Nghiêng bóng lá”, NXB Hội Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thanh Kim thả lòng với những dịu nhẹ hoài niệm, những ân tình gia đình, bạn hữu trìu mến, những giao cảm không gian thiên nhiên và thôn dã bình dị.

Ở tuổi đã dành cho bản thân sự nghỉ ngơi từ lâu, thi nhân không hăm hở và liều lĩnh đuổi theo những gì quá mới mẻ, xa xôi so với cái tạng thong thả, chậm rãi cả về chất thơ lẫn tác phong con người mình. Ông tiếp nối mạch chảy thân thuộc của hồn vía quê hương, bờ quê, đất bãi, của mối quan tâm thân thiết với cây cỏ, đồ vật đời sống quanh mình. Và chính từ những cái dịu nhẹ, cái trìu mến, vẻ bình dị nhắc đến trên đây, làm cho nhiều câu thơ lại trở nên “soi bừng lên khuôn sáng mặt người”.

Có những câu thơ, bài thơ ngắn, khúc triết mà linh động. Nó gợi ra liên tưởng khẽ khàng của người viết khi ngắm nghía và nghĩ tiếp cho sự chuyển vận của cảnh vật, đồ vật. Như bài “Sắc xuân” này với hai câu trước thật “dễ chịu”: “Sắc xuân chởm nụ từ cữ Chạp/se rét hoa lên phía cuối bình/mắt chạm tầng thấp hoa rộ khắp/vươn nhành lộc nõn rộn nắng hanh…”. Hoặc như bài “Gốm”, mấy câu thơ nhỏ gọn cho ta cảm được ánh mắt chi chút của nhà thơ dõi theo những cử chỉ của người thợ gốm cùng những suy nghĩ phóng khoáng, chút bâng khuâng cuộc đời bay lên từ đó: “Đất chi nặn bởi tay người/chạm hoa văn quyện ánh ngời lửa nung/sắc vô biên, nét tận cùng/từ đâu men gốm chợt rung. Cũng là…”.

Những câu thơ như thế cho ta nhận thêm một tâm hồn Nguyễn Thanh Kim yêu vẻ đẹp, trân quý sự làm đẹp và cũng như cái chất chung trong từ ngữ, cách giãi bày, kể chuyện của nhà thơ vậy, có gì đó hơi lịch sự, hơi thanh nhẹ, thân quen, như bảng lảng hồn vía xứ Kinh Bắc đã ở vào trong con người này qua nhiều tháng năm cuộc đời. Mấy câu thơ trong bài “Trước sông” thật thanh tao: “Nghe lựng mé vườn hương ổi đơm/gió ngần gióng giả sắc cu cườm/em ngước trời in đôi mắt thẳm/sông Cầu dải lụa vắt mùa ươm…”. Và một bài nữa - “Bến vắng hoa xoan”, tưởng như không, tưởng vu vơ, mà thiết tha, mà có gì đó chưa yên: “Lại qua bến vắng rặng xoan tím/giăng tím sương giăng, tím la đà/dặm xuân ngược ấy hoang hoải nắng/em nhắc thầm hoa. Ta nhắc ta…”.

Và ta có thể hiểu ra một Nguyễn Thanh Kim rõ mình hơn cả, sắc nét hơn cả trong những cách diễn đạt hòa trộn, kết nối được ngoại cảnh với trạng thái, cảm xúc, với một hai nét nghĩ chợt thoáng. Nhưng nó không phải điều gì chợt đến, vụt hiện, mà như nắng đọng, như mưa thấm sau bao tháng năm đắm đuối, trải nghiệm với không gian thiên nhiên, văn hóa quê hương và những nẻo đường tươi thắm ân tình. Để rồi bởi yêu thương, gắn bó, nhà thơ cứ thong thả bâng khuâng trong một trạng thái thơ mà nhớ, mà nghĩ, mà vần điệu, mà đi đó đi đây, mà trầm ngâm bút giấy đêm ngày.