Qua món ăn này, chúng ta còn có thể biết do đâu tấm lòng người Tây Nguyên lại hạo nhiên đến thế: hào sảng như nắng, phóng túng như gió, mặn mòi như muối và thật thà như chính cái vị đắng nhẫn của cà. Ấy là vì người Tây Nguyên đã chọn vị đắng của cà, cùng vị cay của ớt, vị mặn của muối để tạo ra một món ăn phù hợp điều kiện sống tối thiểu. Sự kết hợp giữa ba vị - cay, đắng và mặn - không chỉ giúp món ăn trở nên đậm vị, kích thích vị giác, còn tăng thêm sức đề kháng cho cơ thể, giúp cơ thể săn chắc, dẻo dai để chống lại cái khí lạnh miền rừng.
Trước kia, người Tây Nguyên thường chế biến món cà đắng giã muối hạt ở nhà vào lúc sáng sớm rồi mang lên rẫy chuẩn bị cho bữa cơm chiều tại rẫy, hoặc tích trữ sẵn cho những ngày đi đường rừng xa. Người ta chọn những trái cà non, rửa sơ với nước cho sạch. Ớt cũng vậy, phải là những trái ớt còn xanh, chưa tới kỳ chín đỏ. Cà đắng sau khi ráo nước thì đặt lên thớt và dùng dao to bản đập dập từng trái. Ớt xanh và muối giã riêng trong một cái bát ăn cơm. Ngó chừng ớt đã nhuyễn nát trong muối thì mang trộn với cà đắng, rồi cho thêm một ít mì chính, tiếp tục dùng chày giã nhẹ tay để hỗn hợp muối, ớt, cà và mì chính lẫn vào nhau. Món ăn hoàn chỉnh khi ớt, cà, muối và mì chính tạo thành một hợp thể, nhuyễn quyện các vị đắng, cay, ngọt, mặn... Để tăng độ ngon cho món cà đắng giã muối hạt, người ta còn vắt thêm ít nước cốt của trái chanh rừng chín.
Cà đắng còn được người Tây Nguyên dùng để chế biến các món ăn độc đáo khác như: cà đắng om ếch, cà đắng om lươn, cà đắng kho cá khô, cà đắng nấu da trâu, cà đắng nấu thịt nhím, cà đắng nấu tôm... Mới đầu, thực khách không phải người bản địa Tây Nguyên có thể khó chịu, nhưng ăn quen rồi thì khó mà cưỡng lại hương vị. Bấy giờ, vị đắng nhẫn của cà, quyện với vị cay nồng của ớt, cùng vị mặn mòi của muối đã trở thành một phần trong ký ức, một dư vị khó phai nhòa. Món cà đắng giã muối hạt sẽ chạm rất sâu vào chân cảm thực khách, y như phong vị nắng gió ở miền cao nguyên này vậy!