Nối mạch cảm xúc từ Điện Biên hào hùng

|

Tự hào và xúc động, vừa công phu vừa mới mẻ trong cách tiếp cận đề tài lịch sử. Đó là những nhận xét chủ đạo của đông đảo người xem khi đến với triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), tổ chức tại Báo Nhân Dân (71 Hàng Trống, Hà Nội) từ ngày 7/5 đến ngày 12/5/2024.

Không chỉ khơi dậy tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc thông qua việc giới thiệu tới công chúng bức tranh toàn cảnh Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôn vinh chiến thắng kỳ vĩ của dân tộc, Ban tổ chức còn vận dụng sáng tạo công nghệ hiện đại để tạo sự bất ngờ hơn cho người xem. Triển lãm đã tích hợp các tính năng tương tác bằng quét mã QR để trải nghiệm nội dung mở rộng, đồng thời lan tỏa rộng rãi hơn bằng chuyên trang đặc biệt với bức tranh panorama bản in. Bạn đọc có thể cắt, ghép thành bức tranh panorama dài 3,21m.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam:

“Giá trị nhân văn, nhân bản làm nên thành công của tác phẩm”

Các nghệ sĩ trẻ đã khai thác nhiều tư liệu để sống lại cùng lịch sử, tạo nên hình tượng người Bộ đội Cụ Hồ ở Điện Biên, thậm chí cả chính những người lính lê dương Pháp. Những chân dung ấy, dù bên này hay bên kia đều rất xúc động bởi chúng ta đã chạm vào hồn cốt con người. Chính giá trị nhân văn, nhân bản ấy cũng làm nên thành công của tác phẩm. Những phần thưởng cao quý nhất dành cho nhóm tác giả thực hiện tác phẩm là sự ghi nhận đóng góp quan trọng cho xu thế đa dạng của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Ở đó, ngôn ngữ nghệ thuật cổ điển, hàn lâm vẫn được đặt trọng trách thể hiện tác phẩm có giá trị sử thi, tương xứng với khúc tráng ca vĩ đại nhất của thời kỳ kháng chiến chống Pháp trong lịch sử dân tộc.

Anh Vincent Porcel (41 tuổi), kỹ sư người Pháp tham quan triển lãm:

“Hiểu vì sao các bạn giành chiến thắng”

Bức tranh thật sự thú vị và đây là cơ hội tuyệt vời để vợ chồng tôi có thể dạy cho các con mình về lịch sử cuộc chiến. Một sự trùng hợp là cả ông ngoại và ông nội của tôi đều từng là lính lê dương tham chiến ở Việt Nam. Bởi vậy, tôi muốn các con mình hiểu thế nào là sự khốc liệt của chiến tranh, hiểu về cuộc chiến giành độc lập của Việt Nam và vì sao các bạn giành chiến thắng, như việc vận chuyển pháo qua núi, hay sử dụng xe đạp thồ để tải hàng... Hiểu được thêm những điều này trong quá khứ đau thương là để thế hệ con cháu chúng ta sau này không mắc những sai lầm tương tự như thế. Một điều quan trọng hơn nữa là khi hai bên đều đã hiểu được cái giá phải trả cho chiến tranh đắt ra sao, thì giá trị của hòa bình và hữu nghị giữa hai dân tộc hiện nay càng đáng trân trọng thế nào.

Anh Huy (32 tuổi), người dân sống tại Hà Nội:

“Biết ơn khi được sống trong hòa bình”

Ông ngoại tôi là Bộ đội Cụ Hồ thuộc Đại đoàn 304 cũng đánh trận Điện Biên Phủ. Tôi không nắm rõ ông thuộc Trung đoàn 9 Đại đoàn 304 hay Trung đoàn 57 Đại đoàn 304 nữa, vì nhiệm vụ của mỗi trung đoàn đánh ở mỗi cụm cứ điểm khác nhau. Theo tự tìm hiểu thì tôi được biết, Trung đoàn 9 Đại đoàn 304 sẽ đánh ở vùng trung tâm khu chỉ huy cứ điểm C1, C2, A1, A2, A3. Đây có thể nói khu vực này giao tranh ác liệt nhất. Còn Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 sẽ đánh ở cụm cứ điểm Hồng Cúm và sân bay Hồng Cúm, ngăn chặn quân địch yểm trợ khu trung tâm Mường Thanh và chặn đánh khi địch tháo chạy sang Lào. Trước đây khi ông còn sống, tôi thường hay được nghe kể những trận chiến lớn nhỏ ông từng tham gia và sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cũng được Đảng và Nhà nước truy tặng nhiều huân chương, bằng khen. Thật sự bức tranh đã lột tả rõ nét sự tàn khốc và ác liệt của chiến tranh, người hy sinh vô số kể, đói rét bệnh tật cũng khiến các chiến sĩ thương vong rất nhiều. Cũng chính vì thế, con cháu thế hệ sau này của đất nước cần luôn tưởng nhớ công ơn của ông cha ta, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh thân mình để bảo vệ đất nước. Bản thân tôi tự cảm thấy thật biết ơn khi được sống trong thời kỳ hòa bình khi đất nước phát triển, cuộc sống đủ đầy.

Chị Phan Thị Ngoan (47 tuổi), giáo viên dạy lịch sử tại Hà Nội:

“Cần phổ biến rộng rãi hơn”

Thật sự tác phẩm đem lại cho tôi quá nhiều cảm xúc, nhưng tôi đặc biệt ấn tượng khi có thể thấy hình ảnh chuyển động thông qua việc quét mã QR trên bức tranh tại triển lãm. Thiết nghĩ sau khi triển lãm này kết thúc, nếu bức tranh panorama bản in trên chuyên trang đặc biệt của Báo Nhân Dân có thể phổ biến rộng rãi hơn tới các trường học trên cả nước, các giáo viên dạy lịch sử như tôi có thể sử dụng tư liệu này trong tiết học, với hình ảnh trực quan, sinh động, chắc chắn sẽ dễ hiểu và đem lại nhiều ấn tượng, khơi dậy tình yêu nước và niềm tự hào, giúp các em học sinh thêm yêu sử Việt.