Trên hành trình đến với nét vẽ yêu thương
Mới đây, triển lãm Chèo méo do doanh nghiệp xã hội Tòhe tổ chức tại 29 Hàng Bài, Hà Nội, được quan tâm như một nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của các em nhỏ tự kỷ. Mỗi bức tranh ở đây tái hiện cuộc sống, thói quen, cá tính... của các em và cho thấy: Nghệ thuật tạo cơ hội để trẻ tự kỷ khám phá thế giới bên ngoài, bộc lộ tiềm năng và động lực sáng tạo.
Từ gam mầu tươi sáng cùng nét vẽ dứt khoát, tròn trịa của bạn Văn Minh Đức hay hình ảnh chú bộ đội, nhân vật hoạt hình, các con vật ngộ nghĩnh của Mai Khanh, hoặc nét vẽ tỉ mỉ của Phạm Đức Việt…, những bức tranh dễ thương tràn đầy mầu sắc rực rỡ là thành quả sau thời gian cố gắng của các em.
Tại lớp Tòhe, trẻ tự kỷ có môi trường giúp cải thiện các giác quan, hành vi, tương tác... Chị Nguyễn Thị Mộng Thu - Quản lý mảng xã hội của Tòhe cho hay: “Đồng hành với giáo viên, các em đều có sự tiến bộ, đặc biệt cải thiện về mặt hành vi hoặc thói quen. Có những bạn thời gian đầu khi đến lớp sẽ đeo kính, khẩu trang, đội mũ trong suốt quá trình học và nhất quyết không tháo ra. Sau thời gian học tại lớp Tòhe, các bạn cảm thấy an toàn và từ từ mở hết những lớp bảo hộ của mình”.
Nguyễn Tiến Hoàng tham gia lớp học ở Tòhe từ năm 2021, là một cậu bé ngoan và lễ phép. Hoàng thích chụp ảnh lớp học và đăng lên trang Facebook cá nhân. Khi vẽ, Hoàng bắt dáng và tỷ lệ cực kỳ chuẩn. Mỗi lần cầm bút lên, những nét chì tuôn ra liền mạch, gọn gàng. Hoàng tô mầu nước rất êm. Ở lớp cùng với sự đồng hành của cô giáo, Hoàng ngày càng thành thạo với mầu nước. Giờ đây, em có thể tự chọn mầu, tự đi nét, tự quyết định lúc nào dùng nét to, nét mảnh. Ở tuổi 16, Hoàng vui vẻ khi đi học, quan tâm tới những câu chuyện về bạn học và cũng bước đầu tự làm nhiều thứ, như tự đi chợ hay tự làm chủ mầu nước trong những buổi học ở Tòhe. “Học vẽ giúp Hoàng tập trung hơn, khả năng quan sát tốt hơn và việc tư duy về hình ảnh ngày càng đi lên”, chị Doãn Ngân, mẹ của Hoàng chia sẻ.
Tại lớp Tòhe, ngoài việc tăng khả năng tư duy nghệ thuật qua những nét vẽ, thì khả năng kết nối, tương tác của trẻ tự kỷ có nhiều sự biến chuyển. Trong quá trình học, các em có những cách giao tiếp đặc biệt để nói chuyện với nhau, thân thiết hơn như những người không tự kỷ.
Triển lãm Chèo méo. |
Sáng tạo ngôn ngữ cá nhân, bộc lộ cảm xúc
Có thể nói nghệ thuật trở thành phương tiện kỳ diệu đối với trẻ tự kỷ, mở ra một thế giới mới nơi các em có thể giao tiếp, thể hiện cảm xúc. Đối với nhiều trẻ tự kỷ, việc diễn đạt cảm xúc và suy nghĩ qua lời nói là một thách thức lớn. Đằng sau nét vẽ, gam mầu đều chứa đựng những câu chuyện và cảm xúc riêng của từng bạn. Chị Nguyễn Thị Mộng Thu nhận xét: “Từng bức tranh thể hiện đặc điểm riêng về con người và cá tính của mỗi bạn. Sản phẩm của các bạn ẩn chứa câu chuyện về phong cách sáng tạo ngôn ngữ cá nhân. Chỉ cần nhìn qua nét vẽ, cách phối mầu hay cách các bạn chọn chủ đề, chúng tôi sẽ hiểu được bạn ấy đang nghĩ gì, muốn bộc lộ cảm xúc gì”.
Qua tác phẩm “Phù Phù” của bạn Phạm Đức Việt, sự tỉ mỉ, gọn gàng là điều thấy ngay ở bạn. Hai vết gạch chéo mầu đen trong bức tranh khơi gợi sự tò mò và ngạc nhiên. Những bông hoa được tiếp tục vẽ sau nét gạch chéo đen. Từ một chàng trai mang trong mình nỗi sợ khi một lần vẽ sai là một lần gạch chéo, đến với Tòhe, Việt được động viên sửa vết gạch chéo đen, tiếp tục sáng tạo, hoàn thành sản phẩm của mình thật tỉ mỉ như cách em ngồi chăm chú quan sát trước khi đặt bút vẽ. Thay vì cảm thấy không được hài lòng, giờ đây Việt đã tự tin, không chối bỏ lỗi sai, chấp nhận như cách em phát ra âm thanh “phù phù” mỗi khi vô tình bị ai đó va trúng.
Với Khánh Huyền, em thể hiện mong muốn được ôm ghì chặt, tìm kiếm cảm giác an toàn. Tại lớp học vẽ, Huyền vẽ những cái ôm, từ hình vẽ đó cô giáo Mai Chi (người đồng hành cùng Khánh Huyền 7 tháng tại lớp) đã sáng tạo tác phẩm “Ná” với những chiếc gối 3D hình cái ôm. Đây là tác phẩm tạo sự tương tác. Mọi người được thoải mái nằm, ôm chiếc gối để cảm nhận cảm xúc của Khánh Huyền mỗi khi kiếm tìm chiếc ôm.
Mở cánh cửa vùng đất sáng tạo không giới hạn cho trẻ tự kỷ
Văn Minh Đức - 30 tuổi đã đồng hành cùng với Tòhe 10 năm. Nét vẽ của Đức ngây ngô giống trẻ con 5-6 tuổi. Thời gian đầu, đặc trưng ở Đức là khả năng vẽ mầu và di mầu rất ấn tượng. Cách Đức phối màu đã thể hiện sự sáng tạo. Tuy nhiên, Đức chỉ vẽ mầu sáp dầu trên khổ giấy A4. Theo thời gian, chàng trai này được khuyến khích trải nghiệm vẽ tranh bằng nhiều chất liệu khác như mầu nước. Đức không còn bó mình trong khổ giấy A4, A3, A0, hiện tại chàng trai này có thể vẽ trên gỗ, vẽ trên vải... Tại triển lãm Chèo méo, bức tranh hình con gà sinh động với bộ lông, đôi cánh sắc mầu hài hòa là thành quả sau quá trình cô giáo lớp đào tạo chuyên sâu luyện tập cho Đức khả năng quan sát, tự do sáng tạo.
Nhận thấy mỗi bạn đều có một cá tính riêng trong bức tranh, các đơn vị đồng hành cùng trẻ tự kỷ luôn chú trọng việc gợi ý cho các bạn hướng đi để các bạn sáng tạo trong cách vẽ của mình. 6 năm gắn bó với chương trình đào tạo nghệ thuật chuyên sâu tại Tòhe, cậu bé Lee Nguyễn SeaHea được tham gia các triển lãm nghệ thuật như “Không Thời Gian”, “Thế giới song song”, “Nhiều hơn một ánh nhìn”... Các tác phẩm của SeaHea thường có mầu sắc tươi sáng và mang lại cho người xem cảm giác thích thú, tò mò mạnh mẽ. Một số còn được ứng dụng lên sản phẩm Roche Việt Nam, Air Asia, Starbucks Việt Nam... Trong những bức tranh, SeaHea luôn thể hiện sở thích ưa khám phá, tò mò với mọi thứ. Đó là một vũ trụ với những đoàn quái vật ngồi thuyền du lịch chợ nổi Cái Răng, thế giới ký tự sinh động biểu cảm, ban nhạc với những thành viên là chính những nhạc cụ... Trong vũ trụ ấy, hầu hết nhân vật đều tươi sáng, vui vẻ.
Khi nhìn vào bức tranh của SeaHea tại triển lãm Chèo méo, chị Nguyễn Thị Lan Phương, khách tham dự chia sẻ: “Tôi khá ấn tượng với bức tranh của bạn SeaHea, bức tranh của bạn có trí tưởng tượng rất phong phú. Bạn vẽ theo một cách trừu tượng, hình ảnh sống động và màu sắc bắt mắt. Tôi nhận thấy SeaHea có năng khiếu nghệ thuật cao, tương lai sẽ trở thành họa sĩ chuyên nghiệp”.
Không dừng lại ở lớp đào tạo nghệ thuật chuyên sâu, việc trẻ được tham gia các buổi dã ngoại, tham quan bảo tàng... còn tạo nên cảm hứng, đề tài vẽ tranh. Điển hình, “Vui tour 2023” được coi là chuỗi các giờ chơi sáng tạo với nghệ thuật dành cho trẻ đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua các hoạt động trải nghiệm, trẻ tự kỷ tự tin sáng tạo, phát triển bản thân. Góc nhìn của xã hội dần thay đổi đối với khả năng tư duy của trẻ tự kỷ. Quan sát các sản phẩm nghệ thuật của các em, bạn Phạm Tuấn Minh (sinh viên Trường đại học Bách khoa) đã thay đổi suy nghĩ của mình về trẻ tự kỷ: “Tôi nghĩ trẻ tự kỷ khó nhận thức về mọi thứ. Tuy nhiên khi nhìn những tác phẩm này, tôi nhận ra trẻ tự kỷ có góc nhìn thú vị, có tài năng sáng tạo nghệ thuật”.
Hành trình tìm kiếm và kết nối đến với các Trung tâm chăm sóc trẻ đặc biệt tiếp tục diễn ra trong tương lai. Trẻ tiếp xúc với nghệ thuật, khám phá thế giới chung quanh, được tôn trọng sự khác biệt trong sản phẩm của mình. Việc lắng nghe câu chuyện và cảm xúc của các em trở thành cánh cửa mở ra vùng đất sáng tạo, phát triển bản thân.
Ngoài tài năng sáng tạo nghệ thuật, các nghệ sĩ tự kỷ còn có những “đặc tài” khác. Bạn Nguyễn Tiến Hoàng, ngoài vẽ tranh, em còn rất thích micro và làm MC. Hoàng từng làm MC cho chương trình “Tùng Rinh Tour” của Tòhe. Không những thế, Hoàng rất thích hát, trong những bức tranh Hoàng vẽ hình ảnh nghệ sĩ đang biểu diễn trên sân khấu. Theo cô Doãn Ngân, mẹ của em: “Hoàng từng hát trước một nghìn người ở trường. Học đàn trong 10 ngày thôi nhưng bạn có thể đánh được 6 bản nhạc”.