Điều chỉnh cục bộ quy hoạch không được làm thay đổi định hướng phát triển chung

|

Tại Quyết định 20/2023/QĐ-TTg ngày 10-8-2023, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép TPHCM được thí điểm phân cấp và trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (gọi tắt là điều chỉnh cục bộ quy hoạch) trên địa bàn TPHCM.

Đây là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Để làm rõ hơn việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch của TPHCM trong thời gian tới, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Trương Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM.

Ông Trương Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM

Đáp ứng các yêu cầu mang tính cấp bách của TPHCM

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, Quyết định 20 cho phép TPHCM được thí điểm phân cấp điều chỉnh cục bộ quy hoạch, như vậy có khác biệt gì so với các quy định pháp luật mà TPHCM đang áp dụng?

Ông TRƯƠNG TRUNG KIÊN: Theo Luật Quy hoạch đô thị, thẩm quyền phê duyệt đối với điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung TPHCM thuộc Thủ tướng Chính phủ; còn theo Quyết định 20 thì thẩm quyền này đã được phân cấp cho TPHCM. Đi theo đó, Sở QH-KT TPHCM sẽ là cơ quan thẩm định điều chỉnh cục bộ, thay vì Bộ Xây dựng như quy định hiện hành. Việc phân cấp này sẽ giúp TPHCM chủ động hơn trong công tác xem xét, điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung TPHCM để đáp ứng các yêu cầu mang tính cấp bách, kịp thời phục vụ cho mục tiêu phát triển của thành phố. Tuy nhiên, các nội dung điều chỉnh phải đảm bảo không làm thay đổi tính chất, chức năng, quy mô, ranh giới, định hướng phát triển chung của khu chức năng, của đô thị; tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch xây dựng và các quy chuẩn khác có liên quan và có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trước khi phê duyệt.

Thưa ông, bờ sông Sài Gòn ở khu vực quận Bình Thạnh, quận 2 (cũ) đã có quy hoạch sẵn, tại sao chưa được triển khai?

Quy hoạch được phê duyệt nhằm định hướng phát triển cho đô thị, trong đó có khu vực dọc sông Sài Gòn. Việc thực hiện nhanh hay chậm phụ thuộc vào nguồn lực tài chính. Do vậy, có các khu vực dù đã có quy hoạch đầy đủ nhưng nguồn lực còn hạn chế nên chưa thể triển khai được. Nguồn lực thực hiện gồm nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Đối với nguồn ngân sách, việc thực hiện sẽ căn cứ vào kế hoạch đầu tư công, những dự án cấp bách sẽ được ưu tiên thực hiện trước. Trong khi đó, nguồn vốn xã hội phụ thuộc vào nhu cầu thị trường và khả năng tài chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có đủ nguồn lực và thấy có tiềm năng sinh lời, có khả năng thu hồi vốn thì họ mới tham gia.

Thời gian qua, trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, phía Bình Thạnh và quận 2 (cũ) đã quan tâm đầu tư và dần hình thành được những không gian công cộng quy mô lớn như: công viên tập trung khu Tân Cảng, công viên dưới dạ cầu Sài Gòn, đường dạo ven sông hai bên bờ sông… cùng với các công trình hạ tầng khác đã góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nghỉ ngơi của người dân, đồng thời từng bước hoàn thiện không gian cảnh quan đô thị theo quy hoạch.

Các ý kiến góp ý của người dân đều được ghi nhận

Việc điều chỉnh quy hoạch có ảnh hưởng quyền lợi người dân trong khu quy hoạch không?

Trong phạm vi quy hoạch các dự án hạ tầng công cộng, nếu đã có quy hoạch mà chưa thực hiện thì người dân vẫn được phép sửa chữa, chỉnh trang nhà ở theo hiện trạng, nhưng không được xây dựng mới. Tuy nhiên, để đáp ứng phần nào quyền lợi của người dân trong các khu vực này, TPHCM đã có quy định cho phép người dân được xây dựng có thời hạn với quy mô hạn chế và khi thực hiện dự án theo quy hoạch thì Nhà nước sẽ không hỗ trợ, bồi thường những trường hợp này.

Đối với những dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như mở rộng đường, nâng cấp hạ tầng giao thông, môi trường, khi triển khai thực hiện đều phải căn cứ trên các pháp lý quy hoạch được duyệt. Việc xem xét điều chỉnh quy hoạch phải căn cứ theo các điều kiện điều chỉnh quy hoạch quy định tại Luật Quy hoạch đô thị và phải được thông qua quá trình rà soát, được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Khu vực bờ sông Sài Gòn giữa quận Bình Thạnh (phải) và khu dân cư Bình An (quận 2 cũ). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Quyết định của Thủ tướng cũng quy định lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực dự kiến điều chỉnh và các khu vực xung quanh chịu ảnh hưởng trực tiếp khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Như vậy, nếu người dân không đồng ý thì việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ sẽ tiến hành như thế nào?

Quy trình điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung TPHCM đã được quy định tại Quyết định 20 và các quy định pháp luật có liên quan. Trong đó, có bước lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Các nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch cần được thông tin đầy đủ, công khai đến người dân để người dân đóng góp ý kiến. Các ý kiến cần được tiếp thu, giải trình và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định. Việc lấy ý kiến sẽ ghi nhận quy hoạch như vậy tốt hay chưa tốt, có cần phải thay đổi gì cho hợp lý hơn; ý kiến nào hợp lý thì sẽ được tiếp thu, bổ sung để đồ án quy hoạch tốt hơn. Trường hợp có ý kiến người dân không đồng ý, ý kiến này cũng sẽ được ghi nhận, được giải trình đầy đủ trên cơ sở xem xét các giải pháp thay thế, cân đối giữa lợi ích công cộng, lợi ích cá nhân... để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi phê duyệt.

Theo Sở QH-KT, UBND TPHCM xác định việc điều chỉnh quy hoạch chung phù hợp với định hướng phát triển của toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hướng tới phát triển TPHCM thành trung tâm giao thương quốc tế và quốc gia; trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; là trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.

Phạm vi ranh giới lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TPHCM với diện tích 2.095 km2 và khu vực biển Cần Giờ. Phạm vi nghiên cứu đồ án điều chỉnh quy hoạch chung là toàn bộ ranh giới hành chính TPHCM và 7 tỉnh xung quanh thuộc vùng TPHCM (Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam), gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang với diện tích khoảng 30.404 km2.