Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ công bố huyện Tuy Phước đạt chuẩn nông thôn mới

|

NDO - Sáng 16/2, nhân dịp công tác tại Bình Định, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ công bố huyện Tuy Phước -  huyện đồng bằng lớn ở phía nam tỉnh Bình Định chính thức được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo báo cáo của UBND huyện Tuy Phước, qua gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Tuy Phước đã phát huy sức mạnh toàn hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, sâu sát, quyết liệt, xác định đúng phương pháp, lựa chọn đúng nội dung, khâu đột phá; có trọng tâm với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương; đã phát huy các tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình, đã tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong huyện.

Đến nay, huyện Tuy Phước đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của huyện đạt 9,2%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng giá trị công nghiệp-thương mại dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 45,8 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 2,4 lần so năm 2011).

Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê-tông hóa đạt tỷ lệ 100%, đường trục thôn, liên thôn được nhựa hóa, bê-tông hóa đạt tỷ lệ 99,3%,...

Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 48,67%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,1%, có 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia là 74,1%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 1,92% (giảm 7,92% so năm 2011).

Về phát triển sản xuất tăng thu nhập cho người dân, huyện Tuy Phước đã được UBND tỉnh phê duyệt 4 dự án cánh đồng lớn cho cây lúa, 3 cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống với tổng diện tích canh tác 750ha, hiện có 12/14 hợp tác xã nông nghiệp liên kết sản xuất giống với các công ty, hằng năm liên kết sản xuất giống trên 1.200ha áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến.

Đồng thời, trên địa bàn huyện có Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư đã đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất giống gia cầm trong và ngoài huyện với quy mô diện tích hơn 150ha, hệ thống ấp trứng theo công nghệ hiện đại châu Âu. Bình quân mỗi năm, Công ty Minh Dư cung cấp ra thị trường khoảng 100 triệu con gà giống thương phẩm 1 ngày tuổi chiếm khoảng 20% thị phần cả nước. Đây là điều kiện thúc đẩy chăn nuôi trên địa bàn huyện, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Giai đoạn 2011-2020, tổng nguồn vốn huy động cho chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là hơn 5.252 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp gần 60 tỷ đồng. Đến tháng 10/2020, toàn huyện có 11/11 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Tuy Phước đã thực hiện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Trong đó, nổi bật là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phước Hưng đã có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2009-2019, nên đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Với những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tuy Phước đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tuy Phước đạt chuẩn nông thôn mới tại Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 18/01/2022. Đây là sự ghi nhận, động viên to lớn của Đảng, Nhà nước về những nỗ lực phấn đấu, phát triển toàn diện của huyện Tuy Phước trong phong trào xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011-2020.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước biểu dương những thành tích của Đảng bộ chính quyền và nhân dân huyện Tuy Phước trong các năm qua, đề nghị huyện Tuy Phước nỗ lực, đột phá hơn nữa để phát triển liên tục.

Chủ tịch nước cũng đề nghị huyện Tuy Phước cần xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là quá trình thường xuyên và liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững. Việc củng cố và nâng cao chất lượng, tiêu chí phát triển nông thôn mới phải gắn với phát triển kinh tế-xã hội bảo đảm môi trường và nhu cầu của người dân, lấy người dân là chủ thể.

Theo đó, để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kết hợp với hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, huyện Tuy Phước cần tăng cường tuyên truyền giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, của huyện về xây dựng nông thôn mới để nhân dân chủ động tham gia, để từ đó xuất hiện nhiều phong trào, mô hình hay, cách làm tốt ở các xã để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình.

Cùng với đó, để giữ vững tiêu chí đã đạt được, phấn đấu đạt những thành quả cao hơn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tuy Phước cần chú trọng phát huy sức mạnh sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới bền vững, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh";

Tiếp tục đề cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, năng lực chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí; đồng thời triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện. Chú trọng phát triển sản xuất, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn phát triển dịch vụ, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và bảo vệ môi trường.

Chủ tịch nước lưu ý, thiên nhiên đã ưu đãi cho Bình Định đầm Thị Nại rộng hơn 5.000ha, trong đó, hơn một nửa diện tích của đầm nằm trong huyện Tuy Phước, do đó phải xem đây là “lá phổi” cho thành phố Quy Nhơn. Tuy Phước và vùng phụ cận cần ra sức đầu tư bảo vệ và tôn tạo hệ sinh thái tự nhiên cho đầm Thị Nại; đẩy mạnh hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên sản phẩm nhằm mục tiêu tăng thu nhập của người dân.