Chỉnh đốn căn cơ lập lại trật tự vận tải: Loay hoay “bắt cóc bỏ dĩa”

|

Nhiều năm nay, nếu tính “đúng, đủ” có lẽ ngành chức năng ở TPHCM cũng như ở nhiều tỉnh, thành khác và Bộ GTVT đã ra quân xử lý bến cóc, xe dù đến… hàng trăm lần. Sau ra quân, “bến cóc, xe dù” đâu lại về đấy.

Xe giường nằm Thành Bưởi đón khách trước cổng Trường THPT Lê Hồng Phong (quận 5) lúc 14 giờ ngày 21-11. Ảnh: THANH HẢI

LTS: Xe dù, bến cóc không còn là hiện tượng cá biệt chỉ có ở một vài tỉnh, thành mà từ nhiều năm nay đã xuất hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, thách thức nỗ lực xử lý của các ban ngành chức năng. Điều này chứng tỏ hoạt động quản lý, điều hành vận tải có nhiều nội dung chưa phù hợp, chưa đúng với thực tế. Muốn lập lại trật tự vận tải, không có giải pháp nào khác, phải cải cách phương thức quản lý hiện nay.

Dẹp chỗ này, mọc chỗ khác

Ghi nhận mới nhất của phóng viên Báo SGGP cho thấy, hơn 13 giờ 30 ngày 21-11, chiếc xe giường nằm mang thương hiệu Hà Phương đậu trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM) để rước khách du lịch, mặc dù có biển quy định ô tô không đậu xe hơn 5 phút và chỉ dành cho xe dưới 30 chỗ. Theo quan sát, xe giường nằm này đậu hơn 15 phút mà chưa di chuyển. Điều đáng nói hơn, xe giường nằm có hơn 30 chỗ. Cùng ngày, khoảng 14 giờ, trước cổng Trường THPT Lê Hồng Phong (quận 5, TPHCM) có 3 xe giường nằm mang thương hiệu Thành Bưởi vừa đón khách, vừa trả khách. Những hành khách lên xuống tấp nập. Không xa đó, xe giường nằm hiệu Cao Lâm đậu trước số nhà 269 Hùng Vương (quận 5) đang nổ máy, bật đèn xe ưu tiên. Khi có khách đến, tài xế mở cửa cho khách lên rồi đóng lại.

Không chỉ xe giường nằm, nhiều xe du lịch của các hãng khác như Duy Q. đón, trả khách trước văn phòng 116 Hùng Vương; xe Hùng H. hoạt động tại 175 An Dương Vương; xe Kim Mạnh H. hoạt động tại 34C Nguyễn Duy Dương (quận 5); xe Võ Cúc Ph. đón khách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai trước Bệnh viện Từ Dũ (quận 1)…

Thực tế trên phản ánh hoạt động xe dù rất bát nháo mặc cho các cơ quan chức năng liên tục ra quân kiểm tra, xử lý. Từ năm 2016, khi dư luận bức xúc vì các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thái Bình, Đề Thám, Phó Đức Chính, Lê Lai (quận 1) tấp nập “xe dù, bến cóc” hoạt động, Sở GTVT TPHCM đã đặt biển cấm dừng, cấm đậu xe trên những tuyến đường này. Riêng đường Phạm Ngũ Lão cho phép dừng nhưng chỉ 5 phút. Đồng thời bố trí trong Công viên 23/9 gần đó một phần diện tích cho xe hợp đồng, xe du lịch đón trả khách. Nhưng hiện nay, theo nhiều người dân trong khu vực, trên các tuyến đường này, “xe dù, bến cóc” vẫn chưa giảm, còn Công viên 23-9 đã trở thành… “bến cóc” cho nhiều xe dù chạy tuyến cố định nhưng trá hình làm xe du lịch hoặc xe hợp đồng vào đón, trả khách.

Mới đây nhất, gần 300 chuyến xe khách liên tỉnh “mất tích” khi di dời ra Bến xe miền Đông mới, Sở GTVT TPHCM kiểm tra và công bố có 76 điểm đón, trả khách sai quy định trên địa bàn thành phố và nhiều điểm trong số này có các xe “mất tích” thì các quận, huyện và thanh tra giao thông lại “ra quân”… xử lý. Tuy nhiên, các nhà xe lại “nhanh hơn” chuyển điểm đón, trả khách ra vị trí khác để tránh việc kiểm tra của cơ quan chức năng.

Tại Hà Nội, tình hình cũng “loạn” không kém khi Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, hiện 3 bến xe lớn của Hà Nội do đơn vị này quản lý đều đang hoạt động chỉ đạt 30%-40% công suất. Cụ thể, bến xe Giáp Bát công suất 1.517 chuyến/ngày, các đơn vị đăng ký khai thác 1.116 chuyến/ngày nhưng thực tế khai thác chỉ đạt 660 chuyến/ngày (43,5%). Bến xe Gia Lâm công suất 1.260 chuyến xe/ngày, các đơn vị đăng ký 867 chuyến/ngày và thực tế khai thác chỉ đạt 380 chuyến/ngày (30%). Bến xe Mỹ Đình công suất 1.820 chuyến xe/ngày, các đơn vị đăng ký khai thác 1.182 chuyến/ngày và thực tế khai thác chỉ đạt 650 chuyến/ngày (35,7%).

Xe giường nằm mang thương hiệu Hà Phương dừng đón khách du lịch trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM) lúc 13 giờ 30 ngày 21-11, mặc dù có biển quy định ô tô không đậu xe hơn 5 phút và chỉ dành cho xe dưới 30 chỗ. Ảnh: THANH HẢI
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng này là “xe dù, bến cóc” hoạt động ngày càng nhiều trên địa bàn Hà Nội. Nhiều tuyến đường gần bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát... đã mọc lên những điểm đón trả khách của các nhà xe gắn phù hiệu xe du lịch, xe hợp đồng nhưng thực tế là để chờ đón khách lẻ liên tỉnh.

Nhà nước thất thu

Giống như tại TPHCM và Hà Nội, tại tỉnh Đắk Lắk, cụ thể trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, tình trạng “xe dù, bến cóc” diễn ra tràn lan. Các xe này không vào bến, hoạt động không theo tuyến cố định, hàng ngày len lỏi vào các tuyến phố của TP Buôn Ma Thuột vô tư đón trả khách gây mất trật tự an toàn giao thông. Chỉ cần dạo quanh các tuyến đường trung tâm của TP Buôn Ma Thuột như Mai Hắc Đế, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Cừ... có thể dễ dàng nhận thấy các loại xe dù ngang nhiên dừng đón, trả khách, bốc xếp hàng hóa ngay bên lề đường. Hoạt động này thường gặp nhất là ở các điểm dừng xe buýt, cây xăng, trước cổng siêu thị, bệnh viện...

Thành phố ngàn hoa Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cũng nhan nhản “xe dù, bến cóc”. Những xe này chủ yếu sử dụng loại xe giường nằm từ 21-40 giường được quảng cáo là “cung điện di động” đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách đi. Thay vì phải đăng ký hoạt động trong bến xe liên tỉnh, những nhà xe này sử dụng nhà ở, quán cà phê làm địa điểm văn phòng để vừa giao dịch vừa đón trả khách. Cá biệt, nhà xe nào không có đủ không gian thì sẵn sàng sử dụng một số khu vực lòng đường thông thoáng để làm nơi tập kết đón khách.

Ghi nhận tại nhà xe An Anh (4C đường Yersin, phường 10, TP Đà Lạt), hình thức là xe hợp đồng nhưng lại khai thác chạy ổn định tuyến giữa Đà Lạt - Ninh Thuận - TPHCM. Trước giờ xuất bến khoảng 1 giờ thì xe được điều tới khu vực lòng đường phía trước văn phòng nhà xe để nhận khách. Bằng cách làm tương tự, hàng loạt nhà xe tại Đà Lạt sử dụng lòng đường, bãi đất trống hoặc thậm chí bãi giữ xe để làm nơi đón trả khách như bến xe thông thường.

Ghi nhận thực tế tại TP Vũng Tàu cho thấy, việc mập mờ giữa xe hợp đồng, xe chạy tuyến cố định khiến trật tự an toàn giao thông không được đảm bảo do các xe có thể tấp vào bất cứ đâu để đón, trả khách.

Tình trạng “xe dù, bến cóc” bùng phát đã khiến các doanh nghiệp xe khách tuyến cố định rơi vào tình cảnh bi đát vì không có khách để hoạt động. Nhiều đơn vị chỉ khai thác, hoạt động cầm chừng, với khoảng 1/3 số lượng xe hoạt động, còn lại 2/3 lượng xe còn lại phải nghỉ. Ngân sách Nhà nước không những thất thu do xe không vào bến đưa, đón khách mà còn phải tốn thêm một khoản không nhỏ chi cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Ảnh: THANH HẢI - Đồ họa: NGỌC TRÂM

TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức:


Kiểm soát xe bằng công nghệ

Để thu hút người dân ra bến xe, cần có hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ… Đơn cử, bến xe có thể đưa vào xe trung chuyển đến các điểm cố định của từng khu vực trong nội thành để đón khách ra bến. Tuy nhiên, có một thực tế, người đi về từ các tỉnh thường mang nhiều hành lý. Nếu đi về nhà bằng xe buýt, người dân rất khó tìm vị trí để đồ vì nhiều xe buýt chưa có nơi để hành lý thuận tiện. Đã vậy, nhiều vỉa hè vẫn còn lổm nhổm, rất bất tiện để người dân kéo hành lý. Không phải ngẫu nhiên, TPHCM tổ chức nhiều tuyến xe buýt phục vụ hành khách đi và đến Bến xe miền Đông mới nhưng vẫn chưa thu hút được hành khách. Còn nếu sử dụng taxi để đi ra bến xe thì chi phí cao gấp 3-4 lần vé xe đi về tỉnh… Do vậy, bên cạnh việc tổ chức các chuyến xe trung chuyển, các địa phương cũng phải quan tâm đến việc hoàn thiện một số yêu cầu khác liên quan như duy tu, bảo dưỡng vỉa hè thường xuyên; xe trung chuyển nên tính đến chỗ để đồ cho hành khách…

Xe hợp đồng, xe du lịch muốn đi vào trung tâm cần có lộ trình gắn với các địa điểm du lịch như nhà hàng, khách sạn, các điểm tham quan… Do đó, TPHCM nên rà soát việc đăng ký địa điểm dừng đậu của các loại xe này. Cùng với đó, cần tăng cường chế tài thật nghiêm khắc đối với xe vi phạm. Hiện nay, qua hệ thống định vị, các cơ quan chức năng đều có thể nắm được xe đi như thế nào… nếu xe luôn xuất phát cùng một khung giờ, một điểm đi và đến mà không phải là bến xe, chứng tỏ đây là xe dù. Xe hợp đồng hoạt động không có khung giờ cố định, địa điểm đón và đi cũng không cố định… Có bằng chứng rõ ràng như vậy, việc xử phạt nghiêm là không khó.


Chuyên gia giao thông Phạm Xuân Mai:


Doanh nghiệp vận tải phải liên kết với bến xe

Bến xe nằm bên ngoài thành phố là điều đúng đắn. Để thu hút người dân ra bến xe, các doanh nghiệp vận tải phải liên kết với bến xe để đưa đón hành khách lên bến xe. Tốt nhất, nên trung chuyển miễn phí cho người dân. Sở GTVT TPHCM đang xem xét cấm xe trên 30 chỗ vào trung tâm… theo tôi, như thế sẽ ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Lập lại trật tự vận tải là việc phải làm nhưng không vì thế mà để ảnh hưởng tới ngành nghề kinh doanh khác. Nếu các trường, công ty tổ chức đi tour, hợp đồng mà tất cả hành khách phải đi ra cửa ngõ để lên xe khách là điều không hợp lý.


Chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn:


Xử phạt đủ tính răn đe

Ở các nước, xe khách chạy tuyến đường liên tỉnh phải đưa đón khách ở các bến ngoại thành và phải dùng xe trung chuyển khách vào trung tâm. Đối với xe du lịch, hợp đồng cũng phải có các điểm cố định được phép dừng, đậu, đón khách. Khách du lịch lẻ (1-5 người) thì phải đến trụ sở công ty du lịch để lên xe trung chuyển đưa ra ngoài bến xe. Các nước phát triển cũng luôn có xe buýt đón khách du lịch tận khách sạn, điểm tham quan để đưa khách ra sân bay, bến xe. Sở GTVT TPHCM nên tham khảo cách làm này và nên làm việc với các công ty du lịch để cùng nhau tìm ra các giải quyết tốt nhất. Trong trường hợp phát hiện ra xe khách liên tỉnh hoạt động trá hình là xe du lịch hoặc xe hợp đồng thì cơ quan chức năng cũng nên xử phạt thật nặng, có tính răn đe mạnh mẽ như nước ngoài.

76 điểm đón, trả khách sai quy định tại TPHCM

Nhiều xe dù “đổi mới” cách hoạt động

Nhiều nhà xe hoạt động trá hình ngay giữa trung tâm Đà Lạt