Đề nghị dừng thu phí trạm BOT quốc lộ 19 Bình Định

|

Ngày 21-10, đại diện Văn phòng Quản lý đường bộ (QLĐB) III.4, Khu QLĐB III xác nhận, đơn vị vừa phối hợp với Ban An toàn Giao thông tỉnh Bình Định, Sở GTVT tỉnh, Phòng CSGT tỉnh tiến hành kiểm tra hiện trường tuyến quốc lộ 19 qua tỉnh Bình Định, đoạn từ Km17+054 – Km50+00 do Công ty TNHH BOT 36.71 (Công ty 36.71) khai thác và quản lý.\r\n

Nhà đầu tư BOT cố tình "chây ì"

Theo Văn phòng QLĐB III.4, qua kiểm tra hiện trường, đoàn kiểm tra liên ngành đã thống nhất kiến nghị Khu QLĐB III báo cáo với Cục Đường bộ Việt Nam xem xét tạm dừng thu phí đối với Trạm BOT do Công ty 36.71 quản lý, khai thác. “Trong ngày hôm nay (21-10) chúng tôi sẽ làm báo cáo trình Khu QLĐB III và Cục Đường bộ để đề xuất việc tạm dừng thu phí trên”, vị đại diện Văn phòng QLĐB III.4 cho biết.

Mặt đường QL19 thuộc Công ty 36.71 khai thác thu phí hư hỏng nặng vào hồi đầu tháng 10-2022

Theo kết quả kiểm tra, nguyên nhân kiến nghị tạm dừng thu phí là do các tồn tại, bất cập, hư hỏng trên đoạn tuyến QL19 do Công ty 36.71 quản lý, khai thác. Trong đó, nhiều hạng mục đã vi phạm quy định tại phụ lục 4, thông tư 45/2021/TT-BGTVT, ngày 31-12-2021 của Bộ GTVT quy định.

Đặc biệt, các vi phạm, tồn tại trên diễn ra trong thời gian dài song chủ đầu tư vẫn để kéo dài, “chây ì” trong khắc phục hoặc khắc phục mang tính tạm thời, đối phó khi có đoàn kiểm tra. Đặc biệt, tuyến đường do đơn vị này quản lý, khai thác thường xuyên bị hư hỏng, xuống cấp mất an toàn giao thông có nguy cơ xảy ra tai nạn, gây bức xúc người dân dư luận xã hội.

Theo biên bản làm việc của đoàn kiểm tra liên ngành, ghi nhận vào ngày 20-11, trên tuyến QL19 do Công ty 36.71 quản lý, khai thác mặt đường nhiều vị trí bị bong tróc từng mảng lớn, phát sinh ổ gà gây mất an toàn giao thông vẫn chưa được sửa chữa triệt để, như: Km20+290, Km20+850, Km21+800, đoạn Km43-Km45, đoạn Km45+100-Km45+500, đoạn Km49+700-Km50+00...

Đường QL19 thuộc Công ty 36.71 khai thác thu phí xuất hiện hầm hố đọng nước gây mất an toàn. Ảnh chụp đầu tháng 10-2022.
Tại các đoạn, như: Km29+200, Km29+400, Km31+100, Km31+200, Km42+300, Km42+400, Km42+700, Km42+900, Km43+200... đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện mặt đường nhiều vị trí hư hỏng dạng rạn nứt mai rùa có nguy cơ bong bật, tạo ổ gà vẫn chưa được khắc phục.

Nhiều vị trí mặt đường xuất hiện ổ gà, lồi lõm đọng nước gây mất an toàn giao thông nhưng chậm khắc phục. Trong đó, nhiều đoạn dù đã được vá sửa nhưng mặt đường vẫn gồ ghề không êm thuận, không đảm bảo mỹ thuật, kĩ thuật…

Vị đại diện Văn phòng QLĐB III.4, cho biết, dù đơn vị này nhiều lần kiểm tra, yêu cầu Công ty 36.71 khắc phục các tồn tại, bất cập trên tuyến QL19 do đơn vị này khai thác. Tuy nhiên, phía công ty này cố ý chây ì, chậm sửa chữa và khắc phục các tồn tại. Đặc biệt, đơn vị này có xu hướng khắc phục kiểu đối phó, qua mắt ngành chức năng dẫn đến các tồn tại kéo dài khiến người dân, lái xe bức xúc…

Tài xế “than trời” vì đường quá xấu, phí cao

Phản ánh đến Báo SGGP, nhiều lái xe, người dân thường xuyên lưu thông trên QL19 tỏ ra bức xúc khi phải lưu thông trên tuyến đường theo hình thức BOT, đóng phí đường rất cao nhưng mặt đường quá xấu. Nhất là vào mùa mưa, đường liên tục xuất hiện ổ gà, sình lún…rất nguy hiểm cho các phương tiện.

Đường quốc lộ 19 đoạn qua huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định nát như "ruộng cày" gây nỗi ám ảnh cho các tài xế, người dân
“Không chỉ tài xế, hành khách cũng kêu trời khi qua tuyến QL19 từ Bình Định – Gia Lai. Trong khi đó, đi qua đoạn này chúng tôi phải trả 34.000 đồng/1 lượt/ xe ô tô 6 chỗ, đối với xe tải thì phí qua trạm BOT khoảng từ 75.000 – 150.000 đồng/xe/lượt. Phí vẫn thu đều đặn nhưng đường  rất xấu, chỗ lồi lõm, ổ gà, sình lún rất khó chấp nhận”, anh V.D.L. (tài xế chuyên chạy tuyến Gia Lai – Bình Định) phản ánh.

Được biết, Công ty TNHH BOT 36.71 hiện đang khai thác dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL19 đoạn qua địa bàn 2 tỉnh Bình Định - Gia Lai, dài hơn 55,7km, vốn hơn 2.000 tỷ đồng. Dự án đã đưa vào khai thác 7 năm (từ năm 2016), tuy nhiên công tác bảo trì, bảo hành đường rất trễ nải, chây ì. Đến nay, dự án đã quá thời hạn trùng tu hơn 2 năm.

Lý giải về chậm trễ trên, ông Nguyễn Đăng Thuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 cho biết, việc khai thác dự án liên tục phải bù lỗ, không đủ trả tiền lãi và nợ gốc cho ngân hàng. Trong khi đó, các nhà thầu xây dựng bỏ bê, không chịu bảo hành dự án.

Trạm BOT của Công ty 36.71 vẫn giữ nguyên giá thu phí đều đặn các phương tiện
Ngoài ra, ông Thuấn cam kết, tới đây sẽ chi 70 tỷ đồng để duy tu toàn bộ dự án, dự kiến chia làm 2 giai đoạn kéo dài từ 2022 – 2023.