Bộ GTVT phối hợp với tỉnh Quảng Nam hoàn thiện đề án xã hội hóa sân bay Chu Lai
|
Ngày 3-10, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cùng đoàn công tác của các bộ, ban, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về khảo sát hiện trạng, nghe phương án quy hoạch và đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không (CHK) Chu Lai.
\r\n
Theo đó, CHK Chu Lai thuộc cấp 4C, khai thác tàu bay A320/321 (tầm trung), công suất 1,2 triệu khách/năm, tổng diện tích hơn 2.000ha là một trong những sân bay có diện tích lớn nhất cả nước (ngoại trừ CHKQT Long Thành đang trong quá trình xây dựng).
Cảng hàng không Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) đang có công suất 1,2 triệu khách/năm. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Theo Quyết định 236 ngày 23-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ, Cảng hàng không Chu Lai định hướng đến năm 2030 là cảng hàng không quốc tế cấp 4F, công suất khoảng 5 triệu hành khách/năm; đầu tư hạ tầng Cảng hàng không quốc tế Chu Lai thành trung tâm vận chuyển hàng hóa quốc tế; tập trung phát triển hệ thống bảo dưỡng tàu bay và thiết bị tàu bay.
Năm 2019, Bộ GTVT lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai giai đoạn đến năm 2030 với công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 30 triệu hành khách/năm. Ngoài ra, quy hoạch cũng đã định hướng hình thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế tại Cảng hàng không Chu Lai, hình thành trung tâm sửa chữa lớn của khu vực, có khả năng phục vụ các hãng hàng không nước ngoài.
Đến ngày 6-5-2022, tại Thông báo số 135/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc nghiên cứu đầu tư, khai thác CHK Chu Lai theo hình thức xã hội hóa. Giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các Bộ có liên quan để xử lý kiến nghị của tỉnh Quảng Nam về Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác CHK Chu Lai, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Ông Lê Trí Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hiện Quảng Nam đang lập quy hoạch tỉnh đến năm 2030, các bộ ngành cũng đang tham gia quy hoạch quốc gia đến 2050. Sân bay Chu Lai là kết cấu hạ tầng đầu mối đặc biệt quan trọng, cần phải đưa vào quy hoạch quốc gia, trên cơ sở đó, Quảng Nam sẽ cập nhật thực hiện đồ án quy hoạch.
“Sân bay Chu Lai là kết cấu hạ tầng đầu mối đặc biệt quan trọng, cần phải đưa vào quy hoạch quốc gia, trên cơ sở đó Quảng Nam cũng sẽ cập nhật thực hiện đồ án quy hoạch. Chính vì thế quy mô, công suất vận tải khách, hàng hóa, các chức năng của sân bay Chu Lai đạt đến cấp nào, có tính cạnh tranh thế nào cũng cần làm rõ”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu vấn đề.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng cần thống nhất về phạm vi, ranh giới cũng như định hướng phát triển, khu vực nào là bàn giao dứt điểm cho dân sự, khu nào quân sự, khu nào quy hoạch chung. Cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ có một cuộc họp để giải quyết trước khi triển khai các vấn đề tiếp theo.
Còn Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay, Bộ GTVT đã phê duyệt quy hoạch chi tiết CHK quốc tế Chu Lai. Tuy nhiên trong phê duyệt đó có đề cập đến vấn đề đầu tư, phải xin ý kiến nhiều bên liên quan. Trong quy hoạch có xác định phần đất xây dựng rõ ràng, phần nào là hàng không dân dụng, đất nào là đất kết cấu hạ tầng, dịch vụ thương mại… và Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để triển khai các bước tiếp theo.
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết thêm, Quyết định 1121 của Thủ tướng Chính phủ đã giao cho UBND tỉnh Quảng Nam lập đề án CHK Chu Lai với vai trò rất quan trọng. Ngoài những nội dung, số liệu Trung ương đã có sẵn nhưng có những nội dung mong muốn địa phương góp ý đầy đủ thông tin hơn để chuyển giao đề án xã hội hóa CHK Chu Lai. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để hoàn thiện báo cáo đề án xã hội hóa CHK Chu Lai.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, một CHK thì có cả kinh doanh dịch vụ, phi dịch vụ, kinh doanh và phi kinh doanh dịch vụ hàng không, có cả quản lý nhà nước. Các bộ ngành và địa phương làm thế nào để mời gọi các nhà đầu tư và có những chính sách phù hợp để triển khai. Từ quy định pháp luật sẽ có những kiến nghị điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Bộ GTVT mong muốn sẽ trình đề án lên Thủ tướng vào cuối tháng 12 năm nay.