Trong những năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tỉnh An Giang đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Bài viết này khái quát thực trạng phát triển kinh tế tỉnh An Giang, đồng thời chỉ ra một số nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế trên địa bàn Tỉnh, từ đó, đề xuất một số giải pháp quản trị an ninh kinh tế trong thời gian tới, nhằm phát triển bền vững kinh tế địa phương.
Từ khóa: An ninh kinh tế, quản trị, phát triển bền vững, thách thức
Một số khái niệm
Từ khóa: An ninh kinh tế, quản trị, phát triển bền vững, thách thức
Một số khái niệm
An ninh kinh tế là một bộ phận cấu thành của an ninh quốc gia, an ninh phi truyền thống, là trạng thái nền kinh tế quốc gia phát triển bền vững và không bị đe dọa bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài.
Quản trị an ninh kinh tế là hoạt động tổ chức và điều hành của Nhà nước nhằm ngăn ngừa, kiểm soát các nguy cơ; bảo đảm an toàn, phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế (hoặc doanh nghiệp). Bên cạnh đó, vai trò của quản trị an ninh kinh tế là tạo lập môi trường thuận lợi, an toàn, ổn định cho nền kinh tế, cho hoạt động của các doanh nghiệp, góp phần thực hiện thành công các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án, chương trình, mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội; bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Thực trạng phát triển kinh tế tỉnh An Giang
Thực trạng phát triển kinh tế tỉnh An Giang
An Giang là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là vùng đất rất giàu tiềm năng, vừa có đồng bằng trù phú, màu mỡ được bồi đắp bởi 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu của dòng sông Mê Kông huyền thoại, vừa có đồi núi trải dài từ Đông sang Tây với nhiều cảnh quan tươi đẹp, huyền bí đan xen với hệ thống kênh rạch được quy hoạch để phát triển với tầm nhìn dài hạn.
Kết quả của sự đổi mới đã đưa An Giang từ một tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực, trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực và xuất khẩu.
Theo UBND tỉnh An Giang, ước tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2023 đạt mức 5,08%.Cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực (khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ngày càng giảm, khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ tăng dần qua các năm). GRDP bình quân đầu người tăng qua các năm, năm 2021 đạt trên 48,9 triệu đồng/người/năm, năm 2022 đạt trên 53,9 triệu đồng/người/năm, năm 2023 đạt 60,55 triệu đồng/người/năm.
Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 đạt 22.055 tỷ đồng (đạt 112% dự toán và đạt 53% chỉ tiêu nghị quyết đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025). Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 46.942 tỷ đồng, đạt 94% dự toán giao. Trong 3 năm 2021 - 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 98.168 tỷ đồng (đạt 60% so Nghị quyết), kim ngạch xuất khẩu đạt 3.470,6 tỷ USD (đạt 66% Nghị quyết).
6 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội tỉnh An Giang có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó kinh tế tăng trưởng khá tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,6% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,5%), các khu vực kinh tế đều tăng trưởng (đứng thứ 5/13 các tỉnh/thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 27/63 trong cả nước). Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp - xây dựng phục hồi và phát triển nhanh. Thương mại - dịch vụ và du lịch ổn định và tiếp tục phát triển; 6 tháng đầu năm ngành du lịch đón khoảng 7 triệu lượt khách tham quan (tăng 16% so cùng kỳ), doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 105% so cùng kỳ… Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt 35,88% kế hoạch vốn giao đầu năm (tương đương 3.398 tỷ đồng).
Về phát triển hạ tầng giao thông, Tỉnh đã khởi công tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và đề xuất dự án tuyến nối từ điểm đầu cao tốc đến Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Cửa khẩu Khánh Bình. Đồng thời, An Giang đã xây dựng và khánh thành tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên; xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 941, 943, 955B, 946, 948, 949… và hàng trăm cầu, đường giao thông nông thôn, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông, tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Ngoài ra, nhiều dự án hạ tầng kinh tế, văn hóa - xã hội được đầu tư xây dựng, như: Bệnh viện Sản - Nhi An Giang, Nhà hát tỉnh An Giang, Trung tâm Hội nghị TP. Châu Đốc, Bệnh viện Y học cổ truyền…
Về phát triển công nghiệp, xây dựng đô thị, đã khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc có quy mô lớn nhất Châu Á và Nhà máy công nghệ may mặc Spectre của Đan Mạch, quy mô 11 triệu USD; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vàm Cống, quy mô 193,3ha; công bố thành lập TX. Tịnh Biên.
Về phát triển nông nghiệp, An Giang tiếp tục giữ vững sản xuất 4 triệu tấn lúa mỗi năm, tăng dần tỷ lệ giống lúa chất lượng cao; phát triển 88 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao trở lên; có 76/110 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 69,1%...
Một số nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế tỉnh An Giang
Một số nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế tỉnh An Giang
Dưới góc độ an ninh kinh tế, An Giang đã và đang xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa cần giải quyết để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Về an ninh nông nghiệp, nông thôn, an ninh lương thực
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của An Giang đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp chưa cao và chưa đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đề ra; tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp diễn ra chậm, năng suất lao động còn thấp, giá cả nông sản nhất là giá lúa luôn bấp bênh... làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người nông dân.
Trên địa bàn đã xuất hiện các nguy cơ, mối đe dọa an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, xung đột xã hội làm ảnh hưởng tới việc đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương: Nguy cơ suy thoái và suy giảm độ phì nhiêu của đất; các cú sốc về biến đổi khí hậu và biến cố địa chất. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao, sự phụ thuộc vào giống lúa, trình độ phát triển cơ giới hóa và công nghệ còn thấp, tỷ trọng nhập khẩu cây giống, con giống và thức ăn chăn nuôi cao. Còn nhiều rào cản để hình thành các trung tâm công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm, ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại ở địa phương.
Về an ninh thương mại biên giới
Hiện nay, đã và đang xuất hiện những nguy cơ, mối đe dọa an ninh thương mại biên giới, như: Nguy cơ lúa gạo An Giang bị lúa gạo Thái Lan, Campuchia, Philipines cạnh tranh, ép giá trong xuất khẩu. Ngoài ra, sản xuất gạo cao cấp, thủy sản chất lượng cao, rau màu sạch là một thách thức lớn do An Giang chưa hình thành được các chuỗi liên kết trong sản xuất, xuất khẩu thủy sản, lúa gạo, rau quả; Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất giữa nuôi trồng, sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản, lúa gạo, rau quả trên địa bàn...
Bên cạnh đó, tỉnh An Giang có đường biên giới dài khoảng 98,2km (hơn 12km đường biên giới trên sông), nhiều đường mòn, kênh rạch và sông chạy qua; tiếp giáp với 2 tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia). Nhiều cửa khẩu tạo thành cửa ngõ thông thương, giao lưu thuận lợi với các nước trong khu vực nên địa bàn quản lý của lực lượng biên phòng và hải quan rộng. Cùng với đó, hoạt động của tội phạm ma túy, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất - nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Theo UBND tỉnh An Giang, năm 2023, các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ 1.759 vụ (tăng 187 vụ so cùng kỳ năm 2022) về hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả (G.K, 2023). Ngoài ra, những vụ việc tấn công mạng, tội phạm mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng diễn biến phức tạp và đang xâm hại các hoạt động phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh An Giang.
Một số giải pháp quản trị an ninh kinh tế trong thời gian tới
Một số giải pháp quản trị an ninh kinh tế trong thời gian tới
Để làm tốt công tác bảo đảm an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh An Giang trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp quản trị an ninh kinh tế như sau:
Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt hơn trong quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp về bảo đảm an ninh kinh tế. Theo đó, các cấp, các ngành của tỉnh An Giang phải quán triệt triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh kinh tế thành các chương trình, kế hoạch và trách nhiệm của từng cấp, ngành để thực hiện có hiệu quả. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các biện pháp công tác công an góp phần bảo vệ kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh quốc gia trên lĩnh vực kinh tế, bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, không để xảy ra các sơ hở, thiếu sót. Kịp thời phát hiện, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế, nhất là kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, đổi mới phương thức và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới các cấp, ngành, từ tỉnh đến các địa phương trong tỉnh, về trách nhiệm bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, tạo những chuyển biến tích cực, rõ nét hơn từ nhận thức đến hành động, đưa công tác bảo đảm an ninh kinh tế trên địa bàn Tỉnh trở thành trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Thứ ba, cần xây dựng các phương án, kịch bản phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các mối đe dọa an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh An Giang, cụ thể:
Xây dựng các phương án, kịch bản phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các mối đe dọa an ninh lương thực gắn với an ninh nông nghiệp, an ninh nông thôn.
Xây dựng các phương án, kịch bản phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các mối đe dọa an ninh thương mại gắn với an ninh lương thực, nông nghiệp, an ninh nông thôn.
Phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế trên địa bàn tỉnh An Giang, gắn với đảm bảo an ninh biên giới.
Thứ tư, tổng kết các mô hình, kinh nghiệm tốt về phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh kinh tế của các địa phương để triển khai nhân rộng ra toàn tỉnh An Giang, chú trọng các vấn đề an ninh kinh tế nổi lên trong giai đoạn hiện nay như: An ninh lương thực, an ninh nông nghiệp, an ninh nông thôn, an ninh thương mại, phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế. Trong quản trị an ninh kinh tế, phải coi trọng công tác phòng ngừa, giảm nhẹ, đồng thời làm tốt các công tác cứu trợ, phục hồi, tái thiết và phát triển.
Thứ năm, cần thành lập các trung tâm, bộ phận nghiên cứu về an ninh phi truyền thống, trong đó có an ninh kinh tế tại các trường đại học, viện nghiên cứu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh An Giang. Kịp thời bổ sung các kiến thức mới về quản trị an ninh phi truyền thống nói chung, về quản trị an ninh kinh tế nói riêng cho cán bộ an ninh kinh tế, cảnh sát kinh tế, cán bộ các ngành kinh tế của tỉnh An Giang.../.
Tài liệu tham khảo
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Bạch Đằng (2017), Đảm bảo an ninh kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học kinh tế, ĐHQG Hà Nội.
- Tô Lâm, Nguyễn Xuân Yêm và các tác giả (2018), An ninh phi truyền thống thời kỳ hội nhập quốc tế, NXB Công an nhân dân.
- Nguyễn Việt Linh (2018), Quản lý nhà nước về an ninh phi truyền thống theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân, Luận án Tiến sĩ An ninh và Trật tự xã hội, Học viện CSND.
- Nghị quyết các Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI (năm 2011), XII(năm 2016), XIII (năm 2021).
- UBND tỉnh An Giang (2021-2023), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh An Giang các năm 2021, 2022, 2023.
- UBND tỉnh An Giang (2024), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh An Giang 6 tháng đầu năm 2024.
- G.K (2023), An Giang: Bắt giữ gần 1.800 vụ liên quan hàng cấm, hàng nhập lậu, truy cập từ https://baoangiang.com.vn/an-giang-bat-giu-gan-1-800-vu-lien-quan-hang-cam-hang-nhap-lau-a380919.html.
Trung tướng, GS, TS. Nguyễn Xuân Yêm
Viện An ninh phi truyền thống - Đại học Quốc gia Hà Nội