Bằng chứng thực nghiệm về tác động lan tỏa của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới và ngụ ý cho Việt Nam

|

Bằng chứng thực nghiệm về tác động lan tỏa của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới và ngụ ý cho Việt Nam

Tóm tắt. Bài báo thảo luận các kênh tác động lan tỏa của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến các doanh nghiệp ở nước nhận đầu tư và tổng hợp bằng chứng thực nghiệm từ các nghiên cứu trước. Đồng thời, cùng thảo luận các nhân tố tác động đến các kênh lan tỏa và các nhân tố tác động đến các kênh lan tỏa bao gồm nội tại các doanh nghiệp địa phương và các nhân tố bên ngoài gồm thị trường và chính sách. Trên cơ sở các kết quả tổng hợp bằng chứng thực nghiệm, bài báo đưa ra các ngụ ý cho Việt Nam về mặt chính sách.

Giới thiệu
 
Tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế nói chung và các khía cạnh nói riêng như công nghệ, năng suất là một chủ đề thảo luận thường xuyên trong nhiều thập kỷ qua. Chủ đề này nhận được nhiều sự quan tâm vì không chỉ là vấn đề quy mô của lượng FDI toàn cầu liên tục tăng hay vai trò của các doanh nghiệp FDI trong các mạng lưới sản xuất toàn cầu mà còn có sự phức tạp trong tác động cũng như các kết quả thực nghiệm không hoàn toàn thống nhất giữa các nghiên cứu. Sự phức tạp trong tác động dẫn đến các câu hỏi nghiên cứu thực nghiệm chưa được trả lời thấu đáo do thiếu số liệu hay phân tích các nhân tố liên quan.
 
Bên cạnh đó, yếu tố bối cảnh, vốn đóng vai trò quan trọng trong tác động của FDI, khác biệt lớn giữa các quốc gia. Điều này dẫn đến khó khăn trong khái quát hóa cũng như bóc tách vai trò của các yếu tố khác nhau. Nói cách khác, cần phải hiểu rõ bối cảnh trong phân tích tác động của FDI đến nước nhận đầu tư.

Các kênh tổng quan
 
Tác động lan tỏa của các doanh nghiệp FDI được chia thành nội ngành và ngoại ngành. Tác động nội ngành là các tác động đến các doanh nghiệp nội địa của nước nhận đầu tư trong chính ngành hoạt động của doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, tác động ngoại ngành là tác động sang các ngành khác với ngành doanh nghiệp FDI hoạt động.

Các kênh tác động về lý thuyết
 
Tác động nội ngành hay được gọi là tác động theo chiều ngang (horizontal effects) bao gồm: (1) thông qua trình diễn và học hỏi; (2) thông qua dịch chuyển lao động; (3) thông qua cạnh tranh; và (4) thông qua xuất khẩu (Gerschewski, 2013).
 
Hiệu ứng trình diễn và học hỏi là hiệu ứng được đề cập nhiều nhất. Các doanh nghiệp FDI gia nhập thị trường với công nghệ mới, sản phẩm mới, phương thức quản lý mới, tiên tiến hơn so với các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp trong nước sẽ học hỏi các công nghệ, sản phẩm và phương thức quản lý mới này với mục tiêu cải thiện hiệu suất hay cạnh tranh.
 
Hiệu ứng dịch chuyển lao động là hiệu ứng các lao động sau một thời gian làm việc cho các doanh nghiệp FDI sẽ tích lũy được các kỹ năng và kiến thức nhất định; và nếu họ dịch chuyển sang các doanh nghiệp trong nước thì có thể sử dụng các kỹ năng và kiến thức tích lũy được để cải thiện năng suất và hiệu quả của các doanh nghiệp trong nước.
 
Cạnh tranh, một điều rõ ràng là sẽ thay đổi với sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI, trừ khi định hướng xuất khẩu hoàn toàn. Với yếu tố cạnh tranh các doanh nghiệp trong nước sẽ thay đổi về hành vi, sản phẩm hay công nghệ để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI. Sự thay đổi này, được kỳ vọng sẽ tác động đến các doanh nghiệp trong nước.
 
Cuối cùng, thông qua xuất khẩu. Thông thường, chi phí cho hoạt động xuất khẩu bao gồm chi phí cố định như tìm hiểu thị trường, quy cách, chất lượng sản phẩm hay các chứng chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn đo lường của các quốc gia nhập khẩu. Nếu các doanh nghiệp FDI có các hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp trong nước có thể học tập và giảm chi phí cố định của xuất khẩu. Bên cạnh đó, sự nhận dạng của các thị trường nước ngoài về các sản phẩm sản xuất ở quốc gia các doanh nghiệp FDI đầu tư để xuất khẩu, cũng có tiềm năng tăng lên. Đây là điều kiện tốt để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia hay tăng cường xuất khẩu.
 
Tác động ngoài ngành được thể hiện thông qua liên kết xuôi và liên kết ngược (backward and forward linkages). Đây là quá trình các doanh nghiệp trong nước cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp FDI (liên kết ngược) hay sử dụng đầu ra của các doanh nghiệp FDI (liên kết xuôi). Đây là hai quá trình của liên kết theo chiều dọc (vertical effects).
 
Liên kết ngược là quá trình lan tỏa tác động của các doanh nghiệp FDI đến các nhà cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp này theo các cơ chế khác nhau.
 
Các doanh nghiệp FDI góp phần cải thiện năng suất của các công ty nội địa bằng cách cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân viên để nâng cao chất lượng sản phẩm các công ty nội địa với tư cách nhà cung cấp (Javorcik, 2002; Rodriguez-Clare, 1996). Hơn nữa, cầu của các doanh nghiệp FDI cho phép các nhà cung cấp địa phương được hưởng lợi thế theo quy mô. Ở một khía cạnh khác, các doanh nghiệp FDI có thể đặt ra các yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm và các khía cạnh dịch vụ của mối quan hệ cung ứng, chẳng hạn như giao hàng đúng hạn, do đó tạo ra động lực để cải thiện chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất của các doanh nghiệp trong nước với tư cách nhà cung cấp.
 

 
Liên kết xuôi là quá trình lan tỏa tác động của các doanh nghiệp FDI đến các khách hàng của các doanh nghiệp này.
 
Các công ty địa phương sử dụng đầu ra của các doanh nghiệp FDI có thể nhận được sự hỗ trợ dưới hình thức đào tạo về kỹ thuật bán hàng và cung cấp thiết bị bán hàng. Ở dạng phức tạp hơn, các công ty địa phương có thể hoạt động theo thỏa thuận nhượng quyền thương mại với một thương hiệu đa quốc gia, do đó nhận được sự hỗ trợ đào tạo và tiếp thị rộng rãi (Altenburg, 2000).
 
Công nghệ trong đầu vào là nguồn tiềm năng cho cải thiện năng suất của các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp địa phương có thể được hưởng lợi từ nguồn cung cấp hàng hóa trung gian và máy móc từ các doanh nghiệp FDI, nếu các công ty này cung cấp sản phẩm có công nghệ cao hơn, chất lượng tốt hơn và dịch vụ sau bán hàng toàn diện hơn so với các nhà cung cấp địa phương trước đây (Altenburg, 2000). Đây là tác động tương tự như công nghệ có sẵn trong đầu vào nhập khẩu.
 
Bằng chứng thực nghiệm
 
Về mặt thực nghiệm, nhìn chung hiệu ứng lan tỏa liên ngành, cụ thể hơn là liên kết ngược có nhiều bằng chứng ủng hộ (Rojec và Knell, 2018; Encaoua và cộng sự, 2000). Trong khi đó, các bằng chứng thực nghiệm về tác động nội ngành không thống nhất, một số nghiên cứu không tìm thấy tác động. Một số khác ngụ ý tác động tiêu cực nội ngành của các doanh nghiệp FDI đến các doanh nghiệp trong nước. Gerschewski (2013), tìm hiểu các bằng chứng khác nhau ở các nước đang phát triển và tổng kết sự hiện diện của các công ty đa quốc gia có xu hướng tác động xấu đến doanh nghiệp trong nước cùng ngành.
 
Feinberg và Majumdar (2001) nghiên cứu trường hợp ngành công nghiệp dược phẩm Ấn Độ cho thấy có tác động lan tỏa giữa các doanh nghiệp FDI với nhau nhưng không có tác động đến các doanh nghiệp nội địa. Haddad và Harrison (1993) đã phân tích dữ liệu cấp doanh nghiệp và cấp ngành tại Maroc trong giai đoạn từ năm 1985-1989 và không tìm thấy bằng chứng về tác động lan tỏa. Điều này phù hợp với Wooster và Diebel (2010), những người đã kết luận trong một phân tích hồi quy siêu dữ liệu (mega-data) của 32 nghiên cứu về hiệu ứng lan tỏa ở các nước đang phát triển rằng “bằng chứng về hiệu ứng lan tỏa nội ngành từ FDI ở các nước đang phát triển là yếu”.
 
Tuy vậy, tác động tích cực được tìm thấy ở Indonesia (Suyanto và cộng sự, 2009) hoặc các công ty có năng suất ban đầu cao hơn ở Mexico (Kosteas, 2008)... Tuy nhiên, mối quan hệ tích cực có thể xảy ra ở nhóm nước với nền tảng tốt hơn về vốn con người hay độ mở của nền kinh tế (Herzer, 2015).
 
Về bằng chứng tác động của FDI giữa các ngành, Tondl và Fornero (2008) nghiên cứu các nền kinh tế Mỹ La Tinh đã cho thấy, tác động lan tỏa trong năng suất từ FDI ở một ngành sang các ngành khác. Cụ thể, FDI ở các ngành chế biến, chế tạo, vận tải và viễn thông có tác động lan tỏa sang hầu hết các ngành khác. Bằng chứng của Diao và cộng sự (2018) cho thấy có mối liên hệ về mặt thực nghiệm. Theo đó, với mẫu của một số nền kinh tế Châu Phi, giai đoạn 1996-2013, các tác giả tìm thấy mối tương quan giữa năng suất lao động trong nông nghiệp và tỷ lệ việc làm tại các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Javorcik (2004) nghiên cứu trường hợp Latvia trong giai đoạn 1996-2000 cho thấy, bằng chứng tích cực của các doanh nghiệp FDI đến các doanh nghiệp cung cấp, hay hiệu ứng lan tỏa ngược. Tuy nhiên, tác giả không thấy bằng chứng về tác động lan tỏa trong nội bộ ngành.

Các nhân tố tác động đến các kênh lan tỏa
 
Không có sự thống nhất trong bằng chứng thực nghiệm về tác động lan tỏa như thảo luận ở trên. Câu hỏi đặt ra là các hướng tác động sẽ xảy ra trong các bối cảnh nào. Nói cách khác, các nhân tố nào ảnh hưởng đến tác động lan tỏa.
 
Trong các tài liệu, các nhân tố tác động được thảo luận bao gồm (Crespo và Fontoura, 2007; Blomström và cộng sự, 2001; xem tổng kết của Rojec và Knell, 2018): (1) Khoảng cách công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước; (2) Năng lực tiếp nhận của các doanh nghiệp trong nước; (3) Khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước; (4) Quy mô của các doanh nghiệp trong nước; (5) Cách thức đầu tư của các doanh nghiệp FDI; (6) Chính sách thương mại của nước tiếp nhận FDI (7) Mức độ cạnh tranh của thị trường trong nước; và (8) Các chính sách của nước tiếp nhận. Bốn nhân tố đầu thuộc về nội tại của các doanh nghiệp ở nước tiếp nhận. Trong khi đó, các yếu tố sau thuộc về môi trường đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp. Một điều rõ ràng, chiến lược của các doanh nghiệp FDI hay sự sẵn sàng chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý của các doanh nghiệp FDI là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu ứng lan tỏa. Tuy nhiên, các yếu tố này rất khác biệt và phụ thuộc vào chiến lược của các doanh nghiệp FDI cũng như đàm phán của nước tiếp nhận và các doanh nghiệp FDI nên rất khó khái quát hóa để tìm ra được các kết quả có tính phổ biến.
 
Khả năng hấp thụ là nhân tố ổn định nhất quyết định đến tác động lan tỏa (Crespo và Fontoura, 2007). Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu không hoàn toàn đồng nhất giữa các nghiên cứu. Kinoshita (2001) sử dụng đầu tư R&D như một biến đại diện cho khả năng hấp thụ. Với số liệu của Cộng hòa Séc, kết quả cho thấy các doanh nghiệp trong nước chỉ được hưởng lợi từ sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI khi họ thực hiện R&D một cách tích cực. R&D cũng được sử dụng là một đo lường của khả năng hấp thụ trong nghiên cứu của Damijan và cộng sự (2003) cho 10 nước trong quá trình chuyển đổi. Kết quả cho thấy, mối quan hệ tích cực trong trường hợp của Hungary và Slovakia, nhưng lại tiêu cực trong trường hợp của Estonia và Latvia. Như vậy, có thể thấy, lập luận của quan điểm này là các doanh nghiệp trong nước cần phải có một năng lực hấp thụ nhất định để có thể có tác động lan tỏa.
 
Khoảng cách công nghệ ban đầu, Findlay (1978) ngụ ý mối quan hệ tuyến tính giữa khoảng cách công nghệ và tiềm năng lan tỏa. Theo đó, khoảng cách công nghệ càng lớn thì tiềm năng lan tỏa càng cao. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây (Ví dụ, Liu và cộng sự, 2000) ngụ ý một mối quan hệ hình U ngược giữa khoảng cách công nghệ và tiềm năng lan tỏa. Nếu khoảng cách công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước quá cao sẽ tác động tiêu cực đến tác động lan tỏa. Mối quan hệ hình U ngược dẫn đến các kết quả không thống nhất về mối quan hệ giữa khoảng cách công nghệ và tác động lan tỏa về mặt thực nghiệm.
 
Chính sách tác động đến lan tỏa trên hai khía cạnh, trực tiếp và gián tiếp. Về khía cạnh trực tiếp, chính phủ có thể có các chính sách quy định hay khuyến khích lan tỏa. Ví dụ, yêu cầu về tỷ lệ đầu vào trong nước hay tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi liên quan đến các hoạt động chuyển giao công nghệ hay sử dụng đầu vào trong nước. Điều này dẫn đến chính sách của các doanh nghiệp FDI cũng tác động đến chính sách thu mua hay chuyển giao công nghệ. Các tác động gián tiếp của chính sách đa dạng hơn. Ví dụ, chính sách tạo ra môi trường cạnh tranh sẽ tác động đến tác động lan tỏa khi cấu trúc thị trường là một nhân tố quyết định đến tác động lan tỏa.
 
Thực tế, các vấn đề liên quan đến vai trò của chính sách đến tác động lan tỏa rất đa dạng do tính đa dạng của chính sách. Thông thường, các tác giả sẽ thảo luận về các chính sách liên quan đến môi trường cạnh tranh, liệu rằng các chính sách có duy trì môi trường cạnh tranh hay không. Chính sách thứ hai liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, liệu các kiến thức, bí quyết công nghệ có được bảo vệ hay không.

Các ngụ ý cho Việt Nam
 
Với các thảo luận trên cho thấy, tác động lan tỏa của các doanh nghiệp FDI không rõ ràng. Tác động lan tỏa nội ngành dường như kém tích cực, trong một số trường hợp có tác động tiêu cực. Do đó, đây là vấn đề cần lưu ý và có các chính sách hạn chế tác động lan tỏa tiêu cực của các doanh nghiệp FDI nội ngành. Các chính sách bao gồm cả về nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước cũng như điều tiết thị trường cạnh tranh.
 
Trong khi đó, tác động liên ngành, cụ thể hơn là tác động lan tỏa liên kết ngược dường như tồn tại tương đối phổ biến, vì vậy tiềm năng này cần được thúc đẩy. Đặc biệt, trong bối cảnh các sản phẩm thô vẫn chiếm tỷ trọng nhất định trong xuất khẩu của Việt Nam.
 
Các chính sách cần hướng đến cả hai đối tượng, các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước. Với các doanh nghiệp FDI là khuyến khích dùng đầu vào từ các doanh nghiệp trong nước. Hiện một số hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nền kinh tế khác đã bao gồm quy định về nguồn gốc xuất xứ. Việc dùng các đầu vào từ các doanh nghiệp trong nước đảm bảo các hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI được hưởng ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do. Thực tế, các doanh nghiệp FDI đã có động lực để thực hiện tác động lan tỏa này. Tuy nhiên, có một tình huống là các doanh nghiệp FDI sử dụng đầu vào từ các doanh nghiệp FDI khác. Đây là vấn đề cần lưu ý với các chính sách thúc đẩy tác động lan tỏa ngược.
 
Các nhân tố ảnh hưởng đến tác động lan toản cho thấy, năng lực tiếp nhận của các doanh nghiệp trong nước đóng vai trò cốt yếu trong hiện thực hóa và cải thiện tác động lan tỏa tích cực của các doanh nghiệp FDI. Các phân tích ở trên cho thấy, năng lực của các doanh nghiệp trong nước bao gồm, khoảng cách công nghệ, năng lực tiếp nhận, quy mô, khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đều ảnh hưởng đến tác động lan tỏa của các doanh nghiệp FDI. Thực tế, các khía cạnh này liên quan chặt chẽ với nhau. Do đó, các chính sách có thể hướng đến tập trung nâng cao một khía cạnh hoặc có thể một gói chính sách tác động đến tất cả các khía cạnh.

Kết luận
 
Để tận dụng được các tác động lan tỏa của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam cần có các chính sách nhằm tăng cường năng lực của các doanh nghiệp trong nước cũng như các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp FDI sử dụng đầu vào của các doanh nghiệp trong nước.
 
Trên cơ sở các bằng chứng thực nghiệm trên, chúng ta có thể thấy các chính sách bao gồm nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước. Các năng lực bao gồm, năng lực công nghệ, quản lý để duy trì khoảng cách công nghệ không quá xa so với các doanh nghiệp FDI và năng lực hấp thụ. Cải thiện năng lực của các doanh nghiệp trong nước có ích cho cả tác động lan tỏa nội ngành và ngoài ngành. Trong khi đó, chính sách điều tiết thị trường cạnh tranh là cần thiết để hạn chế tác động tiêu cực nếu có của tác động nội ngành. Cuối cùng là chính sách khuyến khích các doanh nghiệp FDI sử dụng đầu vào từ các doanh nghiệp trong nước nhằm hiện thực hóa tác động lan tỏa liên kết ngược./. 
 
* Bài báo là sản phẩm của đề tài cấp cơ sở năm 2024 “Tác động của FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến năng suất lao động ngành nông nghiệp ở Việt Nam”. Viện Kinh tế Việt Nam.

Tài liệu tham khảo
 
Aitken, B.J. và Harrison, A.E. (1999), “Do domestic firms benefit from direct foreign investment? Evidence from Venezuela”. American Economic Review, Vol. 89(3), trang: 605-618.
 
Altenburg, T. (2000), “Linkages and Spillovers between Transnational Corporations and small and medium-sized enterprises” trong Developing countries: Opportunities and policies, Proceedings of the UNCTAD X Special Round Table “TNC-SME Linkages for Development”, Bangkok.
 
Blomström, M., Kokko, A., và Globerman, S. (2001), “The determinants of host country spillovers from foreign direct investment: a review and synthesis of the literature”. Inward investment technological change and growth: The Impact of Multinational Corporations on the UK Economy, trang: 34-65.
 
Crespo, N., và Fontoura, M. P. (2007), “Determinant factors of FDI spillovers–what do we really know?”. World development, Vol. 35(3), trang: 410-425
 
Damijan, J. P., Knell, M. S., Majcen, B., và Rojec, M. (2003), “Technology transfer through FDI in top-10 transition countries: How important are direct effects, horizontal and vertical spillovers?”. Mimeo.
 
Diao, X., McMillan, M., và Wangwe, S. (2018), “Agricultural labour productivity and industrialisation: lessons for Africa”.
 
Journal of African Economies, Vol.27(1), trang: 28-65.
 
Encaoua, D., Hall, B. H., Laisney, F., Mairesse, J., và Branstetter, L. G. (2000), Looking for international knowledge spillovers a review of the literature with suggestions for new approaches. Springer US.
 
Feinberg, S. E., và Majumdar, S.K. (2001), “Technology spillovers from foreign direct investment in the Indian pharmaceutical industry”. Journal of International Business Studies, Vol. 32(3), trang: 421-437.
 
Findlay, R. (1978), “Relative backwardness, direct foreign investment, and the transfer of technology: a simple dynamic model”. The Quarterly Journal of Economics, Vol. 92(1), 1-16.
 
Gerschewski, S. (2013), “Do local firms benefit from foreign direct investment? An analysis of spillover effects in developing countries”. Asian Social Science, Vol. 9(4), trang: 67-76.
 
Haddad, M., và Harrison, A. (1993), “Are there positive spillovers from direct foreign investment? Evidence from panel data for Morocco”. Journal of Development Economics, Vol. 42(1), trang: 51-74.
 
Herzer, D. (2015). “The long-run effect of foreign direct investment on total factor productivity in developing countries: A panel cointegration analysis”. VfS Annual Conference 2015 (Muenster): Economic Development - Theory and Policy 112827, Verein für Socialpolitik / German Economic Association.
 
Javorcik, B. (2004) “Does Foreign Direct Investment Increase the Productivity of Domestic Firms? In Search of Spillovers through Backward Linkages”. American Economic Review, Vol. 94(3), trang 605-627.
 
Kinoshita, Y. (2001), “R&D and Technology Spillovers Through FDI: Innovation and Absorptive Capacity”. CEPR Discussion Paper No. 2775.
 
Kosteas, V.D. (2008), “Foreign direct investment and productivity spillovers: a quantile analysis”. International Economic Journal, Vol. 22(1), trang: 25-41.
 
Liu, X., Siler, P., Wang, C., và Wei, Y. (2000), “Productivity spillovers from foreign direct investment: Evidence from UK industry level panel data”. Journal of International Business Studies, Vol. 31, trang: 407-425.
 
Rojec, M., và Knell, M. (2018), “Why is there a lack of evidence on knowledge spillovers from foreign direct investment?”. Journal of Economic Surveys, Vol. 32(3), trang: 579-612.
 
Suyanto, S., và Salim, R. (2013), “Foreign direct investment spillovers and technical efficiency in the Indonesian pharmaceutical sector: firm level evidence”. Applied Economics, Vol.45(3), trang: 383-395.
 
Tondl, G. và Fornero, J. A. (2010), ”Sectoral productivity and spillover effects of FDI in Latin America”. FIW Working Paper, No. 53, FIW - Research Centre International Economics, Vienna.
 
Wooster, R. B., và Diebel, D. S. (2010), “Productivity spillovers from foreign direct investment in developing countries: A meta-regression analysis”, Review of Development Economics, Vol.14, trang: 640-655.
 
Vũ Hoàng Đạt - Cao Thị Thúy - Đỗ Lan Anh - Nguyễn Thu Hương
Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam