Theo Tổng cục Thống kê, chi tiêu của hộ gia đình (HGĐ) bao gồm các khoản chi cho các nhu cầu ăn uống và ngoài ăn uống trong một thời gian nhất định, thường là một năm. Các khoản chi tiêu gồm: Lương thực, thực phẩm, đồ uống, hút; quần áo và giầy dép; nhà ở, điện, ga, nước và nhiên liệu khác; đồ đạc, thiết bị gia đình và bảo dưỡng thông thường; y tế; vận tải; truyền thông; giải trí và văn hoá; giáo dục; nhà hàng và khách sạn; chi khác cho tiêu dùng. Chi tiêu của HGĐ trong kỳ không bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh, thuế sản xuất kinh doanh, gửi tiết kiệm, cho vay, trả nợ, hoàn tạm ứng… và những khoản chi tương tự.
Chi tiêu tiêu dùng hộ gia đình là tất cả hàng hóa và dịch vụ được mua bởi các HGĐ. Chi tiêu tiêu dùng là yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng đến mức phúc lợi của các HGĐ, chiếm trung bình khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (Crossley và cộng sự, 2013; Hronova và cộng sự, 2016). Đối với các nhà kinh tế học tân cổ điển, mức tiêu dùng HGĐ là thước đo cuối cùng để tăng năng suất của các nền kinh tế (Ezeji và cộng sự ,2015; Bonsu và cộng sự, 2017)
Đánh giá các yếu tố quyết định tiêu dùng HGĐ là mối quan tâm của các nhà điều chỉnh chính sách kinh tế. Đặc biệt, trước sự suy giảm của nền kinh tế và sự biến động của giá cả thì sự ổn định và tăng trưởng của chi tiêu HGĐ cũng có thể góp phần vào khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Nhóm các nhân tố liên quan đến đặc điểm của hộ gia đình
Thu nhập
Nhiều giả thuyết khác nhau xuất hiện về mối quan hệ giữa thu nhập và tiêu dùng của các HGĐ ở các thời kỳ khác nhau. Mô hình hai thời kỳ của Fisher (1930), Giả thuyết thu nhập tuyệt đối của Keynes (1936), Giả thuyết thu nhập tương đối của Duesenberry (1949), Giả thuyết vòng đời của Modigliani (1950) và Giả thuyết thu nhập vĩnh viễn của Friedman (1957) là một trong những giải thích kinh tế quan trọng nhất về mức chi tiêu của HGĐ (Zeynalova, 2018).
Yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến tiêu dùng của HGĐ là thu nhập. Vì vậy, có rất nhiều nghiên cứu phân tích mối quan hệ giữa thu nhập và tiêu dùng ở các quốc gia khác nhau. Christopher D. Carroll (1992), trong nghiên cứu của mình tại Hoa Kỳ, đã điều tra ảnh hưởng của thu nhập cả đời dự kiến đến tiêu dùng và phát hiện ra rằng tiêu dùng có liên quan chặt chẽ đến thu nhập hiện tại, nhưng không liên quan đến những thay đổi có thể dự đoán được trong thu nhập. Một trong những nghiên cứu phân tích mối quan hệ giữa thu nhập và tiêu dùng theo các quan điểm khác nhau được thực hiện bởi Zhu và Jin. Trong công trình này, họ đã phân tích mối quan hệ giữa thu nhập và chi tiêu của dân cư thành thị và nông thôn ở thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc từ năm 2000 đến năm 2009. Họ nhận thấy rằng mối quan hệ giữa thu nhập và tiêu dùng không thay đổi theo tiêu chí thành thị và nông thôn, trên cả hai khu vực mối liên hệ giữa thu nhập và tiêu dùng là cùng xu hướng (Zhu vàJin, 2011). Alirzayev (2010) và Rakhmanov (2017) cũng nghiên cứu ảnh hưởng của thu nhập HGĐ đến tiêu dùng của các HGĐ ở Azerbaijan. Alirzayev (2010) đã kiểm tra tác động của thu nhập dài hạn đối với tiêu dùng của HGĐ trong giai đoạn 1995-2008 và nhận thấy rằng có mối quan hệ cùng chiều giữa các biến này. Rakhmanov (2017) cũng tìm thấy mối tương quan thuận giữa các chỉ tiêu này và nói thêm rằng nhu cầu đối với các mặt hàng xa xỉ tăng lên khi thu nhập HGĐ tăng trong giai đoạn 2000-2015. Zelalem Tesfeye (2005) cũng tìm thấy mối liên hệ giữa thu nhập và chi tiêu HGĐ trên cơ sở số liệu điều tra 871 HGĐ ở Ethopia với kỹ thuật lấy mẫu ngẫu nhiên đơn giản. Kết quả cho thấy: thu nhập ảnh hưởng tích cực đến chi tiêu HGĐ.
Thu nhập cũng ảnh hưởng đến hàng hóa tiêu dùng, nghiên cứu của Steyn và cộng sự (2004), William và cộng sự (2004) cho thấy rằng tỷ lệ tiêu thụ thực phẩm ở các nước nghèo cao hơn các nước giàu và trong cùng một nước tỷ lệ tiêu thụ thực phẩm giảm đi khi thu nhập quốc dân nước đó tăng lên. Kuma, T. (2010), phân tích những thay đổi trong mô hình tiêu dùng thực phẩm ở thành thị Ethiopia cho thấy rằng: Nhu cầu mặt hàng thực phẩm có giá trị cao như thịt, sữa, rau và trái cây tăng lên khi thu nhập tăng lên. Các hộ thu nhập thấp chủ yếu tiêu dùng những mặt hàng lương thực, thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản. Những mặt hàng này thường có giá trị thấp như ngũ cốc hoặc các mặt hàng chủ lực giàu tinh bột. Những mặt hàng có giá trị cao như thịt, cá, trứng, sữa trở thành những nguồn năng lượng đắt đỏ cho những người thu nhập thấp. Đối với các hộ thu nhập thấp, họ sẽ tập trung vào những mặt hàng đáp ứng nhu cầu cơ bản, khi thu nhập tăng lên, các nhu cầu cơ bản được đáp ứng, các HGĐ bắt đầu đa dạng hóa các nguồn lương thực, thực phẩm như sữa, thịt và các sản phẩm từ rau quả.
Quy mô HGĐ
Quy mô HGĐ là tổng số thành viên trong HGĐ, đây là một trong các yếu tố quyết định chính đến chi tiêu tiêu dùng trong HGĐ. Quy mô HGĐ làm tăng tỷ trọng chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống. Số lượng người trong HGĐ càng tăng thì lượng thức ăn tiêu thụ càng nhiều, tăng tiêu dùng cho thực phẩm. Quy mô HGĐ có ảnh hưởng tích cực đến chi tiêu hàng hóa và dịch vụ vốn được coi là nhu yếu phẩm như thực phẩm, các sản phẩm chăm sóc tế... (Samuel Berhanu,1999)
Khu vực sinh sống
Khu vực sinh sống là nơi HGĐ định cư lâu dài. Sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, môi trường sống của các khu vực sống khác nhau sẽ tác động đến việc làm, thu nhập, cũng như tác động đến nhận thức, tâm lý của con người, từ đó tác động đến chi tiêu HGĐ.
Các nghiên cứu thường chia khu vực sống thành 2 nhóm: thành thị và nông thôn. Trong đó:
Nông thôn là khu vực địa giới hành chính không bao gồm địa bàn phường thuộc thị xã, quận và thành phố (Điều 3, khoản 1, Nghị định số 57/NĐ-CP). Nói cách khác, nông thôn được hiểu là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn và được quản lý bởi cơ quan hành chính là ủy ban nhân dân xã.
Thành thị vùng lãnh thổ thuộc nội thành, nội thị các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện.
Nhìn chung, vùng nông thôn có dân cư thưa thớt hơn, điều kiện về hạ tầng, khả năng tiếp cận thị trường và trình độ dân trí thấp hơn so với khu vực thành thị. Sự khác biệt này dẫn đến khác biệt về chi tiêu ở 2 khu vvực này
Nhóm các nhân tố liên quan đến đặc điểm của chủ hộ
Dân tộc, chủng tộc
Megumi Omori (2010) nhận thấy chủng tộc cũng liên quan đáng kể đến khả năng chi tiêu HGĐ, đặc biệt là chi tiêu cho giáo dục. Nghiên cứu cho thấy, các HGĐ người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha ít có khả năng chi tiền cho giáo dục hơn so với các HGĐ da trắng. Tương tự, Mauldin và cộng sự (2011) cho biết các HGĐ thuộc các chủng tộc khác chi tiêu cho giáo dục con cái ít hơn 56% so với các gia đình da trắng.
Tại Việt Nam, Hoàng Thanh Nghị (2020) cũng phát hiện ra rằng yếu tố dân tộc cũng có tác động đến tỷ lệ chi tiêu giáo dục, cụ thể là chủ hộ là người dân tộc Kinh có tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục cao hơn 0,82% so với chủ hộ là người dân tộc khác.
Giới tính của chủ hộ
Trong điều tra mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê Việt Nam định nghĩa chủ hộ là người có vai trò quản lý, điều hành, quyết định hầu hết mọi công việc của hộ. Chủ hộ thường là người có thu nhập nhiều nhất trong hộ, nắm được hầu hết các hoạt động kinh tế và thông tin của các thành viên khác trong hộ. Chủ hộ theo khái niệm có thể trùng hoặc không trùng với chủ hộ theo đăng ký hộ khầu.
Theo bộ luật Dân sự Việt Nam (2005) chủ hộ là người đại diện cho HGĐ trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác có thể là chủ hộ.
Giới tính có tác động đến chi tiêu HGĐ, đặc biệt là chi tiêu cho giáo dục. Jenkins và cộng sự (2019) cho biết ở Nigeria, các HGĐ do nữ làm chủ hộ có xu hướng chi tiêu cho giáo dục nhiều hơn so với các HGĐ do nam giới làm chủ hộ. Ngược lại, Ndamusyo (2021) lại chỉ ra rằng ở Uganda, các HGĐ do nam là chủ hộ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn so với các gia đình do nữ làm chủ hộ. Hoàng Thanh Nghị (2020) cho thấy giới tính của chủ hộ có ảnh hưởng đến tỷ trọng chi tiêu cho giáo dục của HGĐ, cụ thể là các gia đình có chủ hộ là nam giới dành khoản chi tiêu cho giáo dục ít hơn 0,9% so với các gia đình có chủ hộ là nữ giới với giả định các yếu tố khác không đổi. Lý do là những người phụ nữ trong gia đình thường là người quan tâm đến việc học hành của con cái nhiều hơn. Nhìn chung, các nghiên cứu cho thấy các HGĐ mà chủ hộ có giới tính nữ có xu hướng chi tiêu cho giáo dục trẻ em nhiều hơn so với các HGĐ có chủ hộ là nam.
Độ tuổi của chủ hộ
Độ tuổi của của một người sẽ tác động đến sự nhận thức, sự trải nghiệm, tâm lý của họ bởi có thể họ được sinh ra trong những bối cảnh, thời kỳ xã hội khác nhau, được tiếp xúc với những tư tưởng, văn hóa khác nhau. Sự khác biệt về độ tuổi có thể dẫn đến sự khác biệt về kiến thức, kỹ năng, thu nhập, do đó có thể tác động đến quyết định chi HGĐ.
Nghiên cứu của Ebru Caglayan (2012) cho thấy, tuổi tác làm tăng mức tiêu thụ ở khu vực thành thị và giảm mức tiêu thụ ở khu vực nông thôn. Tương tự, nghiên cứu của Nguyên và cộng sự (2006) về chi tiêu HGĐ tại Đài Loan cho thấy tuổi tác cũng tác động và tạo ra sự khác biệt giữa chi tiêu ở khu vực thành thị và nông thôn. Cơ cấu tuổi của chủ hộ đóng vai trò quan trọng. Các thành viên trẻ trong gia đình có thể chi tiêu đáng kể cho giáo dục, dịch vụ giải trí, trong khi những người già chi nhiều tiền hơn vào bảo hiểm y tế. Đối với một mặt hàng tiêu dùng cụ thể, các HGĐ có cùng mức thu nhập nhưng cơ cấu độ tuổi khác nhau có thể có cách chi tiêu khác nhau (Zehiwot Honea và cộng sự, 2019).
Trình độ học vấn của chủ hộ
Trình độ học vấn đã đạt được của một người là lớp học cao nhất đã hoàn tất trong hệ thống giáo dục quốc dân mà người đó đã theo học.
Trình độ học vấn là một yếu tố quan trọng quyết định đến việc làm và thu nhập của chủ hộ cũng như các thành viên trong HGĐ, qua đó cũng tác động đến khả năng chi tiêu của hộ. Hơn nữa, trình độ học vấn cũng giúp chủ hộ có những hiểu biết nhất định về thị trường, về thông tin thị trường, thông tin các mặt hàng, về tầm quan trọng của các khoản mục chi tiêu... từ đó, giúp chủ hộ có các quyết định chi tiêu hợp lý và thông thái.
Wan Zawiah Wan Zin và cộng sự (2012) khi nghiên cứu về chi tiêu của HGĐ ở Mailaysia, đã cho thấy trình độ học vấn của chủ hộ làm tăng chi tiêu của HGĐ ở khu vực thành thị. Masimo và cộng sự (2009) cũng cho thấy các gia đình có chủ hộ lớn tuổi, không có việc làm và trình độ học vấn thấp chi tiêu cho mức tiêu thụ thực phẩm cao. Ndamusyo (2021), Ebaidalla (2018), Santiago và Nestor (2017), Ayse và Bengi (2016), John Owusu - Afrlyle (2014), Reham Rizk, Mauldin và cộng sự (2011), cho thấy trình độ học vấn của chủ hộ có ảnh hưởng tích cực đến chi tiêu của gia đình đối với giáo dục. Cha mẹ có trình độ học vấn càng cao thì càng chi tiêu nhiều cho việc giáo dục con cái bởi vì họ hiểu rõ những lợi ích do việc học tập mang lại.
Các nhân tố liên quan đến kinh tế
Giá cả
Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến tiêu dùng của HGĐ là giá cả. Giá cả hàng hóa và dịch vụ là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến thay đổi mức tiêu dùng (Haq và cộng sự, 2011). Giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng dẫn đến giảm chất lượng tiêu dùng của HGĐ hoặc tăng chi tiêu của HGĐ. Hiệu ứng này đặc biệt quan sát thấy ở các HGĐ chi tiêu phần lớn thu nhập của họ cho tiêu dùng (McGranahan, 2008).
Giá cả có ảnh hưởng phức tạp đến hành vi tiêu dùng của HGĐ. Vì vậy, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm hiểu ảnh hưởng của giá cả đến tiêu dùng của các HGĐ. Schor (2005) khám phá tác động của giá cả đối với tiêu dùng ở Hoa Kỳ giai đoạn từ 1993 đến 2003 và nhận thấy rằng người tiêu dùng tiêu thụ hàng hóa rẻ tiền nhiều hơn hàng hóa đắt tiền khi giá cả tăng. Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Al-Salamin và Eman Al-Hassan ở vùng Al-Hassa, Ả Rập (2006), các nhà nghiên cứu đã đo lường tác động mức giá của một công ty đối với tâm lý và hành vi của người tiêu dùng, kết quả cho thấy có mối quan hệ tích cực giữa giá cả và hành vi tiêu dùng.
Tỷ giá hối đoái
Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế là tỷ giá hối đoái. Đã có nhiều nghiên cứu khác nhau tìm hiểu mối quan hệ giữa tiêu dùng HGĐ và tỷ giá hối đoái. Trong nghiên cứu của mình về một số nước công nghiệp phát triển vào năm 1976 và 1998, McCarthy (2000) sử dụng mô hình tự hồi quy vectơ (VAR) để kiểm tra sự chuyển đổi của tỷ giá hối đoái sang giá cả. Nghiên cứu của McCarthy cho thấy tỷ giá hối đoái có tác động vừa phải đến giá cả hàng hóa nội địa, trong khi tác động mạnh đến giá cả hàng hóa nhập khẩu.
Thuế
Thuế là một trong những yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng của HGĐ. Thuế định hình tiêu dùng của các HGĐ vì chúng ảnh hưởng đến thu nhập khả dụng của HGĐ và giá cả hàng hóa và dịch vụ.
Bertola và Drazen (1993) dựa trên mối quan hệ giữa chính sách tài khóa và thu nhập sau thuế dự kiến, Sutherland (1997) trong nghiên cứu về động lực của thâm hụt ngân sách và phân phối thuế dự kiến đã phát hiện ra rằng, việc giảm thuế đã dẫn đến tăng thu nhập của HGĐ và chi tiêu cho tiêu dùng của họ. Từ năm 1961 đến 2005, Alm và El-Ganainy (2012) đã tìm hiểu tác động của thuế VAT đối với chi tiêu tiêu dùng ở 15 quốc gia châu Âu. Theo kết quả của cuộc nghiên cứu, mỗi lần tăng thuế GTGT một đơn vị làm giảm tổng chi tiêu tiêu dùng 1 đơn vị. Tác động của thuế VAT đối với chi tiêu tiêu dùng có ảnh hưởng lớn hơn trong dài hạn so với ngắn hạn.
Thuế doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến tiêu dùng HGĐ song song với thuế thu nhập và thuế VAT. Barro (2018), nhấn mạnh rằng giảm thuế doanh nghiệp sẽ làm tăng nhu cầu của người lao động và do đó, tăng lương và tiêu dùng. Mertens và Ravn (2012) đã sử dụng phương pháp VAR để nghiên cứu tác động của thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp ở Hoa Kỳ đến chi tiêu tiêu dùng từ năm 1950 đến năm 2006, kết quả cho thấy có sự thay đổi đáng kể trong chi tiêu tiêu dùng khi hai loại thuế này thay đổi.
Yếu tố Văn hóa
Một trong những yếu tố định hướng mong muốn và hành vi của người tiêu dùng là văn hóa. Văn hóa tạo ra bản sắc của một xã hội, làm cho xã hội này khác biệt với các xã hội khác (McCracken, 1986). Văn hóa hình thành các quan điểm khác nhau trong xã hội và những quan điểm này định hình hành vi của người tiêu dùng. Ví dụ, rượu chiếm tỷ trọng lớn trong giỏ tiêu dùng HGĐ ở một số quốc gia, trong khi rượu hoàn toàn không được tiêu thụ ở các quốc gia khác.
Yếu tố tâm lý
Việc xác định các yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng của HGĐ không đơn giản như các yếu tố kinh tế và nhân khẩu học. Loại yếu tố này có thể được chia thành kỳ vọng, kế hoạch, động cơ, sự lạc quan hoặc bi quan của người tiêu dùng...
Hai cách tiếp cận cung cấp thông tin hữu ích về hành vi của người tiêu dùng là thuyết nhu cầu của Maslow và động cơ tâm lý của McGuire (Jansson-Boyd, 2010). Lý thuyết của Maslow cung cấp sự hiểu biết về những nhu cầu của con người bằng cách nhận diện một hệ thống thứ bậc các nhu cầu. Maslow đã đem các loại nhu cầu khác nhau của con người, căn cứ theo tính đòi hỏi của nó và thứ tự phát sinh trước sau của chúng để quy về 5 loại, sắp xếp thành thang bậc về nhu cầu của con người từ thấp đến cao. Đó là 5 nhu cầu theo thứ tự từ thấp đến cao: Nhu cầu sinh lý, Nhu cầu về an toàn hoặc an ninh, nhu cầu xã hội, nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu tự khẳng định. Maslow khẳng định rằng con người giải quyết các nhu cầu theo thứ bậc, và tuyên bố rằng con người chỉ hướng tới một nhu cầu cao hơn sau khi đã đáp ứng được các nhu cầu cơ bản nhất. Con người không thể nhận ra những nhu cầu cao hơn trừ khi họ đáp ứng được những nhu cầu cơ bản và thiết yếu của mình (Lester, 1990). Theo Động cơ tâm lý của McGuire (1974) cách tiếp cận, các yếu tố tâm lý được chia thành 16 loại quyết định hành vi của người tiêu dùng. Họ cần nhất quán, cần quy kết nhân quả, cần phạm trù, cần tín hiệu, cần độc lập, cần mới lạ, cần thể hiện bản thân, cần bảo vệ cái tôi, cần khẳng định, cần củng cố, cần liên kết, cần cho nhu cầu mô hình hóa, thực dụng và khoái lạc (Hawkins và cộng sự, 2010; Okumuş, 2013). Hai khái niệm này nhấn mạnh nhu cầu của con người có thể là lý do cơ bản của việc tiêu dùng như thế nào./.
Trình độ học vấn được cao nhất đạt được gồm: i) Học vấn phổ thông: Đối với những người đã thôi học, là lớp phổ thông cao nhất đã học xong (được lên lớp hoặc đã tốt nghiệp); đối với người đang đi học, là lớp phổ thông trước đó mà họ đã học xong; ii) Giáo dục nghề nghiệp: Là những người đã tốt nghiệp và đã được cấp chứng chỉ sơ cấp, bằng trung cấp, bằng cao đẳng; iii) Đại học: Là những người đã tốt nghiệp đại học (đã được cấp bằng đại học); iv) Sau đại học: Là những người đã tốt nghiệp thạc sỹ, tiến sỹ, tiến sỹ khoa học (đã được cấp học vị) (theo Tổng cục Thống kê). |
Tài liệu tham khảo
1. Alirzayev, A. (2010). The economy of social sphere and its management, Publishing House of Economics University.Baku.
2. Carroll, C.D. (1992). How does future income affect current consumption? Working Paper Series / Economic Activity Section 126, Board of Governors of the Federal Reserve System (U.S.)
3. Crossley, T., Low, H. & O’dea, C. (2013). Household Consumption through Recent Recessions. Fiscal Studies, 34(2), 203-229.
4. Dornbusch, R., Fischer, S. & Startz, R. (2011), Macroeconomics.11th edition, U.S.A.: McGraw-Hill, Inc
5. Duesenberry, J. S. (1949). Income, saving and the theory of consumer behavior, Cambridge: Harvard University Press
6. Ezeji, C.E. & Ajudua, E.I. (2015). Determinants of aggregate consumption expenditure in Nigeria. Journal of Economics and Sustainable Development, 6 (5), 164-168
7. Keynes, J. M. (1936). The General Theory of Employment, Interest and Money. New York: Harcourt, Brace.
8. Mankiw, N.G. (1992). Macroeconomics, United States of America: Worth Publishers, Inc.
9. Meghir, C. (2004). A Retrospective on Friedman’s Theory of Permanent Income [online]. University College of London and Insti- tute for Fiscal Studies, WP04/01. [cit. 14.01.2019]. https://www.ifs.org.uk/wps/wp0401.pdf
10. Rakhmanov, F. (2017). Issues of improving social policy in the Republic of Azerbaijan. Scientific News of Azerbaijan State Eco- nomic University, 5, 32-41.
11. Sanders, S. (2010). A Model of the Relative Income Hypothesis. The Journal of Economic Education, 41 (3), 292-305.
12. Yuzbaşıoğlu, A. N. (2018). Economic Basics of Consumption and its components in Turkey. International Journal of Economic Studies, 4(4), 15-27
13. Zhu, Y. & Jin, D. (2011). Difference of Urban-rural Residents’ Income and Consumption in Chongqing City from 2000 to 2009. Asian Agricultural Research, 3 (5), 59-63.
Trần Ngọc Tú
Học viện Ngân hàng
Học viện Ngân hàng