Tóm tắt
Nghiên cứu nhằm phân tích thực trạng quy mô vốn kinh doanh và lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp logistics niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023, từ đó đánh giá khái quát khả năng sinh lời vốn kinh doanh của các doanh nghiệp này.
Từ khóa: logistics, doanh nghiệp logistics niêm yết, vốn kinh doanh, khả năng sinh lời.
Đặt vấn đề
Nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2019 – 2023 có thể chia thành 02 phân đoạn có sự biến động ngược chiều nhau. Thứ nhất, phân đoạn 2019 – 2021, nền kinh tế chịu tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, khi các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động logistics, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, đình trệ các hoạt động kinh doanh, sụt giảm doanh thu, kim ngạch xuất khẩu cũng như thu hẹp quy mô sản xuất và cắt giảm lao động. Thứ hai, phân đoạn 2022 – 2023, nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, việc phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp phụ trợ, hoạt động thương mại điện tử gia tăng sẽ khiến logistics trở thành một lĩnh vực thu hút đầu tư và có nhiều cơ hội phát triển; đồng thời, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) EVFTA cũng mang đến nhiều cơ hội và ưu đãi dành cho các doanh nghiệp logistics. Như vậy, có thể thấy sự biến động của nền kinh tế có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành logistics.
Nội dung nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện trên mẫu gồm 39 doanh nghiệp logistics niêm yết, trong đó có 17 doanh nghiệp niêm yết tại sàn HNX và 22 doanh nghiệp niêm yết tại sàn HOSE.
Về quy mô vốn kinh doanh
Đối với các doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn HNX, qua biểu đồ 01 có thể thấy: Nhìn chung giai đoạn 2019-2023, phần lớn các doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn HNX có quy mô kinh doanh dưới 1.000 tỷ đồng (chiếm 88%).
Trong phân đoạn 2019-2021, với sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 các doanh nghiệp logistics vẫn tăng quy mô vốn kinh doanh (chiếm 76%), trong đó: Tăng mạnh nhất là Công ty cổ phần Vinafreight (VNF) với 413 tỷ đồng, tăng 57%, có 04 doanh nghiệp (chiếm 24%) giảm quy mô vốn kinh doanh; trong đó giảm mạnh nhất là Công ty Cổ phần Thương mại và Vận tải Petrolimex Hà Nội (PJC) với 62 tỷ đồng, giảm 23%.
Trong phân đoạn 2022-2023 với sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, 100% các doanh nghiệp logistics đã tăng quy mô vốn kinh doanh, trong đó tăng mạnh nhất là Công ty Cổ phần Cảng Rau quả (VGP), vốn kinh doanh trung bình năm 2023 so với năm 2021 đã tăng 6.511 tỷ đồng, tăng 161%.
Đối với các doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn HOSE, qua biểu đồ 02 có thể thấy: phần lớn các doanh nghiệp có quy mô kinh doanh trên 1.000 tỷ đồng (chiếm 68%).
Trong phân đoạn thời gian bùng nổ đại dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp logistics cũng vẫn tăng quy mô vốn kinh doanh (chiếm 73%), trong đó: Tăng mạnh nhất là Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VJC) với 4.453 tỷ đồng, tăng 10%; có 06 doanh nghiệp (chiếm 23%) giảm quy mô vốn kinh doanh, trong đó giảm mạnh nhất là Công ty Cổ phần Vận tải Xăng dầu VITACO (VTO) với mức giảm 2.051 tỷ đồng, giảm 54%.
Biểu đồ 01: Quy mô vốn kinh doanh của doanh nghiệp logistics niêm yết
trên sàn HNX
trên sàn HNX
Trong phân đoạn thời gian phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, 100% các doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn HOSE đều tăng quy mô vốn kinh doanh, trong đó tăng mạnh nhất vẫn là Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VJC), vốn kinh doanh trung bình năm 2023 so với trung bình năm 2021 đã tăng 55.181 tỷ đồng với tỷ lệ tăng 114%.
Biểu đồ 02: Quy mô vốn kinh doanh của doanh nghiệp logistics niêm yết
trên sàn HOSE
trên sàn HOSE
(Nguồn: Tổng hợp BCTC các công ty niêm yết)
Về lợi nhuận sau thuế
Trên sàn HNX, qua biểu đồ 03 có thể thấy: Nhìn chung giai đoạn 2019-2023, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp logistics đều có lãi. Năm 2023, công ty có lãi lớn nhất là Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng (CDN) với số tiền là 275 tỷ đồng. Riêng có Công ty cổ phần Dịch vụ Vận tải và Thương mại (TJC) bị lỗ năm 2019 và Công ty cổ phần Vinafreight (VNF) bị lỗ năm 2023. Mặc dù hầu hết các công ty logistics kinh doanh đều có lãi nhưng lợi nhuận cũng có sự biến động như sau:
Trong phân đoạn 2019-2021, có 76% doanh nghiệp logistics tăng lợi nhuận sau thuế, trong đó tăng mạnh nhất là Công ty cổ phần Vinafreight (VNF), tăng 69 tỷ đồng với tỷ lệ 351%. Có 04 doanh nghiệp (chiếm 24%) giảm lợi nhuận sau thuế, trong đó giảm mạnh nhất là Công ty cổ phần Vận tải biển Global Pacific (PCT), giảm 5 tỷ đồng với tỷ lệ 28%.
Trong phân đoạn 2022-2023, có 59% doanh nghiệp logistics tăng lợi nhuận sau thuế, trong đó tăng mạnh nhất là Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng (CDN) có lợi nhuận sau thuế năm 2023 so với năm 2021 đã tăng 37 tỷ đồng, với tỷ lệ 16%. Có 07 doanh nghiệp (chiếm 41%) giảm lợi nhuận sau thuế, trong đó giảm mạnh nhất là Công ty cổ phần Vinafreight (VNF), giảm 155 tỷ đồng với tỷ lệ 173%.
Biểu đồ 03: Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn HNX
(Nguồn: Tổng hợp BCTC các công ty niêm yết)
Trên sàn HOSE, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp logistics niêm yết giai đoạn 2019-2023 đều có lãi. Năm 2023, Công ty Cổ phần Gemadept (GMD) có số lãi lớn nhất là 2.534 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trong giai đoạn này có chiều hướng biến động như sau:
Trong phân đoạn 2019-2021, 73% doanh nghiệp logistics tăng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh nhất là Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOS), tăng 439 tỷ đồng với tỷ lệ 860%. Có 07 doanh nghiệp (chiếm 27%) giảm lợi nhuận sau thuế, trong đó giảm mạnh nhất là Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VJC), giảm 3.627 tỷ đồng với tỷ lệ 95%.
Trong phân đoạn 2022-2023, là giai đoạn nền kinh tế phục hồi nhưng chỉ có 45% doanh nghiệp logistics tăng lợi nhuận sau thuế, trong đó tăng mạnh nhất là Công ty Cổ phần Gemadept (GMD), năm 2023 lợi nhuận sau thuế tăng 1.813 tỷ đồng với tỷ lệ 252%. Có 12 doanh nghiệp (chiếm 55%) giảm lợi nhuận sau thuế, trong đó giảm mạnh nhất là Công ty Cổ phần Transimext (TMS), giảm 448 tỷ đồng với tỷ lệ 72%.
Biểu đồ 04: Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn HOSE
(Nguồn: Tổng hợp BCTC các công ty niêm yết)
Về khả năng sinh lời của vốn kinh doanh
Hệ số khả năng sinh lời của vốn kinh doanh (ROA) là chỉ tiêu phản ánh bình quân 1 đồng vốn kinh doanh sử dụng trong kỳ sẽ tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Chỉ tiêu này càng cao cho thấy hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh càng cao.
Biểu đồ 05: Khả năng sinh lời tài sản của doanh nghiệp logistics niêm yết
trên sàn HNX
trên sàn HNX
(Nguồn: Tổng hợp BCTC các công ty niêm yết)
Trên sàn HNX, trong phân đoạn 2019-2021, có 76% doanh nghiệp logistics tăng ROA, trong đó Công ty cổ phần Dịch vụ Vận tải và Thương mại (TJC) là doanh nghiệp có ROA cao nhất và sự gia tăng của ROA cũng cao nhất. Cụ thể ROA năm 2021 của TJC là 14,11%, tăng 33,56% so với năm 2019. Đạt được kết quả này là do trong giai đoạn này TJC đã giảm quy mô vốn kinh doanh nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng. Có 04 doanh nghiệp (chiếm 24%) giảm ROA, trong đó giảm mạnh nhất là Công ty cổ phần Vận tải biển Global Pacific (PCT), nguyên nhân là do năm 2021 công ty đã tăng quy mô vốn kinh doanh nhưng lợi nhuận sau thuế lại bị giảm mạnh.
Trong phân đoạn 2022-2023, có 35% doanh nghiệp logistics tăng ROA, trong đó Công ty cổ phần Dịch vụ Vận tải và Thương mại (TJC) vẫn là doanh nghiệp có ROA cao nhất và sự gia tăng của ROA cũng cao nhất. Cụ thể ROA năm 2023 của TJC là 21,54%, tăng 7,44% so với năm 2021. Trong giai đoạn này, TJC đã tăng cả quy mô vốn kinh doanh và lợi nhuận sau thuế nhưng lợi nhuận sau thuế có sự gia tăng cao hơn sự gia tăng của vốn kinh doanh. Có 11 doanh nghiệp (chiếm 65%) giảm ROA, trong đó giảm mạnh nhất là Công ty cổ phần Vinafreight (VNF), ROA giảm 17,53%, nguyên nhân là do năm 2023 công ty đã tăng quy mô vốn kinh doanh nhưng lợi nhuận sau thuế lại bị giảm mạnh.
Biểu đồ 06: Khả năng sinh lời tài sản của doanh nghiệp logistics niêm yết
trên sàn HOSE
(Nguồn: Tổng hợp BCTC các công ty niêm yết)
Trên sàn HOSE, trong phân đoạn 2019-2021, có 50% doanh nghiệp logistics tăng ROA, trong đó Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) là doanh nghiệp có ROA cao nhất, đạt mức 44,91% ở năm 2021. Tuy nhiên, doanh nghiệp có ROA tăng mạnh nhất là Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOS), ROA năm 2021 tăng 16,14% so với năm 2019. Đạt được kết quả này là do trong giai đoạn này VOS đã giảm quy mô vốn kinh doanh nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng rất lớn. Trong số 50% doanh nghiệp còn lại giảm ROA, thì giảm mạnh nhất là Công ty cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN), ROA năm 2021 giảm 29,87% so với năm 2019, nguyên nhân là do năm 2021 công ty đã giảm quy mô vốn kinh doanh, lợi nhuận sau thuế cũng bị giảm nhưng lợi nhuận sau thuế có tốc độ giảm lớn hơn.
Trong phân đoạn 2022-2023, có 41% doanh nghiệp logistics tăng ROA, trong đó Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) là doanh nghiệp có ROA lớn nhất, đạt mức 41,09% và Công ty cổ phần Vận tải Sản phẩm khí quốc tế (SGN) là doanh nghiệp có ROA tăng mạnh nhất, ROA năm 2023 của SGN tăng 16,13% so với năm 2021. Năm 2023 SGN đã tăng cả quy mô vốn kinh doanh và lợi nhuận sau thuế nhưng lợi nhuận sau thuế có tốc độ tăng cao hơn so với vốn kinh doanh. Trong số 59% doanh nghiệp còn lại có ROA giảm thì giảm mạnh nhất là Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS), ROA giảm 14,33%, nguyên nhân là do năm 2023 công ty đã tăng quy mô vốn kinh doanh nhưng lợi nhuận sau thuế lại bị giảm mạnh.
Kết luận
Qua phân tích khả năng sinh lời vốn kinh doanh của doanh nghiệp logistics niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2019 – 2023 có thể thấy các doanh nghiệp đều đã có những phản ứng trong từng bối cảnh cụ thể của nền kinh tế. Trong giai đoạn khó khăn chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19 nhưng phần lớn các doanh nghiệp logistics niêm yết vẫn tăng quy mô vốn kinh doanh và gia tăng lợi nhuận. Trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế, 100% các doanh nghiệp này đều tăng quy mô vốn kinh doanh, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế tăng trưởng chậm hơn thậm chí giảm, đã làm giảm ROA của hơn 50% doanh nghiệp niêm yết. Mặc dù vậy, kết quả này vẫn được các chuyên gia đánh giá là phù hợp với triển vọng phát triển nền kinh tế./.
Tài liệu tham khảo:
1. Bùi Văn Vần (2015), Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính.
2. Báo cáo tài chính của 39 doanh nghiệp logistics niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
ThS. Trần Thu Hằng
Trường Đại học Công nghệ Đông Á