Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2011-2020

|

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2011-2020

Để đáp ứng nhu cầu thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương trong việc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020; đồng thời phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Tổng cục Thống kê biên soạn ấn phẩm “Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2011-2020”. Các thông tin trong Ấn phẩm cũng được dùng để phục vụ công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các vùng kinh tế - xã hội và nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân khác.
 
Ấn phẩm cung cấp một số chỉ tiêu thống kê cơ bản về quy mô, tốc độ tăng trưởng, năng suất lao động, GRDP bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của các vùng kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.
 
Nội dung Ấn phẩm gồm 2 phần:
 
Phần I: Thực trạng biên soạn tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Phần II: Số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các vùng kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2020.
 
Theo Ấn phẩm, biên soạn số liệu GRDP được thực hiện theo quy trình thống nhất gồm 6 bước: (1) Thu thập, xử lý, tổng hợp thông tin đầu vào; (2) Tính các chỉ tiêu phục vụ biên soạn GRDP; (3) Biên soạn số liệu GRDP; (4) Rà soát, đánh giá lại GRDP; (5) Công bố và phổ biến số liệu GRDP; (6) Lưu trữ số liệu GRDP.
 
Kết quả cho thấy:
 
Về quy mô GRDP: Theo giá hiện hành, tổng hợp quy mô GRDP năm 2011 đạt gần 3.493,2 nghìn tỷ đồng. Năm 2015, tổng hợp quy mô GRDP đạt 5.178,7 nghìn tỷ đồng, gấp 1,5 lần quy mô năm 2011. Năm 2020, do xuất hiện dịch Covid-19 và bắt đầu lây lan ra các địa phương, ảnh hưởng tới sự gia tăng về quy mô tổng GRDP so với các năm trước. Tuy nhiên, tổng hợp quy mô GRDP năm 2020 vẫn đạt 8.030,7 nghìn tỷ đồng, gấp 1,6 lần năm 2015 và gấp 2,3 lần năm 2011.
 
Theo khu vực kinh tế, giai đoạn 2011-2020, khu vực dịch vụ có quy mô lớn nhất, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có quy mô nhỏ nhất. Năm 2011, khu vực dịch vụ có quy mô lớn nhất, đạt 1.370,1 nghìn tỷ đồng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 1.205,4 nghìn tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 594,5 nghìn tỷ đồng. Năm 2015, quy mô cả 3 khu vực đều gia tăng mạnh mẽ, cụ thể: Khu vực dịch vụ vẫn duy trì vị trí là khu vực quy mô lớn nhất, đạt 2.187,8 nghìn tỷ đồng, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 1.786,1 nghìn tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 746,3 nghìn tỷ đồng.
 

Ấn phẩm 
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2011-2020
do Tổng cục Thống kê biên soạn

 
Năm 2020, mặc dù bị suy giảm do đại dịch Covid-19 nhưng nhìn chung, các ngành này vẫn giữ vị trí chủ đạo, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng GRDP; quy mô tổng GRDP của các khu vực kinh tế cũng ngày càng được mở rộng.
 
Theo vùng kinh tế, Đông Nam Bộ có quy mô tổng GRDP lớn nhất cả nước, tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hai vùng có quy mô thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên. 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô GRDP lớn nhất cả nước gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm tỷ trọng khoảng 45% tổng GRDP cả nước giai đoạn 2011-2020. Các tỉnh có quy mô GRDP thấp nhất cả nước phân bố chủ yếu ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nơi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khó phát triển kinh tế.
 
Theo khu vực kinh tế, cơ cấu kinh tế có xu hướng chuyển dịch rõ nét từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong giai đoạn 2011-2019. Bình quân giai đoạn 2011-2019, khu vực dịch vụ có quy mô lớn nhất và bình quân cả giai đoạn 2011-2019 chiếm 41,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,6%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 21,7%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 14,1%.
 
Chuyển dịch kinh tế giữa các vùng chưa có sự đột phá rõ nét, trọng tâm vẫn tập trung ở hai vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng. Theo đó, giai đoạn 2011-2020, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là hai vùng có tỷ trọng GRDP lớn nhất trong tổng GRDP cả nước với tỷ trọng trung bình cả giai đoạn lần lượt là 34,2% và 28,0%.
 
Về tốc độ tăng trưởng GRDP: Cùng với sự thay đổi lớn về cơ chế chính sách, sự tiến bộ không ngừng của khoa học công nghệ, đổi mới tư duy, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Trong 10 năm của giai đoạn 2011-2020, quy mô kinh tế được mở rộng, tăng trưởng GRDP không ngừng được cải thiện, tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn của các vùng kinh tế đều đạt trên 6%. Cụ thể: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt mức tăng trưởng cao nhất 8,10%; vùng Đồng bằng sông Hồng đứng thứ hai, đạt 7,93%; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đứng thứ ba, đạt 7,03%; các vùng còn lại đều đạt trên 6%.
 
Nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn là trụ đỡ vững chắc cho tăng trưởng kinh tế cả nước nói chung và của các vùng kinh tế nói riêng trong giai đoạn 2011-2020. Trong đó, Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc là hai vùng có tốc độ tăng trưởng nông nghiệp cao nhất cả nước, lần lượt đạt 5,22% và 4,17%. Khu vực công nghiệp và xây dựng giai đoạn 2011-2020 có 3/6 vùng kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 10%, đó là: Vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 11,11%, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 12,86%, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đạt 10,75%. Khu vực dịch vụ, tăng trưởng của các vùng kinh tế đạt khoảng 6,03-7,44%
 
Vùng Đồng bằng sông Hồng có quy mô và tốc độ GRDP lớn thứ hai cả nước trong giai đoạn 2011-2020 với sự góp mặt của thủ đô Hà Nội, trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước. Giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng Vùng đạt 7,93%, trong đó 3/11 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%, đó là tỉnh Bắc Ninh, đạt 12,44%, Hải Phòng đạt 10,37%, Hà Nam đạt 10,63%, các địa phương còn lại có tốc độ tăng trưởng từ 6,55-8,64%.
 
GRDP bình quân đầu người cao nhất thường tập trung ở các tỉnh, thành phố có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, đặc biệt là các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, thu hút nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài và địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản, dịch vụ phát triển. Theo đó, năm 2020, GRDP bình quân cả nước theo giá hiện hành đạt trên 82 triệu đồng/người, gấp 2,1 lần so với năm 2011 (39,6 triệu đồng/người). Vùng Đông Nam Bộ mặc dù tập trung đông dân số nhưng vẫn là vùng có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước giai đoạn 2011-2020; trong đó năm 2020 đạt 140,4 triệu đồng/người.
 
Năng suất lao động bình quân cả nước giai đoạn 2011-2020 tăng 2,1 lần từ 70 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 150 triệu đồng/lao động năm 2020. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân toàn nền kinh tế giai đoạn này đạt gần 5,3%/năm. Kết quả này đã phản ánh những nỗ lực cải thiện, nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.
 
Đây là lần đầu tiên Tổng cục Thống kê công bố chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn theo năm từ năm 2011 đến năm 2020 sau khi chỉ tiêu này được biên soạn tập trung, thống nhất tại Tổng cục Thống kê. Do đó, ấn phẩm được kỳ vọng sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các trường đại học, tổ chức trong và ngoài nước cũng như các đối tượng dùng tin khác./.

Thu Hiền