Năm 2014, Tổng cục Thống kê Việt Nam và Cơ quan Thống kê quốc gia I-ta-li-a (ISTAT) đã ký Biên bản ghi nhớ Hợp tác song phương trong lĩnh vực thống kê nhằm tranh thủ nguồn tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và kinh nghiệm tốt từ phía I-ta-li-a để nâng cao năng lực cho Tổng cục Thống kê. Thực hiện Biên Bản ghi nhớ, Tổng cục Thống kê Việt Nam đã chủ động xác định các lĩnh vực hợp tác và xúc tiến tìm nguồn kinh phí để thực hiện.
Tháng 2 năm 2018, Dự án “Cải thiện hệ thống thống kê quốc gia Việt Nam” được Chính phủ nước Cộng hòa I-ta-li-a phê duyệt tài trợ, theo đó Dự án được thực hiện trong giai đoạn 3 năm từ 2018 – 2021, với 5 hợp phần: Hợp phần 1: Xây dựng năng lực thể chế; Hợp phần 2: Thống kê năng lượng; Hợp phần 3: Thống kê môi trường và biến đổi khí hậu; Hợp phần 4: Phổ biến thông tin thống kê; Hợp phần 5: Công nghệ thông tin và truyền thông.
Mục tiêu tổng quát của dự án là tăng cường năng lực của Tổng cục Thống kê nhằm thực hiện tốt hơn vai trò dẫn dắt, điều phối hệ thống thống kê quốc gia và hoạt động theo hướng cơ quan dịch vụ công có hiệu quả, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời gian thực hiện của Dự án được gia hạn và kết thúc vào ngày 21/4/2023. Sau gần 5 năm thực hiện với nỗ lực cao của Tổng cục Thống kê và Cơ quan Thống kê I-ta-li-a, đến nay, Dự án đã hoàn thành 100% khối lượng công việc và đạt được những kết quả tốt đẹp như mục tiêu của Dự án đề ra.
Thứ nhất, Hợp phần Xây dựng năng lực thể chế đã được triển khai trong sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đã tiến hành thực hiện thí điểm bộ công cụ Lime survey để khảo sát về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ và hoạt động của Thống kê bộ, ngành. Kết quả điều tra đã cho thấy bức tranh rõ nét hơn về hoạt động của từng chủ thể trong Hệ thống thống kê quốc gia Việt Nam. Từ đó cho thấy, Tổng cục Thống kê với vai trò điều phối, tham mưu cho chính phủ cần cải thiện tốt hơn nữa hoạt động thống kê trong hệ thống thống kê quốc gia.
Thứ hai, Hợp phần Thống kê năng lượng đã từng bước cải thiện Hệ thống Thống kê năng lượng Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, theo đó Tổng cục Thống kê đã thực hiện báo cáo gửi Liên hợp quốc về năng lượng ở Việt Nam; Nâng cao phương pháp luận trong biên soạn bảng Cân đối năng lượng của Việt Nam và các chỉ số liên quan đến năng lượng.
Thứ ba, Hợp phần Thống kê môi trường và biến đổi khí hậu đã biên soạn được báo cáo thí điểm quan trọng về “Chỉ tiêu phát triển bền vững về môi trường đô thị và biến đổi khí hậu tại Việt Nam”. Đây là lần đầu tiên, Tổng cục Thống kê biên soạn được một báo cáo đầy đủ, chi tiết về vấn đề môi trường.
Thứ tư, Hợp phần phổ biến thông tin đã đạt được kết quả hợp tác rõ nét ngay khi Dự án được thực hiện 18 tháng. Các chuyên gia cơ quan Thống kê I-ta-li-a đã hỗ trợ Tổng cục Thống kê xây dựng trang web mới với giao diện thân thiện, truy cập đơn giản, dễ sử dụng để giới thiệu, truyền thông và nhận diện Tổng cục Thống kê và khai thác số liệu thống kê hiệu quả nhất.
Thứ năm, Hợp phần Công nghệ thông tin và truyền thông cũng đạt được những kết quả rõ rệt thông qua áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất số liệu thống kê nhằm đảm bảo số liệu thống kê chính xác và kịp thời.
Những kết quả của Dự án là nhờ sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả từ Cơ quan hợp tác và phát triển I-ta-li-a, Cơ quan Thống kê I-ta-li-a, sự cố gắng nỗ lực, cam kết mạnh mẽ của Tổng cục Thống kê, hướng tới mục tiêu nâng cao tính hiệu quả hoạt động của Tổng cục Thống kê, đưa ra những số liệu thống kê chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch phục vụ chính sách, phục vụ người dân, nhằm từng bước nâng cao vị thế của Tổng cục Thống kê Việt Nam trong cộng đồng thống kê quốc tế. Thành công của Dự án đồng thời góp phần cải thiện một bước tư duy tổ chức quản lý, tư duy sản xuất và sử dụng dữ liệu thống kê theo tiêu chẩn hiện đại, thay đổi lề lối làm việc, tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ kỹ thuật./.
B.N