77 năm Ngành Thống kê Việt Nam – những dấu mốc lịch sử

|

77 năm Ngành Thống kê Việt Nam – những dấu mốc lịch sử

Sự ra đời của Ngành Thống Kê Việt Nam được đánh dấu bằng ngày 6 tháng 5 năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký sắc lệnh số 61/SL quy định bộ máy tổ chức của Bộ quốc dân kinh tế gồm các phòng, ban, nha trực thuộc, trong đó có Nha Thống kê Việt Nam. Để ghi nhớ quá trình xây dựng, trưởng thành và để phù hợp với thực tế lịch sử, ngày 6 tháng 5 năm 1946 đã được chọn là ngày thành lập ngành Thống kê Việt Nam. Và cũng từ đó đến nay, trong giai đoạn nào, hoàn cảnh nào, Thống kê Việt Nam cũng làm tốt vai trò công cụ đắc lực của Chính phủ trong quản lý, điều hành các chính sách phát triển kinh tế xã hội, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.

Chiểu theo Sắc lệnh 61/SL ngày 6 tháng 5 năm 1946, Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế đã ký Nghị định ngày 28 tháng 5 năm 1946 về tổ chức Nha Thống kê Việt Nam thuộc Bộ Quốc dân Kinh tế. Nhiệm vụ của Nha Thống kê Việt Nam qui định như sau: Sưu tầm và thu thập những tài liệu và những con số có liên quan đến vấn đề xã hội, kinh tế hay văn hoá; Xuất bản những sách về thống kê; Kiểm soát các công ty bảo hiểm Việt Nam hay hải ngoại.

Ngày 25 tháng 4 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 33/SL sát nhập Nha Thống kê Việt Nam vào Phủ Chủ tịch.

Ngày 1 tháng 7 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 124/SL bãi bỏ Sắc lệnh số 33/SL và quyết định Thống kê trở thành “Một tổ chức tạm thời  để theo dõi công việc thống kê sẽ do Nghị định Thủ tướng Chính phủ ấn định”.

Ngày 9 tháng 8 năm 1950, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Thủ tướng Chính phủ, ra Nghị định số 38/TTg thành lập phòng Thống kê trong Văn phòng Thủ tướng phủ. Phòng Thống kê có nhiệm vụ: Thu thập và xếp đặt những tài liệu thống kê của các Bộ và các Uỷ ban hành chính kháng chiến địa phương; Giúp các Bộ và các Uỷ ban hành chính kháng chiến tổ chức và hướng dẫn theo dõi công tác thống kê.

Ngày 20 tháng 2 năm 1956, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Điều lệ số 695/TTg về tổ chức Cục Thống kê Trung ương, các cơ quan thống kê địa phương và các tổ chức thống kê các Bộ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong Điều lệ 695/TTg qui định:

Cục Thống kê Trung ương trong Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một cơ quan của Nhà nước để lãnh đạo thống nhất và tập trung mọi việc thống kê và kế toán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Cục Thống kê Trung ương và các cơ quan Thống kê ở địa phương, các tổ chức thống kê các Bộ là một hệ thống thống nhất, tập trung.

Nhiệm vụ chủ yếu của Cục Thống kê Trung ương là sưu tầm, thu thập, nghiên cứu và đệ trình Chính phủ những tài liệu thống kê chính xác, phân tích một cách khoa học để có thể nêu được quá trình thực hiện kế hoạch Nhà nước, sự phát triển kinh tế và văn hoá trong nước, những nguồn tài nguyên và cách sử dụng tài nguyên đó, tỷ lệ phát triển của các ngành kinh tế, văn hoá và mức độ phát triển của từng ngành.

Ngày 8 tháng 4 năm 1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 142-TTg quy định lại tổ chức, nhiệm vụ của các cơ quan thống kê các cấp  các ngành, bãi bỏ Điều lệ số 695- TTg. Về tổ chức thống kê: Bộ máy thống kê các cấp, các ngành gồm có: Cục Thống kê Trung ương (Trong Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước); Các Chi cục Thống kê Liên khu, khu, thành phố, tỉnh; Phòng Thống kê huyện, châu; Ban Thống kê xã; Các tổ chức thống kê của các Bộ, các ngành Trung ương và các cơ quan trực thuộc.

Cục Thống kê Trung ương là cơ quan của Nhà nước phụ trách, lãnh đạo thống nhất và tập trung mọi việc thống kê về kinh tế, tài chính, văn hoá, xã hội trong cả nước.

Nhiệm vụ chủ yếu của Cục Thống kê Trung ương là sưu tầm, chỉnh lý, nghiên cứu, phân tích những tài liệu điều tra thống kê cơ bản về các ngành kinh tế quốc dân, văn hoá, xã hội, rồi đệ trình Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Chính phủ để làm căn cứ hoặc tài liệu tham khảo để định các chính sách, lập kế hoạch và kiểm tra kế hoạch.

Ngày 21 tháng 12 năm 1960, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành quyết định số 15-NQ/TVQH về việc tách Cục Thống kê Trung ương ra khỏi Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, thành lập Tổng cục Thống kê.

Ngày 29 tháng 9 năm 1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 131- CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê. Theo Nghị định này, Tổng cục Thống kê là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo tập trung và thống nhất toàn bộ công tác điều tra thống kê theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ sưu tầm, chỉnh lý phân tích các tài liệu thống kê có căn cứ khoa học về kinh tế, văn hoá, xã hội, nhằm phục vụ cho các công tác quản lý nhà nước, lãnh đạo và chỉ đạo công cuộc kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân.

Ngày 5 tháng 4 năm 1974, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 72-CP ban hành điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng cục Thống kê thay thế Nghị định số 131-CP ngày 29 tháng 9 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ. Theo đó, Tổng cục Thống kê là cơ quan Trung ương thuộc Hội đồng Chính phủ, có nhiệm vụ tổ chức và quản lý thống nhất công tác hạch toán và thống kê. Tổng cục Thống kê thực hiện nhiệm vụ của mình trên cơ sở đường lối chính sách và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.

Ngày 23/3/1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê thay thế Nghị định số 72/CP ngày 5/4/1974 của Hội đồng Chính phủ.

Theo Nghị định này, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê cơ bản giống như nội dung đã được đề cập ở Điều lệ của Nghị định 72/CP ngày 5/4/1974 của Hội đồng Chính Phủ. Tuy nhiên tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê được sắp xếp gọn  hơn.

Ngày 03/9/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê thay cho Nghị định số 23/CP ngày 23/3/1994 của Chính phủ.

Về vị trí và chức năng: Tổng cục Thống kê là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước về thống kê, tổ chức thực hiện hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế – xã hội cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật; quản lý Nhà nước các dịch vụ công và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc Tổng cục Thống kê quản lý theo quy định của pháp luật.

Theo Nghị định này, cơ cấu tổ chức Ngành Thống kê, cơ quan Tổng cục Thống kê mở rộng, hoàn thiện hơn phù hợp với yêu cầu phát triển của Ngành, chức năng nhiệm vụ mang tính chuyên môn và chuyên nghiệp hơn gắn với từng lĩnh vực cụ thể.

Ngày 24/8/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quyết định số 65/2013/QĐ/TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 quy định Sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 1 Điều 3 Quyết định số 54/2010-QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Từ đó đến nay, Tổng cục Thống kê là cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nhà nước về thống kê; tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế – xã hội cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật.

Ngày 18/3/2020, Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định số 10/2020/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, Tổng cục Thống kê được tổ chức theo mô hình mới với hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương theo đơn vị hành chính: Cơ quan Tổng cục Thống kê ở Trung ương với 15 đơn vị hành chính và 5 đơn vị sự nghiệp; các cơ quan thống kê ở địa phương với 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố, tổng số trên 6 nghìn công chức, viên chức.

Có thể thấy, trong gần 8 thập kỷ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, vai trò chức năng nhiệm vụ của Ngành Thống kê luôn được Đảng, nhà nước, Chính phủ Việt Nam đề cao và coi trọng một cách đúng nghĩa: “ Thống kê là tai, là mắt của Đảng và Nhà nước” (Chủ tịch Hồ Chí Minh); “ …Tình hình nước mình thể hiện trong con số, tương lai ở trong con số, kế hoạch cũng ở trong con số” (Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng). Để làm tốt vai trò chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước, Chính phủ giao phó, trong quá trình xây dựng phát triển, ngành Thống kê Việt Nam đã không ngừng đổi mới, nỗ lực nâng cao chất lượng thông tin thống kê đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đất nước qua từng giai đoạn./.