Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư quy định về Hệ thống chỉ tiêu thống kê ASEAN

|

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư quy định về Hệ thống chỉ tiêu thống kê ASEAN

Theo Quyết định số 1161/QĐ-TTg ngày 23/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hội nhập thống kê ASEAN giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) được giao là cơ quan đầu mối quốc gia về cung cấp số liệu cho Thống kê ASEAN; chủ trì thu thập, tổng hợp thông tin thống kê cung cấp cho ASEAN.
 

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Thời gian qua, Thống kê Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập với thống kê Cộng đồng ASEAN, thể hiện trên các lĩnh vực: Tham gia tích cực vào quá trình hình thành hệ thống thống kê Cộng đồng ASEAN (viết gọn là Thống kê ASEAN); Thực hiện tích cực Chương trình hài hòa hóa số liệu giữa các quốc gia ASEAN về các lĩnh vực thống kê; Đáp ứng một phần số liệu cho Ban Thư ký ASEAN. Nhằm khẳng định vai trò của mình trước yêu cầu của hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thống kê, Thống kê Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực nhằm đáp ứng đầy đủ thông tin phục vụ quản lý, điều hành, xây dựng chính sách của Cộng đồng ASEAN. Một trong những nhiệm vụ cần thực hiện là xây dựng, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ASEAN, đây là cơ sở pháp lý cho việc cung cấp số liệu theo yêu cầu của ASEAN.
Tuy nhiên, hiện nay, Thống kê Việt Nam mới đáp ứng được trên 60% nhu cầu số liệu của ASEAN; số liệu còn có sự khác biệt và thiếu tính kịp thời; thiếu số liệu phục vụ công tác giám sát tiến trình hội nhập của Cộng đồng ASEAN; việc áp dụng phương pháp luận trong một số lĩnh vực thống kê chưa linh hoạt. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu thống kê cung cấp cho thống kê ASEAN chưa được hệ thống hóa mà nằm rải rác ở các hệ thống chỉ tiêu thống kê khác nhau và còn có sự khác biệt về khái niệm, phương pháp tính, phân tổ, kỳ công bố theo yêu cầu của ASEAN.
Chính vì vậy, thực hiện chương trình Đề án hội nhập thống kê ASEAN giai đoạn 2016-2020, năm 2018 ngành Thống kê đã tiến hành xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ASEAN. Hệ thống chỉ tiêu Thống kê ASEAN được xây dựng dựa trên các nguyên tắc như: Đáp ứng đầy đủ yêu cầu số liệu của thống kê ASEAN theo hệ thống chỉ tiêu thống kê khung của ASEAN; phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Các chỉ tiêu được lựa chọn phải mang tính khả thi và bảo đảm các tiêu chí: Đơn giản (dễ phân tích và sử dụng); có thể đo lường được (dễ xác nhận số liệu thống kê, tái sản xuất và thể hiện rõ xu hướng); có thể tiếp cận (được giám sát định kỳ, hiệu quả và nhất quán); tương thích (trực tiếp đáp ứng những vấn đề hoặc những mục đích đã thống nhất); kịp thời (cung cấp những cảnh báo sớm về các vấn đề tiềm năng). Ngoài ra cần đảm bảo yếu tố thống nhất, không trùng chéo với các hệ thống chỉ tiêu thống kê khác và bảo đảm so sánh quốc tế, đặc biệt là so sánh trong ASEAN.

Theo đó, Hệ thống chỉ tiêu thống kê ASEAN được xây dựng trên cơ sở kết quả rà soát tính khả thi tại Việt Nam của các chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê khung của ASEAN, cụ thể: Hệ thống chỉ tiêu thống kê ASEAN giai đoạn 2016-2020 (ASI); hệ thống giám sát tiến bộ cộng đồng ASEAN (ACPMS) và hệ thống chỉ tiêu thống kê cộng đồng ASEAN (ACSS).

Công tác này được cụ thể trong thông tư số 06/2018/TT-BKHĐT ngày 11/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê ASEAN gồm danh mục và nội dung chỉ tiêu. Danh mục chỉ tiêu thống kê ASEAN gồm: Mã số, nhóm, tên chỉ tiêu. Nội dung chỉ tiêu thống kê ASEAN, gồm: Khái niệm, phương pháp tính; phân tổ chủ yếu; kỳ công bố; nguồn số liệu và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp.

Danh mục và nội dung chỉ tiêu thống kê ASEAN của Việt Nam gồm 103 chỉ tiêu (trong đó có 51 chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia) được chia thành 16 lĩnh vực, cụ thể như sau: Đất đai, dân số (9 chỉ tiêu); Lao động, việc làm và bình đẳng giới (10 chỉ tiêu); Doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, đầu tư (5 chỉ tiêu); Tài khoản quốc gia (10 chỉ tiêu); Tài chính công (11 chỉ tiêu); Tiền tệ, chứng khoán (8 chỉ tiêu); Nông, lâm nghiệp và thủy sản (2 chỉ tiêu); Công nghiệp (3 chỉ tiêu); Thương mại, dịch vụ (6 chỉ tiêu); Giá cả (5 chỉ tiêu); Giao thông vận tải, du lịch (3 chỉ tiêu); Thông tin, truyền thông và khoa học công nghệ (4 chỉ tiêu); Giáo dục (5 chỉ tiêu); Y tế và chăm sóc sức khỏe (9 chỉ tiêu); Mức sống dân cư (10 chỉ tiêu); Bảo vệ môi trường (3 chỉ tiêu).
Để triển khai thực hiện Thông tư, một số công việc được yêu cầu thực hiện như:

Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện các nhiệm vụ: (i) Xây dựng chế độ báo cáo thống kê; Xây dựng quy chế cung cấp và chia sẻ thông tin giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và các Bộ, ngành; Lồng ghép việc thu thập các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê ASEAN thông qua chế độ báo cáo thống kê của các Bộ, ngành, các cuộc điều tra thống kê và sử dụng dữ liệu hành chính. (ii) Tổng hợp thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê ASEAN để trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố; tổ chức phổ biến thông tin thống kê; theo dõi, hướng dẫn, báo cáo tình hình thực hiện Thông tư này. (iii) Xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê về ASEAN; xây dựng các phần mềm thống kê để thu thập, xử lý và phổ biến thông tin thống kê về ASEAN.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần thực hiện lồng ghép, thu thập, tổng hợp những chỉ tiêu được phân công trong hệ thống chỉ tiêu thống kê ASEAN cung cấp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để tổng hợp, biên soạn và công bố./.
ThS. Nguyễn Đình Khuyến
Phó Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và Công nghệ thông tin - TCTK