Nhận diện điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội cả nước 11 tháng năm 2024

|

Nhận diện điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội cả nước 11 tháng năm 2024

Số liệu từ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Mười một và 11 tháng năm 2024 mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế “ngôi sao đang lên” của châu Á và khu vực ASEAN với nhiều tín hiệu tích cực.
 
Một số điểm sáng sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
 
Diện tích gieo trồng lúa thu đông năm 2024 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 717,9 nghìn ha, tăng 22 nghìn ha so với vụ thu đông năm trước do nhiều địa phương chủ động được nguồn nước, vệ sinh đồng ruộng để tranh thủ xuống giống mở rộng diện tích. Tính đến ngày 20/11/2024, toàn vùng thu hoạch được 414,3 nghìn ha lúa thu đông, chiếm 57,7% diện tích gieo cấy và bằng 103,2% cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa thu đông ước đạt 57,9 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với vụ thu đông năm trước; sản lượng ước đạt 4,2 triệu tấn, tăng 118,5 nghìn tấn.
 
Tính đến ngày 20/11/2024, các địa phương phía Nam gieo cấy được 500,3 nghìn ha lúa đông xuân sớm, bằng 129,9% cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 498,6 nghìn ha, bằng 130,1%. Tiến độ gieo trồng lúa đông xuân nhanh hơn cùng kỳ năm trước do giá lúa ổn định ở mức cao nên ngay sau khi thu hoạch lúa thu đông sớm, bà con nông dân đã khẩn trương xới, dọn đất để xuống giống sản xuất vụ lúa đông xuân. Một số địa phương có diện tích lúa đông xuân tăng cao như Cần Thơ tăng 39,7 nghìn ha; Kiên Giang tăng 28,7 nghìn ha; Vĩnh Long tăng 13,2 nghìn ha; Bạc Liêu tăng 11,0 nghìn ha.
 
Tính đến ngày 25/11/2024, cả nước không còn dịch tai xanh; dịch cúm gia cầm còn ở Long An; dịch lở mồm long móng còn ở Cao Bằng và Lào Cai; dịch viêm da nổi cục còn ở Đồng Tháp và dịch tả lợn châu Phi còn ở 21 địa phương chưa qua 21 ngày.
 
Tính chung 11tháng năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 263,9 nghìn ha, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 89,3 triệu cây, tăng 3,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 20.855,8 nghìn m3, tăng 7,9%.
 
11 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 8.754,6 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 6.126,9 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm đạt 1.370,0 nghìn tấn, tăng 4,8%; thủy sản khác đạt 1.257,7 nghìn tấn, tăng 1,2%.
 

 
Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực
 
Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm nên sản xuất công nghiệp tháng Mười một tiếp tục xu hướng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,2%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,6%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 7,3%, làm giảm 1,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
 
Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 25,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 18,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 14,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 13,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12,6%; dệt tăng 12,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,7%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,7%.
 
Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 03 địa phương trên cả nước. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước có thể kể đến: Ô tô tăng 22,4%; thép thanh, thép góc tăng 21,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 16,0%; xăng dầu tăng 15,9%; đường kính tăng 14,8%; thép cán tăng 14,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 11,9%; sữa bột tăng 11,5%; thủy hải sản chế biến tăng 11,0%; điện sản xuất tăng 10,0%; phân u rê tăng 9,0%.
 
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/11/2024 tăng 0,7% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,4% so với cùng thời điểm năm trước.
 
Vốn đầu tư tích cực đẩy mạnh
 
Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tiếp tục được các Bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện. Tính chung 11 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 572,0 nghìn tỷ đồng, bằng 73,5% kế hoạch năm và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 76,3% và tăng 24,3%). Cụ thể: Vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý ước đạt 100,1 nghìn tỷ đồng, bằng 79,6% kế hoạch năm và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt 471,9 nghìn tỷ đồng, bằng 72,3% kế hoạch năm và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 17,57 tỷ USD, chiếm 81% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,66 tỷ USD, chiếm 7,6%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 887,4 triệu USD, chiếm 4,1%.
 
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước của một số địa phương 11 tháng năm 2024. 
Nguồn: Tổng cục Thống kê
 
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ UÚD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 17,57 tỷ USD, chiếm 81% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,66 tỷ USD, chiếm 7,6%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 887,4 triệu USD, chiếm 4,1%.
 
Trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2024, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 5,78 tỷ USD, chiếm 33,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 2,32 tỷ USD, chiếm 13,4%; Trung Quốc 2,21 tỷ USD, chiếm 12,7%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 1,96 tỷ USD, chiếm 11,3%.
 
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 11 tháng năm 2024 có 151 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 555,2 triệu USD; có 22 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh 43,5 triệu USD.
 
Thương mại bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng trưởng tích cực
 
Các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành dịch vụ. Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,0%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.487,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,1% tổng mức và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 669,0 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 13,0%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 57,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,0% tổng mức và tăng 17,3%; doanh thu dịch vụ khác mười một tháng năm 2024 ước đạt 608,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng mức và tăng 9,1%.
 
Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng
 
Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
 
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ 11 tháng năm 2024 đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,88 tỷ USD, tăng 20,0%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266,05 tỷ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,9%. Có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%).
 


Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá 11 tháng năm 2024. Nguồn: Tổng cục Thống kê
 
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ 11 tháng năm 2024 đạt 345,62 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 126,05 tỷ USD, tăng 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 219,57 tỷ USD, tăng 15,2%. Có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 51,4%).
 
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 108,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 130,2 tỷ USD. Trong 11 tháng năm 2024, xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt 95,4 tỷ UÚD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 32,0 tỷ USD, tăng 21,1%; xuất siêu sang Nhật Bản 2,6 tỷ USD, tăng 70,0%; nhập siêu từ Trung Quốc 75,0 tỷ USD, tăng 67,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 27,7 tỷ USD, tăng 5,2%; nhập siêu từ ASEAN 8,6 tỷ USD, tăng 13,3%.
 
Hoạt động vận tải tăng trưởng tích cực, khách quốc tế đến Việt Nam tăng
 
Hoạt động vận tải tháng Mười một tăng trưởng tích cực, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong nước cũng như khách quốc tế đến Việt Nam, phục vụ sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu tăng cao trong những tháng cuối năm. So với cùng kỳ năm trước, vận tải hành khách tháng 11/2024 tăng 10,4% về vận chuyển và tăng 12,0% về luân chuyển; vận tải hàng hóa tăng 13,5% về vận chuyển và tăng 14,4% về luân chuyển. Tính chung 11 tháng năm 2024, vận chuyển hành khách tăng 8,2% và luân chuyển tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 14,1% và luân chuyển tăng 11,5%.
 
Khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng năm 2024 phân theo vùng và lãnh thổ. Nguồn: Tổng cục Thống kê
 
Chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. Trong tháng 11/2024, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 1,7 triệu lượt người, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 15,8 triệu lượt người, tăng 41,0% so với cùng kỳ năm trước./.
 
T.H (Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Mười Một và 11 tháng năm 2024, Tổng cục Thống kê)