Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thể hiện sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch Vùng là căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành và địa phương triển khai các chương trình, dự án quan trọng của Vùng trong thời kỳ quy hoạch.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để thực hiện thành công các mục tiêu Quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch cần tập trung triển khai các nội dung cụ thể sau:
Thứ nhất, việc tổ chức triển khai quy hoạch cần được thực hiện công khai, minh bạch theo đúng các quy định của pháp luật, nhằm thu hút rộng rãi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia thực hiện quy hoạch.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để thực hiện thành công các mục tiêu Quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch cần tập trung triển khai các nội dung cụ thể sau:
Thứ nhất, việc tổ chức triển khai quy hoạch cần được thực hiện công khai, minh bạch theo đúng các quy định của pháp luật, nhằm thu hút rộng rãi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia thực hiện quy hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị
Thứ hai, phải đổi mới tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của từng bộ, ngành và địa phương, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển của Vùng.
Thứ ba, Hội đồng điều phối vùng và các bộ, ngành tiếp tục phát huy vai trò, có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền ban hành về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển vùng.
Thứ tư, tập trung nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Theo đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia đang triển khai, sớm đưa các dự án vào khai thác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng như: Các tuyến đường bộ cao tốc, đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh; Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu…
Hoàn thiện thủ tục đầu tư để đẩy nhanh việc triển khai các dự án mới như: Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị liên kết vùng; Đầu tư nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi lớn trong vùng nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước…
Thứ năm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, để phát triển vùng động lực phía Nam trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á; phát triển các tuyến hành lang kinh tế để mở rộng không gian phát triển, tạo mối liên kết đồng bộ giữa các địa phương trong vùng.
Về rà soát cơ chế, chính sách đặc thù của Vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, một trong các nhiệm vụ được giao và cũng là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ là rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù vùng Đông Nam Bộ, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cho vùng, khai thác tốt nhất những tiềm năng, lợi thế của Vùng, đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực trạng phát triển để xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và đột phá.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong Vùng nghiên cứu, rà soát các nhóm chính sách thuộc 05 ngành, lĩnh vực: Đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và huy động nguồn lực; Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Đất đai và xây dựng.
Nội dung rà soát tập trung làm rõ sự cần thiết đề xuất ban hành chính sách mới hoặc tính hiệu quả của các chính sách hiện hành, đối tượng, địa bàn, nội dung, định mức cũng như mục tiêu cụ thể của từng nhóm chính sách tới địa bàn các địa phương của Vùng.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, kiến nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách và tập trung bố trí nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính nhất quán và hiệu lực, hiệu quả của chính sách. Trong đó, tập trung vào các chính sách huy động nguồn lực, nhất là đối với các địa phương có khả năng thu lớn, tạo điều kiện để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường sắt đô thị, cao tốc, quốc lộ và Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đi qua địa bàn các tỉnh; đồng thời ưu tiên các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài, làm cơ sở phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của Vùng.
Về tình hình triển khai một số dự án hạ tầng quan trọng, liên kết vùng, trong đó đối với các dự án đã hoặc chuẩn bị triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, cơ bản các dự án xây lắp đã khởi công, trong đó đoạn qua tỉnh Long An, đạt hơn 22% khối lượng; đoạn qua thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đạt khoảng 12,5% khối lượng; đoạn qua tỉnh Bình Dương đạt hơn 9% khối lượng; đoạn qua tỉnh Đồng Nai đạt hơn 2% khối lượng. Đối với 04 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cơ bản đạt tiến độ đề ra.
Tuy nhiên, dự án đoạn qua thành phố Hồ Chí Minh có khó khăn về thiếu nguồn cát san lấp nên phần đường đang chậm tiến độ. Dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chậm khoảng 02 tháng theo tiến độ yêu cầu do chậm công tác giải phóng mặt bằng…
Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị với Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, các bộ và địa phương liên quan. Theo đó, về các nhiệm vụ: Các bộ, địa phương tiếp tục triển khai 18 nhiệm vụ đã giao trong năm 2023 và đề xuất các nhiệm vụ cần thiết cho hoạt động của Hội đồng điều phối vùng, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các hệ thống giao thông kết nối với sân bay Long Thành; nội dung liên quan đến thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và phát triển nguồn nhân lực cao, thu hút nhân tài cho Vùng.
Về cơ chế, chính sách đặc thù: Góp ý cho các cơ chế, chính sách đặc thù của Vùng Đông Nam Bộ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về quy hoạch vùng Đông Nam Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ; các Bộ, địa phương thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch Vùng.
Về các dự án quan trọng, liên kết vùng: Đẩy nhanh tiến độ các dự án đã và chuẩn bị khởi công; Đối với các dự án đang nghiên cứu triển khai: các địa phương khẩn trương đề xuất các cơ chế, chính sách, gồm cả cơ chế, chính sách đặc thù để sớm triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Trường hợp có vướng mắc, các bộ ngành, địa phương cần đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo kịp thời (đồng gửi các Bộ liên quan để tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ)./.
PV