Tình hình sản xuất công nghiệp quý I/2024 có những điểm sáng tích cực

|

Tình hình sản xuất công nghiệp quý I/2024 có những điểm sáng tích cực

Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, tình hình kinh tế thế giới quý I năm 2024 tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tình trạng bất ổn, xung đột leo thang tại một số khu vực. Mỹ, EU được dự báo tăng trưởng chậm lại so với năm 2023; Nhật Bản, Anh đã rơi vào suy thoái; Trung Quốc đối mặt với suy giảm tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Xung đột tại Nga-Ucraina tiếp tục kéo dài, xung đột Biển Đỏ, dải Gaza tiếp tục leo thang, gia tăng rủi ro đối với an toàn hàng hải, chuỗi cung ứng hàng hóa, dầu thô, lương thực toàn cầu. Tác động của Elnino, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề hơn. Trong nước, tính tự chủ của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào thị trường quốc tế và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ hoạt động sản xuất của khu vực đầu tư nước ngoài. Khu vực doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, lượng hàng hóa tồn kho cuối năm 2023 còn cao dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng để tiêu thụ hết lượng hàng hóa tồn kho cuối năm trước. Ngoài ra, các chi phí đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Tình hình sản xuất công nghiệp quý I năm 2024

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,7% so cùng kỳ năm trước

Nối tiếp đà tăng trưởng của sản xuất công nghiệp quý IV năm 2023, quý I năm 2024, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo ngành công nghiệp cấp I: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 5,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp; ngành khai khoáng giảm 4,1%, làm giảm 0,65 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 12,1%, đóng góp 1,08 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 4,0%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp.

Tốc độ tăng/giảm IIP quý I giai đoạn 2015-2024 (%)

(Năm trước =100%)

 
Theo ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số IIP tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất hóa chất, sản phẩm hóa chất tăng 28,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 25,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 24,8%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 21,7%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 18,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 18,1%; sản xuất kim loại tăng 16,6%; dệt tăng 14,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,1%. Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ năm trước: Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 21,2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 8,6%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 6,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 4,7%; sản xuất đồ uống giảm 2,7%; khai khoáng khác giảm 1,4%; khai thác than giảm 0,1%.

Một số sản phẩm công nghiệp quý I tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: thép thanh, thép góc tăng 29,1%; thép cán tăng 24,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 23,1%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 21,8%; xăng, dầu các loại tăng 21,7%; phân ure tăng 16,9%; đường kính tăng 14%; sơn hóa học tăng 13,9%; điện sản xuất tăng 11,4%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm công nghiệp quý I giảm so với cùng kỳ năm trước như: khí đốt thiên nhiên và điện thoại di động cùng giảm 13,3%; ô tô giảm 11,3%; tivi các loại giảm 11,1%; khí hóa lỏng LPG giảm 11%; linh kiện điện thoại giảm 5,3%; xe máy giảm 5,2%; giày, dép da giảm 4,8%; bia các loại giảm 4,1%; sắt thép thô giảm 3,8%; dầu thô khai thác giảm 3,2%.

Một số ngành có tốc độ tăng/giảm IIP quý I/2024 cao nhất và thấp nhất (%)

(Năm trước =100%)

 
Theo địa phương, có 54/63 tỉnh, thành phố trong cả nước có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ năm trước; 9/63 tỉnh, thành phố có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ năm 2023. Một số địa phương có quy  mô công nghiệp lớn có chỉ số IIP quý I năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước như: Bắc Giang tăng 23,9%; Thanh Hóa tăng 20%; Quảng Ninh tăng 14%: Hải Phòng tăng 12,6%; Vĩnh Phúc tăng 6,7%; Thái Nguyên tăng 6,2%; thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai cùng tăng 5,1%; Bình Dương tăng 3,9%; Hà Nội tăng 3,6%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 0,2%. Ở chiều ngược lại, một số địa phương là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước có chỉ IIP quý I năm 2024 giảm so với cùng kỳ như: Quảng Ngãi giảm 0,5%; Quảng Nam giảm 2,4%; Bắc Ninh giảm 8,7%.

Một số địa phương có tốc độ tăng/giảm IIP quý I/2024 cao nhất và thấp nhất (%)

(Năm trước =100%)

 
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá cao

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I năm nay tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước (tăng cao hơn nhiều so với mức giảm 2,9% của cùng kỳ năm 2023). Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 30,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plasstic tăng 29,6%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,9%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 21,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 16,5%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 16,2%; sản xuất kim loại tăng 14,9%; dệt tăng 14,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 12,3%. Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ năm trước: sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 8,9%; sản xuất đồ uống giảm 3,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 3,1%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 2,6%.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/3/2024 dự kiến tăng tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm: dệt giảm 28,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 14,9%; sản xuất da và các sản phẩm từ da giảm 10,7%; sản xuất thuốc lá giảm 10,3%; sản xuất trang phục giảm 8,5%. Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao: sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 76,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 51,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 40,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 33,7%; sản xuất đồ uống tăng 24,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 17,3%; in, sao chép bản ghi tăng 17,2%.

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân quý I năm 2024 là 68,7%. Một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 186,9%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu 145,2%; dệt 138,2%; sản xuất xe có động cơ 121,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 108,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic 106,1%; sản xuất trang phục 105,9%; sản xuất chế biến thực phẩm 105,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 104,6%.

Đánh giá chung hoạt động sản xuất công nghiệp quý I năm 2024

Điểm sáng của hoạt động sản xuất công nghiệp thể hiện ở các yếu tố tích cực sau:

Thứ nhất, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp quý I năm 2024 tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 2,6%). Trong đó, 3/4 ngành công nghiệp cấp I (gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện;  cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải) tăng so với cùng kỳ năm trước với mức tăng lần lượt là 5,9%, 12,1% và 4%.

Thứ hai, xét theo ngành công nghiệp cấp II, có 26/33 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó 12 ngành tăng trưởng trên 10%. Một số ngành có chỉ số IIP quý I năm trước giảm nhưng sang quý I năm nay tăng cao như: sản xuất thiết bị điện tăng 24,8%; sản xuất kim loại tăng 16,6%; sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 18,1%. Bên cạnh đó, một số ngành xuất khẩu chủ lực quý I năm nay đã tăng trưởng trở lại như: dệt tăng 14,6%; sản xuất trang phục tăng 3,7%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan tăng 5,5%; sản xuất thiết bị điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 0,4%.
 
Thứ ba, một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn có chỉ số IIP tăng cao như: Bắc Giang tăng 23,9%; Thanh Hóa tăng 20%; Quảng Ninh tăng 14%; Hải Phòng tăng 12,6%; Vĩnh Phúc tăng 6,7%; Thái Nguyên tăng 6,2%.
 
Thứ tư, tồn kho sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng giảm, thể hiện qua chỉ số tiêu thụ cao hơn chỉ số sản xuất, cụ thể: chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I tăng 5,9%, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2% (cao hơn 2,3 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất), kéo theo chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo thời điểm 31/3/2024 dự kiến tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước (thấp hơn nhiều so với mức tồn kho 19,8% cùng thời điểm năm 2023). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo bình quân quý I năm 2024 là 68,7% (thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tồn kho cùng cùng kỳ năm 2023 là 81,1%).
 
Bên cạnh các điểm tích cực, sản xuất công nghiệp quý I năm 2024 còn một số hạn chế như:
 
Một là, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá nhưng trên nền sản xuất quý I năm 2023 giảm (quý I năm 2023 giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước). Tốc độ tăng quý I năm nay chỉ tương đương với tốc độ tăng của quý I các năm 2020, 2021 (là hai năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19) và thấp hơn tốc độ tăng trưởng của các năm trước dịch Covid-19.
 
Hai là, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I năm 2024 tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây (chỉ cao hơn quý I năm 2023, là năm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng âm) cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn chưa thực sự khởi sắc.
 
Tốc độ tăng/giảm IIP ngành công nghiệp chế biến chế tạo quý I giai đoạn 2015-2024 (%)
(Năm trước =100%)
 
Ba là, trong số 33 ngành công nghiệp cấp II, có 7 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm. Trong đó có 3 ngành thuộc nhóm ngành khai khoáng) gồm: khai thác than cứng và than non giảm 0,1%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 8,6%; khai khai khoáng khác giảm 1,4%) và 4 ngành thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo (gồm: sản xuất đồ uống giảm 2,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 4,7%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 6,2%; sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc thiết bị giảm 21,2%). Ngành sản xuất phương tiện vận tải khác và sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi vẫn tiếp tục đà giảm trong hai năm liên tiếp.
 
Bốn là, một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn tăng ở mức thấp hoặc giảm: chỉ số IIP quý I của thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai cùng tăng 5,1%; Bình Dương tăng 3,9%; Hà Nội tăng 3,6%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 0,2%; Quảng Ngãi giảm 0,5%; Quảng Nam giảm 2,4%; Bắc Ninh giảm 8,7%.
 
Dự báo tình hình sản xuất công nghiệp quý II năm 2024
 
Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, xung đột tại Nga-Ucraina tiếp tục kéo dài, xung đột Biển Đỏ, dải Gaza tiếp tục leo thang, giá các loại hàng hóa và dịch vụ trên thế giới tăng cao  làm tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các điều kiện, tiêu chuẩn hàng hóa yêu cầu theo hướng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, quy trình, thông tin, yêu cầu sản xuất xanh… sẽ gây áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Với xu hướng chung là chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, các ngành công nghiệp dựa vào khai thác khoáng sản dự báo vẫn tiếp tục suy giảm trong quý II/2024. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, theo dự báo của các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh quý II khả quan hơn quý I với 82,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý II tốt hơn và giữ ổn định so với quý I (45,4% doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn, 36,6% dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định), chỉ có 18,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý II khó khăn hơn quý I năm 2024. Ngành sản xuất và phân phối điện được dự báo vẫn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của dân cư. Ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải dự báo vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực.
 
Để hỗ trợ hoạt động SXKD của các doanh nghiệp ngành công nghiệp trong các quý còn lại của năm 2024, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương tạo cơ hội để các doanh nghiệp được giao lưu, tìm hiểu nhằm mục đích tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên vật liệu cũng như khách hàng mới; hỗ trợ tuyên truyền, nâng cao vai trò của các ngành nghề trong xã hội, từ đó nâng cao tay nghề và trình độ của người lao động, giảm tình trạng thiếu lao động có tay nghề và lao động tay nghề cao. Bên cạnh đó, có các biện pháp kích cầu tiêu dùng nhằm hỗ trợ tiêu thụ và sản xuất hàng hóa, ổn định giá cả và nguồn cung nguyên vật liệu cho doanh nghiệp./.
 
Phí Thị Hương Nga
Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng - TCTK