Tình hình lao động việc làm quý I và 4 tháng đầu năm 2020

|

Tình hình lao động việc làm quý I và 4 tháng đầu năm 2020

I. TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VIỆC LÀM QUÝ I NĂM 2020
 
Kết quả Điều tra lao động việc làm cho thấy, tình hình lao động việc làm quý I năm 2020 có nhiều biến động, các chỉ số lao động việc làm phản ánh sự sụt giảm về cung ứng của thị trường lao động cũng như tác động của giảm việc làm đối với thu nhập của người lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động[1] ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động, giảm 1,2 đến 1,3 điểm phần trăm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Thất nghiệp tăng lên, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây. Tốc độ tăng thu nhập của người lao động so với cùng kỳ năm trước chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng thu nhập của quý I năm 2019 so với quý I năm 2018.
 
Dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ cuối tháng 1 năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tham gia thị trường lao động của người lao động ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước và các ngành, nghề lao động. Ước tính sơ bộ, quý I năm 2020, cả nước có khoảng 973,8 nghìn lao động bị ảnh hưởng; trong đó có 523 nghìn lao động tạm thời không tham gia thị trường lao động, có 403,5 nghìn lao động bị thiếu việc làm và khoảng 47,3 nghìn người đang tạm nghỉ việc vì lý do giãn việc, tạm ngừng sản xuất kinh doanh hoặc do lượng khách hàng giảm.
 
1. Lực lượng lao động giảm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ vẫn ở mức thấp
 
Trong quý I năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,3 triệu người, giảm 673,1 nghìn người so với quý trước và giảm 144,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Sau chuỗi 5 năm tăng liên tục (2015-2019), đây là năm đầu tiên lực lượng lao động giảm so với cùng kỳ năm trước[2].
 
Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý I năm 2020 là 48,9 triệu người, giảm 351,2 nghìn người so với quý trước và tăng 4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 16,5 triệu người, chiếm 33,7%; lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động là 22 triệu người, chiếm 45% lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước.
 
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2020 là 75,4%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Mức độ tham gia lực lượng lao động của dân cư khu vực thành thị và nông thôn vẫn còn khác biệt đáng kể, cách biệt 10,7 điểm phần trăm (thành thị: 68,6%; nông thôn: 79,3%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn nông thôn ở tất cả các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 15-24 tuổi (thành thị: 43,0%; nông thôn: 65,1%) và nhóm từ 55 tuổi trở lên (thành thị: 36,5%; nông thôn: 52,4%). Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị; đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.
 
Trong tổng số người tham gia lực lượng lao động của quý I năm 2020, có 13,1 triệu người đã được đào tạo có bằng, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên), không thay đổi nhiều so với quý trước và tăng 753,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, chiếm 23,7%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và cao hơn 1,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị đạt 39,9%, cao hơn 2,5 lần so với khu vực nông thôn (15,9%).
 
2. Lao động có việc làm giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước, và giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn
 
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I năm 2020 là 54,2 triệu người, giảm 682,4 nghìn người so với quý trước và giảm 154,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn: số người có việc làm ở khu vực nông thôn giảm 604,7 nghìn người so với quý trước và giảm 269,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
 
Trong quý I năm 2020[3], có khoảng 47,3 nghìn người tạm nghỉ việc vì lý do giãn việc, tạm ngừng sản xuất kinh doanh hoặc do lượng khách hàng giảm. Một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lượng người tạm nghỉ lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Khánh Hòa.
 
Lao động trong khu vực Dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 36%, tương đương 19,5 triệu người, lao động trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 33,5%, tương đương 18,2 triệu người và khu vực Công nghiệp và xây dựng chiếm 30,5%, tương đương 16,5 triệu người. So với cùng kỳ năm trước, tỷ trọng lao động trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,7 điểm phần trăm (quý I năm 2019: 35,2%); tỷ trọng lao động trong khu vực Công nghiệp và xây dựng tăng 1,3 điểm phần trăm (quý I năm 2019: 29,2%); tỷ trọng lao động trong khu vực Dịch vụ tăng 0,4 điểm phần trăm (quý I năm 2019: 35,6%).
 
Trong số các nhóm nghề, nhóm “Lao động giản đơn” thu hút nhiều lao động nhất với hơn 18 triệu người, chiếm 33,6% tổng số lao động. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, lao động thuộc nhóm nghề này giảm mạnh, giảm 1 triệu người (tương ứng giảm 5,2 điểm phần trăm); nhóm nghề “chuyên môn kỹ thuật bậc trung” giảm 320 nghìn người (tương ứng giảm 15,4 điểm phần trăm).
 
Lao động làm công hưởng lương chiếm gần một nửa số lao động có việc làm với 26,1 triệu người. Lao động tự làm và lao động gia đình chiếm tỷ trọng lần lượt là 35,1% và 13,8%, tương ứng giảm 0,4 điểm phần trăm và 1,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Khác biệt về lao động theo giới tính được thể hiện rõ nhất ở nhóm lao động gia đình với tỷ lệ lao động nữ thuộc nhóm này cao gấp hơn 2 lần so với lao động nam, tương ứng là 19,6% và 8,6% - đây là nhóm lao động yếu thế, không có công việc ổn định và hầu hết không tham gia bảo hiểm xã hội.
 
Cả nước vẫn còn 35,9% lao động làm công hưởng lương không được ký hợp đồng lao động (tương đương 9,4 triệu người); 81,9% trong số đó làm việc theo hình thức “thỏa thuận miệng” và 18,1% còn lại là người làm việc và không có bất kỳ hợp đồng hay thỏa thuận nào với chủ sử dụng lao động. Tình trạng lao động không được ký hợp đồng của lao động nam cao hơn lao động nữ, tương ứng là 44,8% và 24,3%; ở khu vực nông thôn cao hơn thành thị, tương ứng là 44,3% và 24,4%. Nhóm tuổi có tỷ trọng lao động làm công hưởng lương không được ký hợp đồng lao động cao nhất là lao động từ 60 tuổi trở lên, chiếm 60,7% và thấp nhất ở nhóm 25-54 tuổi, chiếm 33,8%. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhóm lao động làm công hưởng lương không được ký hợp đồng lao động là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi người sử dụng lao động thực hiện chính sách cắt, giảm lao động.
 
3. Tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ thanh niên không đi học và không đi làm có xu hướng tăng
 
Số người thất nghiệp[4] trong độ tuổi lao động quý I năm 2020 là gần 1,1 triệu người, tăng 26,1 nghìn người so với quý trước và tăng 26,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2020 là 2,22%, tăng 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,05 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 3,18%, tăng 0,08 điểm phần trăm so với quý trước và cùng kỳ năm trước; tỷ lệ này của khu vực nông thôn là 1,73%, tăng 0,06 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,03 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
 
Thất nghiệp của lao động thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 trong quý I năm 2020 là 492,9 nghìn người, chiếm 44,1% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên quý I năm 2020 là 7,01%, tăng 0,51 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,57 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cao gấp 5,4 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của dân số trưởng thành (những người từ 25 tuổi trở lên). Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,91%, tăng 0,99 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,64 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
 
Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo (viết gọn là tỷ lệ NEET, tiếng Anh: Youth not in employment, education or training) trong quý I năm 2020 là 11,5%, tương đương với 1,47 triệu người, tăng 2,2 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ NEET ở khu vực thành thị cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn, ở nữ thanh niên cao hơn 3,5 điểm phần trăm so với nam thanh niên.
 
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm 2020 là 2%, tăng 0,78 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,83 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực nông thôn cao gấp 2,6 lần so với khu vực thành thị (tương ứng là 2,52% và 0,97%). Đa số những người thiếu việc làm hiện làm việc trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 68,9%. Tỷ lệ lao động thiếu việc làm trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 3,79%, cao gấp gần 9 lần so với khu vực Công nghiệp và xây dựng và cao hơn 3,1 lần so với khu vực Dịch vụ.
 
Số lao động có việc làm phi chính thức[5] quý I năm 2020 là gần 20,1 triệu người, giảm 494 nghìn người so với quý trước và tăng 207 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý I năm 2020 là 55,3%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mặc dù số lao động có việc làm phi chính thức tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm là do số lao động chính thức tăng nhiều hơn so với lao động phi chính thức (gấp 2,7 lần). Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở khu vực nông thôn cao hơn 14,4 điểm phần trăm so với thành thị, tương ứng là 61,7% và 47,3%.
 
Tỷ lệ lao động nữ làm công việc phi chính thức ở một số ngành dịch vụ khá cao: hoạt động làm thuê công việc trong các hộ gia đình đạt 95,9%, giáo dục và đào tạo đạt 75,1%, dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 67,3%. Đây là nhóm lao động dễ bị ảnh hưởng hơn so với lao động nam khi thị trường lao động chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc về thay đổi chính sách hoặc thiên tai, dịch bệnh.
 
4. Thu nhập của người lao động[6] tăng nhưng tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước sụt giảm đáng kể
 
Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I năm 2020 đạt 6,2 triệu đồng, tăng 353 nghìn đồng so với quý trước và tăng 473 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,1 triệu đồng, lao động nữ là 5,1 triệu đồng, lao động thành thị là 8,2 triệu đồng, lao động nông thôn là 5,2 triệu đồng.
 
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong quý I năm 2020 đạt 7,4 triệu đồng, tăng 616,5 nghìn đồng so với quý trước và tăng 476,5 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,1 lần so với lao động nữ (tương ứng là 7,8 triệu đồng và 6,8 triệu đồng).
 
Tuy vậy, tốc độ tăng thu nhập của người lao động quý I năm 2020 so với cùng kỳ năm trước thấp hơn so với tốc độ tăng thu nhập của năm trước (tương ứng là 8,3% so với 19,4%). Trong đó, chênh lệch về tốc độ tăng thu nhập của quý I năm 2020 so với các năm trước nhiều nhất ở khu vực Công nghiệp và xây dựng: thấp hơn 11,6 điểm phần trăm so với quý I năm 2019; khu vực Dịch vụ: thấp hơn 7,2 điểm phần trăm so với quý I năm 2019; khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản thấp hơn 6,1 điểm phần trăm so với quý I năm 2019.
 
II. TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VIỆC LÀM 4 THÁNG ĐẦU NĂM 2020
 
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động đến tình hình lao động việc làm tại hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh. Theo kết quả điều tra doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19[7] và báo cáo đánh giá của các địa phương về tình hình lao động việc làm[8], tính đến giữa tháng 4 năm 2020, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19[9], trong đó lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất (hơn 1,2 triệu lao động), tiếp đến là lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ (hơn 1,1 triệu lao động) và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (gần 740 nghìn lao động).
 
Khoảng 54% lao động bị ảnh hưởng đang làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, 46% lao động bị ảnh hưởng đang làm việc trong các doanh nghiệp và hợp tác xã[10]. Trong đó, khoảng 70% lao động bị ảnh hưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp và hợp tác xã; trong khi đó, đa số lao động bị ảnh hưởng của các ngành “bán buôn, bán lẻ” và “dịch vụ lưu trú và ăn uống” hiện đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh cá thể, tương ứng là 74% và 73%.
 
Tính đến giữa tháng 4 năm 2020, lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong các doanh nghiệp và hợp tác xã chủ yếu là các lao động tạm nghỉ việc (chiếm gần 59%), tiếp đến là lao động bị giãn việc hoặc nghỉ luân phiên (chiếm gần 28%) và lao động bị mất việc (chiếm gần 13%). Trong đó, lao động tạm nghỉ việc trong ngành vận tải kho bãi và ngành giáo dục và đào tạo chiếm cao nhất (đều chiếm trên 70% tổng số lao động bị ảnh hưởng tại mỗi ngành). Ngược lại, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ ăn uống có tỷ trọng lao động bị mất việc, bỏ việc cao nhất trong tổng số lao động bị ảnh hưởng so với các ngành khác (chiếm gần 20% tại mỗi ngành).
 
Có khoảng 84,8% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với hơn 90% doanh nghiệp lớn và vừa tự đánh giá là gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm 2020. Khoảng 67% doanh nghiệp đã thực hiện ít nhất một trong bốn giải pháp về lao động để ứng phó với tác động của dịch Covid-19 bao gồm: (1) Cắt giảm lao động, (2) Cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên, (3) Cho lao động nghỉ việc không lương, (4) Giảm lương người lao động. Trong đó, “Cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên” là giải pháp được áp dụng phổ biến nhất với gần 40% doanh nghiệp thực hiện, trên 28% doanh nghiệp thực hiện “Cắt giảm lao động”.
 
Bên cạnh các giải pháp tác động tiêu cực tới người lao động, 5,3% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng cho biết đã tranh thủ thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19 để “Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn/tay nghề cho người lao động”. Đây là phản ứng chủ động, tích cực và đáng ghi nhận của doanh nghiệp nhằm thích ứng với bối cảnh mới, chung tay cùng Chính phủ và người lao động từng bước vượt qua thách thức của dịch bệnh.
 
Đánh giá chung về tác động của dịch Covid-19 đến tình hình sản xuất kinh doanh nói chung và ảnh hưởng đến người lao động nói riêng, các khó khăn vẫn có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Do vậy, việc triển khai thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp và người lao động là cấp thiết giúp vực dậy nền kinh tế nói chung, thị trường lao động và doanh nghiệp nói riêng.  
 
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
 
 

[1] Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là phần trăm người từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động so với dân số từ 15 tuổi trở lên.
[2] Lực lượng lao động quý I của các năm giai đoạn 2015-2019 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: năm 2015 tăng 69,4 nghìn người; năm 2016 tăng 795,0 nghìn người; năm 2017 tăng 378,5 nghìn người; năm 2018 tăng 533,7 nghìn người; năm 2019 tăng 417,1 nghìn người.
[3] Số liệu báo cáo đến nửa đầu tháng 3 năm 2020.
[4] Người thất nghiệp là những người không có một công việc nào và đang tìm kiếm việc làm đồng thời sẵn sàng làm việc tại thời điểm tham chiếu (7 ngày trước thời điểm điều tra).
[5] Lao động có việc làm phi chính thức bao gồm những người làm việc trong khu vực phi Nông, lâm nghiệp và thủy sản và lao động trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản có đăng ký kinh doanh, thuộc một trong bốn nhóm sau: (i) lao động gia đình không được hưởng lương, hưởng công; (ii) người chủ của cơ sở, lao động tự làm trong khu vực phi chính thức; (iii) người làm công ăn lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; (iv) xã viên hợp tác xã không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
[6] Thu nhập bình quân của lao động trong quý I năm 2020 là thu nhập bình quân từ các công việc của người lao động trong tháng 12 năm 2019, tháng 1 và tháng 2 năm 2020.
[7] Điều tra trên 131 nghìn doanh nghiệp và các tập đoàn về ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong quý I và 4 tháng đầu năm 2020.
[8] Báo cáo hành chính của 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động việc làm đến thời điểm ngày 15 tháng 4 năm 2020.
[9] Lao động bị ảnh hưởng là những người bị mất việc, buộc phải bỏ việc, giãn việc hoặc nghỉ luân phiên.
[10] Báo cáo này không thống kê số hộ và số lao động tự làm trong khu vực nông nghiệp.