Kết nối hợp tác xã vào chuỗi cung ứng giá trị

|

Kết nối hợp tác xã vào chuỗi cung ứng giá trị

Sau 15 năm triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, khu vực Hợp tác xã (HTX) đang phục hồi và phát triển với sự xuất hiện của nhiềuhình HTX kiểu mới. Trong đó, mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị là một hướng đi giúp HTX có thể phát triển lâu dài và bền vững.

Khu vực HTX phục hồi và phát triển

Theo Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể của 63 tỉnh, thành phố, tính đến 31/12/2018, cả nước có trên 22,8 nghìn HTX, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh qua các năm, nếu như năm 2003 chỉ có 969 HTX thành lập mới thì đến năm 2018, cả nước đã có trên 2,5 nghìn HTX thành lập mới (tăng gấp 2,6 lần so với năm 2003).

Trong khu vực này, HTX nông nghiệp có sự phát triển ấn tượng nhất với trên 13,8 nghìn HTX hoạt động vào cuối năm 2018. Trong số các HTX thành lập mới thì HTX nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, khẳng định vị trí, vai trò của HTX trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, giai đoạn 2003-2018, số HTX nông nghiệp thành lập mới là gần 9,4 nghìn HTX, chiếm 84% trong tổng số HTX thành lập mới của cả nước.
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Bên cạnh sự phát triển về số lượng thì quy mô, vốn và lĩnh vực hoạt động của các HTX cũng được mở rộng. Đến nay, nhiều HTX có quy mô toàn xã, huyện; nhiều loại hình HTX mới được thành lập như HTX môi trường, HTX trường học, HTX y tế… Hoạt động của các HTX ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là HTX nông nghiệp.

Điều đáng mừng là việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong hoạt động sản xuất của các HTX ngày càng được quan tâm. Thực hiện chính sách hỗ trợ về khoa học - công nghệ, hàng năm, các Bộ, ngành phối hợp với các địa phương triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ HTX ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ thông qua hoạt động của các hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng chỉ đạo các ngành chức năng trực thuộc tỉnh, thành phố hỗ trợ, chuyển giao khoa học - công nghệ cho các HTX nông nghiệp… Trong giai đoạn 2013-2018, các địa phương đã hỗ trợ cho gần 4 nghìn lượt HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới với tổng kinh phí là 95,5 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách Trung ương là 23 tỷ đồng và từ ngân sách địa phương là 70,5 tỷ đồng. Việt Nam hiện đã có mô hình HTX mới là ứng dụng công nghệ cao và ứng phó với biến đổi khí hậu; HTX tích tụ, tập trung đất đai để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chuyển đổi cây trồng cho thu nhập cao.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất cùng việc rà soát, giải thể những HTX ngưng hoạt động lâu năm hay hoạt động kém hiệu quả tại các địa phương ngay sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực đã giúp hoạt động hiệu quả hơn. Năm 2018, doanh thu bình quân của một HTX đạt gần 4,5 tỷ đồng/HTX, tăng 3,6 tỷ đồng (gấp khoảng 4,2 lần) so với năm 2003. Cùng với doanh thu, lãi bình quân của một HTX tăng từ 74 triệu đồng/HTX/năm 2003 lên 240,5 triệu đồng/HTX/năm 2018 (tăng 166,5 triệu đồng/HTX/ năm, khoảng 225%). Hiệu quả hoạt động của khu vực HTX đã đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế cả nước, đồng thời là thành tố quan trọng đóng góp tích cực cho tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Kết nối HTX vào chuỗi cung ứng giá trị

Với đặc điểm nông nghiệp nước ta đang chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ theo hướng áp dụng công nghệ cao, khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương, tiến lên nền sản xuất hiện đại, an toàn, bền vững và hiệu quả cùng với chủ trương đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, việc xây dựng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị được xem là hướng đi mới và là phương thức sản xuất giúp các HTX phát triển bền vững.

Với mô hình chuỗi giá trị, các HTX tham gia chuỗi sẽ được đảm bảo ổn định từ khâu dịch vụ đầu vào, sản xuất và đầu ra của sản phẩm, thông qua mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp. Cùng với đó, các HTX sẽ được liên kết với các trung tâm khoa học công nghệ để chuyển giao quy trình sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao, hướng đến sản xuất các sản phẩm hữu cơ, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và tăng khả năng được lựa chọn hơn khi doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ, từ đó tạo niềm tin sản phẩm chất lượng trong lòng người tiêu dùng. Mô hình chuỗi giá trị đồng thời sẽ giúp các HTX có được công cụ hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, cách tổ chức sản xuất, hệ thống thu thập số liệu sản xuất và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và trình độ quản lý của Ban quản trị HTX thông qua các chương trình liên kết, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực.

 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Để kết nối HTX vào chuỗi cung ứng giá trị, hàng năm Bộ Công Thương đã phê duyệt một số đề án xúc tiến thương mại quốc gia, tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hội chợ trong và ngoài nước, nhằm quảng bá hình ảnh, mở rộng thị trường. Ngoài ra, Bộ Công Thương tạo điều kiện cho HTX giao thương, liên kết hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các chương trình, dự án lớn như: Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam, Chương trình tư vấn phát triển thiết kế, phát triển sản phẩm… Trong giai đoạn 2003-2018, các địa phương đã dành khoảng 469 tỷ đồng để hỗ trợ cho hơn 4.500 lượt HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

Trong các năm 2011-2018, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng đã thực hiện 09 đề án trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí được phê duyệt khoảng 16,29 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 500 lượt HTX, doanh nghiệp trên cả nước tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế trong nước và một số thị trường mục tiêu tại nước ngoài như Ý, Đức…, tham gia các khóa đào tạo tập huấn kỹ năng kinh doanh và tiếp cận thị trường trong nước cho các HTX trên địa bàn cả nước. Năm 2019, Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện 02 đề án Tổ chức Hội chợ Xúc tiến thương mại cho các HTX và 05 khóa đào tạo tập huấn kỹ năng kinh doanh và tiếp cận thị trường trong nước cho các HTX trên địa bàn cả nước với tổng kinh phí thực hiện là hơn 2,32 tỷ đồng. Ngoài ra, để xây dựng hệ thống HTX phát triển vững mạnh, thời gian qua, Liên minh hợp tác xã Việt Nam đồng thời tiến hành khảo sát nhiều HTX khu vực phía Nam (điển hình là các HTX tại Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Tháp, Cà Mau,…) để đề xuất tham gia vào mô hình chuỗi giá trị. Năm 2018, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam cũng đã huy động các nguồn lực để hỗ trợ, xây dựng 77 mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm tại 57 tỉnh, thành phố; mỗi HTX được hỗ trợ 220 - 250 triệu đồng và vay vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, tư vấn đào tạo cán bộ, mua nguyên liệu, máy móc, thiết bị, đầu tư cơ sở chế biến, xúc tiến thương mại và đầu tư.

Với sự hỗ trợ tích cực trên, số lượng HTX sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng gia tăng. Theo Báo cáo 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW của Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển Kinh tế tập thể, hợp tác xã, trong năm 2018, cả nước có gần 1.200 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn sản phẩm. Nhiều HTX chủ động liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, một số HTX đã tích cực tham gia vào việc thúc đẩy truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mã QR thông qua điện thoại thông minh để đáp ứng xu hướng tiêu dùng của khách hàng hiện đại cũng như chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.

Nhiều mô hình HTX với cách làm mới đã xuất hiện, đem lại hiệu quả kinh tế như: HTX phát triển sản phẩm nông nghiệp bản địa, OCOP kết hợp với du lịch nông nghiệp, nông thôn; HTX đảm nhiệm nhiều khâu trong chuỗi giá trị; Mô hình doanh nghiệp trong cùng chuỗi là thành viên HTX. Đáng chú ý là đã có sự góp mặt của những HTX chuyên ngành (cây, con) dẫn dắt, hỗ trợ kinh tế hộ thành viên phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm phù hợp với lợi thế, cũng như sản phẩm chủ lực của từng vùng miền trên cả nước tham gia chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu thị trường, như: HTX sản xuất nông nghiệp (rau, củ, chăn nuôi lợn cao sản, lạp sườn, chanh dây, miến dong…) ở vùng Miền núi phía Bắc; HTX về sản phẩm cây công nghiệp (cà phê, ca cao, hồ tiêu…) ở vùng Tây Nguyên; HTX trồng lúa, thủy sản, cây ăn trái và sản phẩm chế biến từ nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Nổi bật trong số đó là HTX công nghệ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chuyên cung cấp các sản phẩm rau xanh cho thành phố Hà Nội và các vùng lân cận; HTX nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội) hoạt động dịch vụ, sản xuất rau an toàn theo công nghệ Israel; HTX dịch vụ nông nghiệp xã Độc Lập (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) có quy mô toàn xã với hơn 5 nghìn thành viên, làm dịch vụ phát triển nông nghiệp…
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Thực tiễn cho thấy, tại các HTX xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi thành công, chi phí đầu vào giảm khoảng 10% so với trước đó, giá cả đầu ra tăng hơn 10%, sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm cao hơn được cung ứng ra thị trường; doanh thu tăng gấp 2 lần, thu nhập của thành viên tăng 36% do chi phí đầu vào giảm, giá bán sản phẩm tăng…

Mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị cùng các chương trình kết nối cung cầu của các Bộ, ngành đã giúp khoảng cách giữa HTX và hệ thống phân phối hiện đại dần tìm được tiếng nói chung trong việc phối hợp đưa các sản phẩm vùng, miền, nông sản sạch. Ví dụ như, nằm trong chuỗi hoạt động thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác số 28062019/TT/MOIT-CG giữa giữa Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Central Group Việt Nam, mới đây hơn 100 hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại đã kết nối tiêu thụ nông sản vào hệ thống bán lẻ hiện đại của Big C và Go! Việt Nam. Hệ thống bán lẻ Big C đồng thời hướng dẫn HTX làm thủ tục, hồ sơ đạt các điều kiện cần thiết. Cùng với đó, Saigon Co.op cũng thiết lập lộ trình cụ thể để hàng hóa của các HTX đưa vào hệ thống phân phối đạt chuẩn xuất khẩu quốc tế…

Có thể thấy, việc phát triển theo chuỗi giá trị, với hạt nhân là HTX đã và sẽ giúp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm vùng miền, nhất là mặt hàng nông sản; đưa nền nông nghiệp Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, tiếp tục bứt phá phát triển theo chiều hướng hội nhập sâu rộng vào chuỗi nông sản toàn cầu, nhờ tiết giảm đáng kể về mặt chi phí tài chính trong kinh doanh; đồng thời giúp cải thiện tính linh hoạt, hiệu quả thời gian và chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên là không ít khó khăn, tồn tại mà khu vực HTX cần sớm khắc phục, đó là: HTX sản xuất theo chuỗi giá trị phát triển không đồng đều giữa các lĩnh vực, vùng miền; Phần lớn HTX, nhất là các HTX nông nghiệp có năng lực nội tại yếu kém, quy mô sản xuất nhỏ, khó khăn trong việc tiếp cận thị trường vốn vay ưu đãi để đầu tư máy móc thiết bị, đóng gói bao bì sản phẩm, phương tiện vận chuyển.... Nhiều HTX vẫn trong tình trạng “bình mới, rượu cũ”; mô hình HTX cũ còn nặng nề trong khi HTX kiểu mới chưa đáp ứng yêu cầu Hiện nay, hoạt động xúc tiến thương mại còn đơn lẻ, quy mô nhỏ, chưa thu hút được nhiều HTX, cơ sở sản xuất tham gia; Lượng lớn các HTX chưa có sự liên kết với nhau trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nên chưa phát huy được hết tiềm năng của mình. Bên cạnh đó, nguồn lực nhà nước phân bổ cho xây dựng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị còn hạn chế; hiện chưa có khoản mục ngân sách riêng để hỗ trợ HTX mà phải sử dụng kinh phí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, mức hỗ trợ chưa quy định cụ thể.

Đáng lưu ý là nhiều HTX chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn và thị trường do chưa thực hiện sản xuất theo quy trình an toàn, còn xem nhẹ việc xây dựng thương hiệu và chưa đầu tư nhiều vào thiết kế bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua quá trình đi kiểm tra thực tế tại các HTX cho thấy, các sản phẩm nông sản của các HTX chưa vào được siêu thị do các HTX thiếu thông tin từ các đối tác và chất lượng hàng hóa chưa đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là khâu sơ chế bị đánh giá ở mức điểm khá thấp.

Nguyên nhân của những vấn đề tồn tại trên là do nhận thức về vai trò, giá trị và bản chất của mô hình HTX kiểu mới một số nơi còn chưa thống nhất, dẫn đến công tác quản lý, ban hành cơ chế, chính sách, tư vấn, hỗ trợ… chưa trọng tâm, chưa đúng, chưa đi vào cuộc sống của các HTX và người dân. Ngoài ra, số lượng HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho thành viên, cộng đồng chưa nhiều; hiểu biết về xây dựng chuỗi giá trị của các HTX còn yếu.

Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện đang rất sôi động với lượng lớn siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini và cửa hàng nhỏ lẻ. Đây là “miếng bánh” hấp dẫn để các HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tham gia chuỗi giá trị, cung ứng sản phẩm cho thị trường. Để làm được điều này, các HTX cần nghiên cứu, tìm hiểu, đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời tăng cường tìm kiếm, đa dạng hóa các kênh phân phối sản phẩm, từ đó chủ động hơn tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ của các địa phương trong việc tổ chức đào tạo phương thức quản trị chuỗi giá trị và năng lực quản trị cho lãnh đạo HTX; cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi tạo điều kiện hơn nữa cho các HTX tham gia sâu vào các chuỗi giá trị cung ứng. Những giải pháp trên đồng thời sẽ góp phần đạt mục tiêu đặt ra trong Quyết định số 461/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020./.
Bích Ngọc