Trái ngược với xu hướng suy giảm của nhiều quốc gia trên thế giới, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chảy về ASEAN ngày một tăng, tạo nên một cuộc đua gay gắt giữa các nước trong khu vực với việc trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư. Nhờ những chính sách ưu đãi, thông thoáng cùng sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là sự ổn định về chính trị, Việt Nam đã tạo được sức hút cho riêng mình và trở thành điểm đầu tư hấp dẫn được nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến.
Cuộc đua trải thảm đỏ mời gọi vốn đầu tư nước ngoài - nhiều đối thủ đáng gờm
Với số dân 650 triệu người, chiếm 8,59% tổng dân số thế giới, GDP toàn khối năm 2017 đạt 2,8 nghìn tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân duy trì ổn định ở mức 5%, mười nước thành viên ASEAN hiện đang tạo nên một khối sức mạnh về kinh tế và trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới. Theo Bộ Công Thương năm 2017, dòng vốn FDI chảy vào khu vực ASEAN đạt 137 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 22 tỷ USD của năm 2000. Năm 2018, tổng lượng vốn FDI của các nước ASEAN đã thiết lập mốc tăng trưởng mới khi đạt 149 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2017 (số liệu tại Báo cáo đầu tư ASEAN của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển - UNCTAD và Ban Thư ký ASEAN). Sự tăng trưởng FDI trong khu vực ASEAN chủ yếu tập trung tại các nước Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam; vào các nhóm ngành sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là tài chính, bán lẻ và thương mại bán buôn, bao gồm cả nền kinh tế kỹ thuật số… Điểm đáng chú ý là, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với những diễn biến khó lường và mức độ gay gắt ngày càng gia tăng kể từ tháng 3/2018 đến nay đã góp phần tạo nên sự dịch chuyển dòng vốn FDI sang ASEAN thời gian qua. Để tạo lợi thế đón các dòng vốn FDI, các nước ASEAN đã và đang liên tục kiến tạo những gói hỗ trợ, mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các công ty nước ngoài muốn chuyển khỏi Trung Quốc, khiến cuộc đua thu hút vốn FDI trong khu vực trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Đối thủ mạnh nhất trong khu vực ASEAN trên cuộc đua thu hút FDI luôn được nhắc đến là Singapore. Từ lâu nay, quốc đảo này đã là “điểm trũng” thu hút lượng lớn dòng vốn FDI đến từ nhiều quốc gia trên thế giới và hiện đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng FDI toàn cầu. Trong khu vực ASEAN, Singapore vẫn luôn chứng minh không có đối thủ xứng tầm, khi lượng vốn FDI vào quốc gia này bằng hay nhiều hơn tổng vốn FDI của các nước trong khu vực cộng lại. Điều tạo nên sức hấp dẫn ở Singapore đối với các nhà đầu tư nước ngoài là Chính phủ quốc đảo “sư tử” đã xây dựng được hệ thống pháp luật hoàn thiện, nghiêm minh, công bằng và hiệu quả; một môi trường kinh doanh ổn định, có nhiều chính sách ưu đãi thuế khác biệt, hệ thống luật hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, các thủ tục cấp giấy phép đơn giản, thuận tiện cùng chính sách nhập cư và ý chí đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Một đối thủ “nặng ký” khác trong cuộc đua là Thái Lan. Theo số liệu thống kê, năm 2018, lượng vốn FDI chảy vào nền kinh tế lớn thứ hai khu vực ASEAN là tương đối khả quan, đạt 10 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2017. Nhận định chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là cơ hội “có một không hai” để thu hút FDI, Chính phủ Thái Lan đã đặt mục tiêu thu hút hàng loạt dự án đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị lên tới 24 tỷ USD trong năm 2019, trong đó chú trọng các doanh nghiệp muốn chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu đó, vào tháng 9/2019 mới đây, Thái Lan đã thông qua gói chính sách ưu đãi Thailand Plus. Theo đó, doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Thái Lan sẽ được giảm 50% thuế nhu nhập doanh nghiệp trong 5 năm, tăng gấp đôi chiết khấu đối với chi phí dành cho đào tạo và miễn thuế doanh nghiệp trong 5 năm khi thành lập các cơ sở phát triển kỹ năng. Đồng thời, với doanh nghiệp đặt cơ sở bên ngoài Bangkok, ngoài được miễn thuế từ 5-8 năm, còn được giảm thêm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm. Các gói hỗ trợ trên được Chính phủ Thái Lan thiết kế một cách chi tiết, phù hợp với nhu cầu của từng nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác nhau, giúp thúc đẩy các dự án quy mô lớn vào các ngành công nghiệp mũi nhọn mà nước này đang hướng tới là hàng không, dịch vụ y tế và robot và tạo lợi thế so với các quốc gia ASEAN khác.
Bên cạnh gói chính sách ưu đãi Thailand Plus, xứ sở Chùa Vàng Thái Lan đồng thời thông qua đề xuất đưa huyện Chana (thuộc tỉnh Songkhla) trở thành đô thị kiểu mẫu thứ tư của Thái Lan, nhằm tạo ra các quan hệ kinh tế xuyên biên giới với Malaysia và Singapore, cũng như hỗ trợ phát triển công nghiệp ở miền Nam Thái Lan. Theo đó, khi đầu tư vào Chana, các doanh nghiệp sẽ được hưởng những ưu đãi tương tự tại ba thành phố kiểu mẫu khác là Nong Chik, Betong và Su-ngai Kolok, bao gồm: Miễn thuế doanh nghiệp trong 8 năm với dự án mới và 5 năm với dự án đang thực hiện, giảm 90% thuế nhập khẩu thông thường trong 10 năm với nguyên liệu thô hoặc nguyên liệu cần thiết cho sản phẩm dành cho thị trường nội địa. Ngoài ra, thời gian tới Chính phủ Thái Lan cũng sẽ thiết lập cổng thông tin điện tử để tư vấn cho doanh nghiệp nước ngoài thủ tục nộp đơn đăng ký đầu tư. Những bước đi trên cho thấy sự quyết tâm cao của Thái Lan trong việc mở cửa chào đón các làn sóng FDI đang chảy vào ASEAN ngày một nhiều.
Bên cạnh Thái Lan, Indonesia cũng được nhắc đến như một đối thủ cần phải dè chừng. Nhìn nhận FDI như là một nguồn lực đầy tiềm năng cho phát triển kinh tế cũng như xóa đói giảm nghèo, kể từ năm 2014, bằng việc áp dụng một loạt chính sách cải tổ nền kinh tế và thu hút FDI như cắt giảm thủ tục hành chính, thực hiện ưu đãi thuế cho các công ty nước ngoài… lượng vốn FDI vào Indonesia đã có sự tăng trưởng ngoạn mục. Từ những con số khá khiêm tốn của những năm trước đó, trong hai năm 2015 và 2016, Indonesia đón nhận dòng vốn FDI “khổng lồ” lần lượt là 29,3 tỷ USD và 29,75 tỷ USD và trở thành “một hiện tượng nổi lên” trong thu hút FDI của khu vực. Tiếp sau đó, Indonesia thực hiện kế hoạch mở “thiên đường” thuế nhằm thu hút đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đổi mới khoa học công nghệ và thúc đẩy thương mại điện tử… Tuy nhiên, kết quả đạt được không như kỳ vọng, dòng vốn FDI vào nước này có sự suy giảm và chỉ đạt 22 tỷ USD trong năm 2018 (số liệu thống kê của UNCTAD). Để chinh phục lại đỉnh cao đã đạt được, hiện Indonesia đang tập trung toàn lực vào đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách luật đất đai, giảm thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài và linh hoạt trong đào tạo lao động, đào tạo những sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng tay nghề.
Nhập cuộc cùng các nước trong khu vực, gần đây Malaysia cũng có những bước đi đột phá trong thu hút FDI và nhận được kết quả đền đáp xứng đáng. Nhìn lại các năm 2011-2016, thời gian này Malaysia liên tiếp chinh phục những đỉnh cao mới trong thu hút FDI, song dòng vốn này có xu hướng chảy chậm hơn ngay trong những năm tiếp sau đó. Theo số liệu của Cục Thống kê Malaysia, lượng vốn FDI vào nước này giảm từ mức gần 11,6 tỷ trong năm 2016 xuống chỉ còn 10,08 tỷ USD năm 2017, giảm 12,77% so năm trước đó. Sang năm 2018, con số này tiếp tục giảm mạnh, chỉ còn khoảng 8 tỷ USD. Trước bối cảnh tình hình thu hút FDI trong nước có chiều hướng giảm và các nước bạn trong khu vực liên tục có những chính sách mới hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, Malaysia đã nỗ lực mạnh mẽ cải thiện sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài bằng việc đưa ra các chính sách ưu đãi thuế, cùng với những cố gắng trong việc mở rộng các ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ và thúc đẩy kinh tế số Nhờ đó, chỉ tính riêng quý I/2019, lượng vốn FDI vào nước này đã lên tới mức 7,1 tỷ USD, tăng 73,4% so với cùng kỳ và gần bằng con số cả năm ngoái.
Không chỉ có các nước trong khu vực ASEAN mà ngay cả Trung Quốc cũng đang có những động thái giữ chân các nhà đầu tư khi mà vào tháng 3 vừa qua, Trung Quốc thông qua Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài mới, được các chuyên gia quốc tế đánh giá là “cởi mở” hơn trước đây rất nhiều, giúp trấn an các nhà đầu tư nước ngoài khi thâm nhập thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận rộng hơn thị trường tài chính và tiêu dùng trong nước, với một loạt các biện pháp như: Sẽ bãi bỏ các hạn chế hạn mức đầu tư đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ điều kiện (QFII) và các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ tiêu chuẩn đầu tư bằng đồng NDT (RQFII). Thêm vào đó, trong tháng 8/2019, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã công bố kế hoạch tổng thể cho sáu khu vực thương mại tự do (FTZ) thí điểm mới, nâng tổng số FTZ lên 18, tạo bước đi tiên phong trong chương trình cải cách và mở cửa đất nước khi Bắc Kinh thử nghiệm các phong cách quản lý đầu tư nước ngoài mới và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.
Việt Nam - điểm sáng mới trong khu vực
Mặc dù cuộc đua thu hút vốn FDI đang diễn ra giữa các nước trong khu vực ngày càng khốc liệt và đều là những đối thủ mạnh, song điều đáng mừng là lượng vốn FDI chảy vào Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây và Việt Nam nổi lên như một điểm sáng mới trong thu hút FDI trong khu vực ASEAN. Bắt đầu thực hiện chính sách thu hút FDI từ năm 1987, song dòng vốn FDI thực sự chảy mạnh hơn vào Việt Nam là từ năm 2006 đến nay. Đặc biệt, vào năm 2017, tình hình thu hút FDI vào Việt Nam đạt được cột mốc ấn tượng khi tổng vốn FDI vào nước ta (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) lên tới 35,88 tỷ USD, mức cao nhất trong vòng 10 năm trước đó.
Dòng vốn FDI có sự giảm nhẹ trong năm 2018 song vẫn đạt 35,46 tỷ USD, đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ vào 18 ngành lĩnh vực, bằng 98,8% so với 2017. Trong đó, Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; tiếp đến là Hàn Quốc 7,2 tỷ USD, chiếm 20,3%; Singapore 5 tỷ USD, chiếm 14,2%... Lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà ĐTNN trong năm vừa qua là công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 16,58 tỷ USD, chiếm 46,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Sau đó là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 6,6 tỷ USD, chiếm 18,6%; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ 3,67 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký... Trong 10 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đổ vào Việt Nam là 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018 (số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Đánh giá tương quan vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực về thu hút FDI, đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, nếu loại trừ Singapore, thì những năm gần đây, Việt Nam đã rất nỗ lực cải thiện sức hấp dẫn của mình và hiện đang xếp vị trí thứ 3 - chỉ sau Thái Lan và Indonesia trong việc thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), hiện nay vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (OFDI) của Nhật Bản vào Việt Nam chiếm 9% trong tổng vốn OFDI của Nhật vào ASEAN 10, tương đương mức hơn 2 tỷ USD, cao hơn các nước Malaysia (948 triệu USD) và Philippines (xấp xỉ 1 tỷ USD). Mặc dù thua kém Thái Lan và Indonesia trong việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, nhưng khoảng cách của Việt Nam so với hai nước trên đang được dần thu hẹp.
Đối với các nhà đầu tư Singapore, từ năm 2015 trở về trước, Việt Nam luôn xếp thứ 5/9 nước trong khu vực về mức độ hấp dẫn, sau các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năm 2016, Việt Nam đã tiến lên vị trí 4/9 trong khối ASEAN, thay thế Philippines. Tỷ trọng vốn OFDI Singapore vào Việt Nam trong tổng vốn OFDI Singapore vào ASEAN cũng tăng lên nhanh chóng, từ chỉ 3,2% năm 2011 lên 6% năm 2016. Tuy mức tỷ trọng này còn khá xa so các nước Malaysia, Indonesia hay Thái Lan, nhưng khoảng cách đã ngày càng được thu hẹp lại, cho thấy các công ty Singapore tìm đến Việt Nam để đầu tư có xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, mặc dù thời gian trước Việt Nam chưa tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Mỹ, chỉ xếp thứ 6/10 nước ở ASEAN, với tỷ trọng rất khiêm tốn, xấp xỉ 0,5- 0,6% tổng vốn OFDI nước này, song điểm đáng chú ý là trong khi tỷ trọng vốn đầu tư OFDI của Mỹ vào các nước ASEAN 4 (gồm các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines) đang có xu hướng giảm dần qua các năm từ 2009 đến nay, thì tỷ trọng này gần như không thay đổi ở Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực để Việt Nam đẩy mạnh thu hút FDI đến từ nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài chính là: Hệ thống pháp luật được chỉnh sửa và hoàn thiện theo tiêu chuẩn chung của thế giới; Sự quyết tâm trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được kinh doanh trong một môi trường bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh thông qua hàng loạt các chính sách đầu tư thông thoáng, những chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho khu vực đầu tư nước ngoài như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu một số ngành hàng, miễn giảm tiền thuê và sử dụng đất... Cùng với đó là các yếu tố như: Các cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển, đặc biệt tại các khu kinh tế và khu công nghiệp trọng điểm trong những năm trở lại đây; Tình hình chính trị ổn định, dân số đông, số người trong độ tuổi lao động lớn, mức lương nhân công thấp, ngành giáo dục Việt Nam tập trung đẩy mạnh đào tạo lao động lành nghề, khuyến khích đổi mới và sử dụng công nghệ mới…
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng là một yếu tố góp phần trong việc tăng dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam. Minh chứng là từ tháng 4/2018 đến tháng 8/2019, trong số 56 nhà đầu tư rời khỏi Trung Quốc do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, có tới 26 công ty chuyển đến Việt Nam, 11 công ty đến Đài Loan và 8 công ty sang Thái Lan. Chỉ có 2 công ty chuyển đến Indonesia.
Những yếu tố trên cũng là cơ sở để “News and World Report” của Mỹ nhận định, Việt Nam hiện đứng thứ 8 trong danh sách 29 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư và đứng đầu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về hấp dẫn đầu tư nước ngoài, dựa trên sự đánh giá của khoảng 7.000 nhà hoạch định kinh doanh về 8 tiêu chí: Kinh tế ổn định, môi trường thuế thuận lợi, lực lượng lao động lành nghề, năng lực công nghệ, tinh thần doanh nghiệp, sự đổi mới, năng động và vấn đề tham nhũng… Trong khi đó, các đối thủ khác của Việt Nam là Malaysia, Singapore và Indonesia chỉ xếp thứ hạng lần lượt là 13, 14 và 18 trong danh sách này.
Còn theo báo cáo đầu tư quốc tế (World Investment Report) 2019, Việt Nam hiện đang đứng thứ 21 về lượng vốn FDI trên toàn thế giới, trong đó các dòng vốn đầu tư chủ yếu đến từ các nước cùng khu vực ASEAN và các nền kinh tế châu Á khác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Xét riêng trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 3, sau Singapore (đứng thứ 5 toàn cầu) và Indonesia (đứng thứ 18 toàn cầu).
Có thể nói, việc đánh giá các chính sách ưu đãi thu hút FDI của các nước thành viên ASEAN, đánh giá vị thế tương quan giữa Việt Nam so với các nước trong khu vực và những nhận định, xếp hạng của thế giới là cơ sở, động lực để Việt Nam có những định hướng cụ thể hơn trong thu hút FDI theo tinh thần Nghị quyết số 50/NQ-TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 vừa được Bộ Chính trị ban hành mới đây./.
Bích Ngọc